Người đang giữ bảo vật ấy là ông Nguyễn Tâm Cớn, nguyên Tiểu đội trưởng tiểu đội 6 C317 chuyên rà phá bom nổ chậm từng được TNXP Nghệ An mệnh danh là “khắc tinh” của các loại bom nổ chậm.
Trong 10 tháng đầu năm 1968 tại Truông Bồn, ông cùng đồng đội tháo gỡ, phá hủy gần 400 quả bom các loại.
Tôi buột miệng khen ông ngó trẻ hơn cái tuổi trên 70, ông Cớn cười chả phải đi chùa mô cả mà mãi sau này tôi mới hiểu. Rằng ông cứ đi làm đi lo việc thiện như thế này người thư thái sảng khoái, tật bệnh bay biến hết!
Một trong những việc thiện ấy là dạo Nhà nước chuẩn bị tuyên dương Đơn vị Anh hùng LLVTND cho tập thể Tiểu đội 2 TNXP Đại đội 317, với tư cách Chủ tịch Hội cựu TNXP huyện Yên Thành, ông Cớn đã phải nhiều lần vất vả sưu tầm tư liệu.
Chuyện ông Cớn tìm được một bọc ni lông di vật của liệt sĩ Hoàng Thị Nhung từ người anh trai là ông Hoàng Thanh Vận, thôn Đồng Sum (xóm 11) xã Lăng Thành có lắm tình tiết ly kỳ. Chuyện xin được nói vào
dịp khác...
Qua ông Cớn, nhà báo Giao Hưởng cũng được tiếp cận với bọc ni lông nọ. Coi xét kỹ càng những di vật của liệt sĩ trong đó, Giao Hưởng nói lại, ông rất bàng hoàng bởi tài liệu là hiện vật gốc liên quan đến 13 liệt sĩ TNXP Truông Bồn.
Ngay hồ sơ của 10 liệt sĩ Ngã Ba Đồng Lộc hiện trưng bày tại Khu Di tích lịch sử, thì bộ tài liệu hồ sơ gốc của chị Nhung đây là đầy đủ nhất.
Ngoài Bản sơ lược lý lịch và Bản tự nhận xét, chọn cử cán bộ đi học Trung học chuyên nghiệp lập ngày 3-10-1968 do ông Phùng Mỹ Tho thay mặt UBHC xã Phú Thành ký xác nhận ngày 9-10-1968 (khi hy sinh, chị Nhung vẫn cất giấy báo đi học trong túi) còn có Bản Sơ lược lý lịch và Phiếu thẩm tra lý lịch của chị Hoàng Thị Nhung.
Gửi kèm trong di vật còn có Sơ đồ Liệt sĩ bị mất tích và Biên bản kiểm kê tư trang của đồng chí Hoàng Thị Nhung. Tất cả đều được ghi ngày lập biên bản là 21-10-1968, thời điểm tìm thấy thi hài liệt sĩ bị bom vùi.
Tôi chú ý đến một bản photo mà ông Cớn cũng như Giao Hưởng nói là được sao lại từ 4 trang giấy pơluya đã nhàu nát có tiêu đề Biên bản xác nhận và báo cáo về tai nạn chiến tranh làm chết người do máy bay Mỹ oanh tạc ngày 31-10-1968 được lập ngày 4-11-1968.
Xin trích:
Những người trực tiếp lập biên bản gồm:
1/ Ông Hồ Thanh Cát, đại diện Đảng ủy ngành GTVT Nghệ An. 2/ Ông Lê Thân, đại diện Ban chỉ huy TNXP Nghệ An. 3/ Ông Nguyễn Lâm (hay Lam?), đại diện Tỉnh đội, Trưởng ban giải phóng Truông Bồn. 4/ Ông Nguyễn Mai, đại diện huyện Công an công tác tuyến Truông Bồn. 5/ Ông Giao, đại diện đơn vị công binh thuộc B trạm 8. 6/ Ông Nguyễn Hữu Nghi TV huyện ủy, Phó Chủ tịch UBHC huyện Đô Lương, đồng thời là Trưởng ban đảm bảo giao thông Truông Bồn. 7/ Ông Nguyễn Quý Hùng, Trưởng phòng giao thông Đô Lương. 8/ Ông Võ Trọng… (bị mất chữ) Bí thư Chi bộ phòng giao thông Đô Lương. 9/ Ông Hoàng Đình Hội (hay Hợi?) Bí thư Chi bộ HTX Mỹ Thái, đại diện chính quyền xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương. 10/ Ông Nguyễn Sơn Lam (hay Lâm?) đại diện đơn vị ứng cứu. 11/ Ông Đinh Văn Quang, đại diện đơn vị 325 TNXP. 12/ Bà Nguyễn Thị Oanh, đại diện đơn vị 304 TNXP. 13/ Ông Nguyễn Xuân Thỏa, đại diện đơn vị 317 đơn vị xảy ra tai nạn.
