Chia sẻ với VnExpress, ông Ngô Văn Quý (bố của Thuận) cho biết, ngày 3/10, gia đình được trường thông báo, Thuận phải nhập viện. Sáng hôm sau, ông bắt xe ra Hà Nội và được biết con trai đang điều trị tại khoa thần kinh Bệnh viện 103.
"Ra đó, tôi thấy cháu nằm lịm đi trên giường, không biết gì. Nghe các bác sĩ nói cháu bị dấu hiệu thần kinh hoang tưởng, tôi rất lo lắng. Hy vọng lớn nhất của vợ chồng tôi là Thuận sớm bình phục để trở lại trường học tập", ông Quý nói và cho hay, Thuận chưa từng có tiền sử hay biểu hiện của bệnh thần kinh.
Từ ngày con trai phải nằm viện, ông Quý và vợ lần lượt ra bệnh viện chăm sóc. Cuối tháng 10, khi sức khỏe của Thuận đỡ hơn, ông bà mới về nhà và để cậu ở lại bệnh viện một mình.
Một bác sĩ của khoa Thần kinh cho biết, tình trạng của Thuận đã đỡ hơn trước. Hàng ngày, sau giờ ăn cơm và uống thuốc, Thuận đi dạo quanh khuôn viên hoặc ngồi lặng lẽ trong phòng và ít chuyện trò. Cổng vào khu A6, khoa Thần kinh luôn được khóa để bệnh nhân không trốn ra ngoài. Bởi vậy, mọi sinh hoạt và giao lưu của người bệnh chỉ diễn ra bên trong cánh cổng sắt.
Dáng vẻ chậm chạp, lờ đờ, khuôn mặt ít biểu lộ cảm xúc, Thuận lật đật ra ghế đá ngồi. Đôi mắt nhìn xa xăm, cậu học trò xứ Nghệ lắp bắp nói chuyện. Thuận chia sẻ, sau khi nhập học được khoảng một tuần, cậu bỏ trốn khỏi trường.
"Lúc ấy em không phải là mình nữa. Em chỉ có suy nghĩ trốn về nhà. Sáng hôm em bỏ đi, nhiều người trong trường đã đuổi theo để giữ lại. Lúc sau, có một anh trong trường đã giữ được em. Hôm sau thì em nhập viện", Thuận kể.
Thuận cho hay, bản thân cũng không hiểu nổi vì sao có suy nghĩ chán học và muốn về nhà. Theo Thuận, trước hôm bỏ trốn, mọi chuyện với cậu diễn ra bình thường, trừ hiện tượng mệt mỏi và toàn thân run lẩy bẩy về đêm. Nam sinh này cho biết thêm, năm lớp 12, cậu cũng hay bị run rẩy như vậy.
Nhớ lại lúc nhận được quyết định vào học trường Sĩ quan Tăng thiết giáp, Thuận nhoẻn miệng cười: "Khi đó em hạnh phúc lắm. Em nhập viện đã hơn một tháng nay, vẫn muốn đi học lắm nhưng em sợ bệnh lại tái phát. Buồn, tiếc nhưng bệnh tật vậy phải chấp nhận thôi. Em định sẽ xin ra quân để đi học nghề, có thể em sẽ học điện dân dụng".
Hiện tại, một ngày của cậu học trò nghèo tại khoa Thần kinh chỉ quanh quẩn với ăn, ngủ, uống thuốc và đi dạo. "8h tối là em đi ngủ vì ở đây chẳng có việc gì làm. Bố mẹ em cũng ra thăm em vài hôm là lại về", Thuận nói và chia sẻ thêm, từ khi biết cậu bị bệnh, bạn gái quen trong thời gian thi đại học cũng đã chia tay.
Hiện, Bệnh viện Quân y 103 chưa có phát ngôn chính thức nào về tình trạng sức khỏe của Ngô Văn Thuận vì cần phải có "giám định khoa học" trước khi đưa ra kết luận.
Tháng 7 vừa qua, Ngô Văn Thuận một mình đạp xe từ Nghệ An ra Hà Nội thi đại học với 30.000 đồng trong túi. Dự định ngủ lại bên vệ đường hoặc vào chùa xin ngủ nhờ, nhưng Thuận may mắn gặp được người công an tốt bụng, đưa về nhà ăn nghỉ, rồi cho tiền để đi xe về quê sau khi thi xong. Khi trường Sĩ quan Lục quân 1 công bố điểm chuẩn và biết mình không đỗ, Thuận ra chợ Vinh làm thuê kiếm tiền phụ giúp bố mẹ nuôi em học, dự định năm sau sẽ thi tiếp. Tuy nhiên, với 14 điểm, Thuận đủ điểm đỗ trường Tăng Thiết giáp nên được Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh ký quyết định đặc cách. |
Theo Bình Minh - Nguyên Khoa/ Báo Vnexpress
- 18/12/2012 - Tiếng kêu cứu của 4 mẹ con trong căn nhà tàn
- 06/12/2012 - Thầy giáo trẻ xứ Nghệ chinh phục giám khảo nước ngoài
- 30/11/2012 - Hai cháu bé đa dị tật và một gia đình khốn khó
- 09/11/2012 - 3 cháu bé xương thủy tinh cần giúp đỡ
- 08/11/2012 - Dạy nghề cho nông dân và bài toán “đầu ra”
- 03/11/2012 - Khi nông dân tiếp cận nghề kỹ thuật cao
- 21/10/2012 - Nông dân nghèo được khám, thay thủy tinh thể miễn phí
- 29/08/2012 - Đặc cách “thí sinh đạp xe 300 km đi thi” vào ĐH
- 03/08/2012 - Một gia đình nạn nhân chất độc da cam cần sự quan tâm, chia sẻ của bạn đọc
- 16/07/2012 - Dịch cúm H5N1 "tràn" như vỡ đập
COMMENTS