Ngoài ra còn có rất đông các cán bộ như Đoàn đội TNXP Nghệ An, Đoàn ngành GTVT và các đơn vị hữu quan khác có mặt trong buổi họp hôm ấy. Đã cùng nhau xác nhận vị độ máy bay Mỹ oanh tạc, làm thiệt hại về người và tài sản thuộc phạm vi hiện trường làm việc của đơn vị 317 trên tuyến Truông Bồn như sau:
Đón xem chương trình “Truông Bồn, huyền thoại và tri ân” Kỷ niệm 44 năm ngày hi sinh của các anh hùng liệt sĩ Truông Bồn (31-10-1968-31-10-2012), nhân dịp khởi công xây dựng Khu di tích lịch sử cách mạng Truông Bồn, được sự chỉ đạo của T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Bộ Giao thông Vận tải, Tỉnh ủy-UBND tỉnh Nghệ An và Đài Truyền hình Việt Nam, các đơn vị UBND tỉnh Nghệ An, Báo Tiền Phong, Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam, Ban Thời sự Đài Truyền hình Việt Nam phối hợp tổ chức chương trình giao lưu nghệ thuật Truông Bồn Huyền thoại và Tri ân. Chương trình được truyền hình trực tiếp lúc 20h, ngày 27-10-2012, trên VTV1, Đài Truyền hình Việt Nam. Trân trọng mời bạn đọc đón xem. |
Xuất phát từ nhiệm vụ GTVT khẩn trương phục vụ tiền tuyến, đơn vị 317 tiếp nhận nhiệm vụ đảm bảo giao thông trên đoạn đường Truông Bồn khói lửa (dốc Kỳ Lợn).
Theo yêu cầu đơn 317 xin triển khai làm việc cả ban ngày và ban đêm trên một địa hình thuộc tuyến đường này. Theo thường lệ, đơn vị cho triển khai quân ra hiện trường làm việc vào lúc 6 giờ sáng, đến 6 giờ 10 phút ngày 31-10-1968 một tốp máy bay gồm 6 chiếc từ phía Nghi Lộc bay lên, nhào thẳng xuống cắt bom vào hiện trường, số lượng bom có 72 quả trong một phạm vi chiều dài 120m, chiều ngang khoảng 50m.
Sau khi bom vừa nổ xong, một mặt đơn vị kiểm đếm quân số, một mặt tìm kiếm cứu chữa những người bị hy sinh hoặc vùi lấp.
Theo con số kiểm tra thì có 14 đồng chí bị lấp vùi, mới phát hiện được một hầm có 3 đồng chí, đơn vị tập trung đào bới được một đồng chí, bồng lên thấy bị sức ép nặng và bị đất vùi khả năng còn cứu chữa, nên kịp thời mang đồng chí đó về nơi an toàn cứu chữa.
Thời gian chưa được bao lâu đơn vị đang hết sức đào bới thì gian ác thay, một tốp máy bay khác của giặc Mỹ đã lao tới cắt loạt bom thứ 2 gồm có 52 quả. Sau đó đơn vị lại tiếp tục đào bới nốt, cứu được 2 đồng chí khác mang về vùng an toàn, lúc đó đơn vị cũng được lệnh sơ tán tạm thời để bàn kế hoạch đào bới.
Sau đó chưa được bao lâu thì 10h 10 phút, 3 máy bay của giặc Mỹ lại đến rải 46 quả bom TN. Cả hiện trường đều bị đảo lộn, hố bom cày chằng chịt đất cuộn lung tung, ngoài ra còn có các loại bom nổ chậm khác.
Trước tình thế đó, các lực lượng đã cùng nhau bàn biện pháp việc đào bới lần thứ nhất vào lúc 4h chiều ngày 31-10-1968, Khoảng 11h đêm 31-10-1968, toàn bộ lực lượng đã được sử dụng vào việc tìm kiếm một cách tích cực, khẩn trương.
Rồi liên tiếp ngày và đêm 1-2-3-4 tháng 11-1968, dốc toàn bộ lực lượng thực hiện đủ mọi kế, nhận định đủ tình huống, quan sát hết mọi khả năng trên hiện trường với tấm lòng thống nhất, chờ đợi, đau xót, thương tiếc những đồng chí đã hy sinh mà chưa tìm được thi hài.
Tất cả mọi người đều căm thù giặc Mỹ càng đổ sức lực vào việc tìm kiếm. Qua mấy ngày đêm ngoài sức người, còn cộng thêm vào sức máy móc hiện đại mà chỉ tìm thấy 4 đồng chí nữa mà thôi, trong tổng số 14 đồng chí bị vùi.
Lực lượng tham gia tìm kiếm và ứng cứu có sự chỉ huy thống nhất, bố trí thời gian kịp thời, ban lãnh đạo và tất cả cán bộ khác luôn luôn hội ý từng giờ, từng lúc và từng ngày để tìm ra biện pháp mới, nhận định tình hình, và luôn luôn có mặt ở ngoài hiện trường từ đầu đến ngày cuối cùng của việc tìm kiếm.
Lực lượng tham gia tìm kiếm trong 4 ngày đêm gồm có: C304 TNXP, C325 TNXP, đơn vị của công binh, đơn vị hầm giao thông, dân quân địa phương, đơn vị 317 là đơn vị xẩy ra tai nạn, và lực lượng máy móc khác, mỗi lần ra quân tìm kiếm có 150 người gồm các đơn vị nói trên, ngoài ra còn có máy móc khác giúp sức.
Kết luận của vụ oanh tạc do máy bay Mỹ gây nên đã đem lại cho đơn vị 317 một số thiệt hại như sau:
Về người: Bị thương bằng sức ép và vùi đất là: Bị nặng: Trần Thị Thông bị sức ép nặng. Thọ Thành huyện Yên Thành Nghệ An. Bị nhẹ: Trần Thị Quy bị đất vùi và sức ép, trực chiến đơn vị 304.
Bị chết tại trận và bị vùi không tìm được1/ Trần Văn Hạp, Tiến Thành, Yên Thành 2/ Phan Thị Dung, Hợp Thành, Yên Thành 3/ Hoàng Thị Nhung, Phú Thành, Yên Thành 4/ Vũ Thị Hiên, Tăng Thành, Yên Thành 5/ Nguyễn Thị Văn, Thượng Sơn, Đô Lương 6/ Nguyễn Thị Hoài, Hưng Yên, Hưng Nguyên 7/ Nguyễn Thị Tâm, Hợp Thành, Yên Thành
Bị chết tại trận và tìm được thi hài cấp táng đầy đủ:
1/ Cao Ngọc Hòa, Diễn Lộc, Diễn Châu 2/ Nguyễn Thị Phúc, Phúc Thành, Yên Thành 3/ Trần Thị Doãn, Sơn Thành, Yên Thành 4/ Hà Thị Đang, Phú Thành, Yên Thành 5/ Đinh Thị Vinh, Quỳnh Ngọc, Quỳnh Lưu 6/ Đàm Thị Bốn, Khánh Thành, Yên Thành
Trong 6 đồng chí tìm được thi hài đã tiến hành việc chôn cất chu đáo, và thi hài được đặt vào một nơi cao ráo, mát mẻ thuộc địa phận của HTX Mỹ Thái xã Mỹ Sơn, Đô Lương.
Trong số 7 đồng chí qua 4 ngày đêm đã đem hết mọi khả năng tìm kiếm mà không thể thấy được. Do đó hội nghị kết luận 7 đồng chí bị mất tích. Vậy lập biên bản này báo cáo lên cấp trên và các ngành hữu quan.
Mỹ Sơn, ngày 4-11-1968
(Tất cả kí tên, đóng dấu)
Lúc chia tay ông Cớn kể thêm một chuyện thật buồn. Nguyễn Xuân Thỏa sinh năm 1936, nguyên Đại đội trưởng C317, quê xã Sơn Thành, Yên Thành, người thứ 13 ký vào biên bản nói trên đã mất vào nửa đầu năm 2010.
Chừng 3 tháng sau, vợ ông cũng đột ngột qua đời. Khi trên 2 ban thờ đang nghi ngút khói, thì đùng cái, vợ chồng cô con gái của ông Thỏa cũng ra đi! Rồi tiếp đến cô cháu gái làm ăn trong Nam, đang bụng mang dạ chửa về quê chờ sinh nở, không ngờ chưa kịp khai hoa cũng chết đột ngột…Ngôi nhà của ông Thỏa bỏ không, người con gái của ông lấy chồng xóm bên, mấy tháng liền phải gửi con nhỏ nhờ ông bà nội chăm sóc để về nhà túc trực khói hương trên 2 ban thờ của bố, mẹ.
Ông Cớn tìm trong bọc tài liệu ông Thỏa, không có giấy tờ gì liên quan đến thời kì C317, ngoại trừ 2 bản photo 2 bài báo về Truông Bồn. Đó là Phóng sự Ngược Truông Bồn của Giao Hưởng ( Báo Lao động, ngày 10-5-1997), và bài Day dứt Truông Bồn của nhà thơ Vương Trọng.
(Còn nữa)
- 28/11/2012 - Bế mạc giải bóng đá Bắc Yên Thành mở rộng lần thứ 4 năm 2012
- 19/11/2012 - Đám cưới bằng xe công nông tự chế gây xôn xao xứ Nghệ
- 06/11/2012 - Khai mạc giải bóng đá truyền thống Hội đồng hương Yên Thành tại Vinh lần thứ nhất
- 06/11/2012 - Chùm thơ của thầy giáo Mai Quang
- 26/10/2012 - Thông báo về việc tổ chức Giải bóng đá Hội đồng hương Yên Thành tại Vinh lần I
- 22/10/2012 - Di tích Tràng Kè: “Địa chỉ đỏ” không thể lãng quên
- 17/10/2012 - Sôi nổi giải bóng chuyền nữ tháng mười
- 11/10/2012 - Thông báo khai mạc giải bóng đá cựu HS trường THPT Bắc Yên Thành tại Hà Nội 2012
- 10/10/2012 - Đẩy nhanh tiến độ xây dựng thượng điện chùa tạnh
- 28/08/2012 - Khởi công xây dựng thượng điện chùa tạnh
COMMENTS