Từ đầu năm Mậu Tuất(1898), Giặc Pháp xâm lược và Chính quyền tay sai đặt lỵ sở huyện để cai trị nhân dân Yên Thành tại xóm Lý Nhân, Làng Phụng Luật(nay là xóm 5 xã Hợp Thành)
Cuối tháng 5/ 1945, nội các Trần Trọng Kim thông qua tỉnh trưởng Nghệ An là Đặng Hướng, điều Lưu Văn Xân, một nha lại hạng 2 tại Hà Tĩnh ra nhận chức Tri huyện Yên Thành. Cũng thời gian này Đ/c Chu Văn Biên về Yên Thành tổ chức Ban vận động Việt Minh, thầy giáo Phan Duy Huệ được cử vào BCH Việt Minh lâm thời huyện Yên Thành.
Từ tháng 6/1945, nhà ông Phan Duy Huệ trở thành trung tâm chỉ đạo phong trào Việt Minh huyện. Các chỉ thị, truyền đơn được giao các ông: Vũ Đề, Phan Niệm, Phan Tờn chuyển đạt tới các vùng. Tối hậu thư gửi phó Tổng Quan Hoá đòi “ không được thu sưu thuế, số thu được không nạp cho Nhật, ai ủng hộ cách mạng thì được báo ân, ai làm hại cách mạng thì bị báo oán ” được ông Phan Tờn tống đạt.
Trung tuần tháng 6/ 1945 tại Nhà Cao, cống Ba Cửa diễn ra 2 cuộc họp bao gồm những cốt cán và thanh niên hăng hái trong phong trào. Tại cuộc họp ở cống Ba Cửa có làm lễ chào cờ và tuyên thề do các đồng chí Chu Văn Biên, Phan Phúc Tường chủ trì đã đề ra hướng hoạt động gấp rút xây dựng hội đoàn ở các địa phương, tổ chức luyện tập quân sự, truyền bá quốc ngữ.
Ngày 15/8/1945, phát xít Nhật đầu hàng đồng minh, Việt Minh liên tỉnh Nghệ Tĩnh phát lệnh khởi nghĩa.
Ngày 16/8/1945, cuộc họp tại nhà Cụ Tài ( cha ông Huệ ) Việt Minh huyện công bố lệnh khởi nghĩa giành chính quyền.
Ngày 17/8/1945, đội tự vệ cứu quốc Yên Thành được thành lập tại Sân đình Xuân Tiêu dưới tán cây trôi, phục vụ cho khởi nghĩa cướp chính quyền thôn và chính quyền huyện. Trong xã có các ông Vũ Đề, Phan Niệm, Phan Tờn, Phạm Trí, Nguyễn Hoài, Phan Tháp, Phan Thản….gia nhập đầu tiên. đội tự vệ do ông Phan Khôn và Hoàng Công Thăng chỉ huy.
Ngày 18/8/1945, một số anh em tự vệ do ông Phan Được phụ trách lên làng Văn Hội nam, tịch thu khẩu súng săn 2 nòng của Thất Kính, sang nhà thờ đá Bảo Nham tịch thu của cố Thông 1 khẩu súng 2 nòng. Ông Nguyễn Hoài được cử xuống uỷ ban khởi nghĩa Diễn Châu nhận 4 khẩu súng trang bị cho cho đội tự vệ
Ngày 22/8/1945, sau khởi nghĩa thắng lợi ở Vinh, các ông Nguyễn Đình Khương, Nguyễn Trọng Hành tập hợp thanh niên Phụng Luật phổ biến tin thắng lợi của cách mạng đồng thời cử người tới tuyên truyền giác ngộ lý trưởng, hương hào tự nguyện mang giấy tờ ấn tín nộp cho cách mạng.
Ngày 23/8/1945 phụ nữ huyện có bà Nguyễn Thị Kiếm Anh cùng một số các bà, các chị tập trung tại Đình Phụng may cờ đỏ sao vàng gửi Việt Minh trang bị cho ngày cướp chính quyền ở huyện. Cao trào cách mạng dấy lên như nước vỡ bờ.
Mờ sáng ngày 25/8/1945, cùng với nhân dân cả huyện, trống rung, cờ mở, nhân dân Hợp Thành tiến thẳng vào huyện đường Yên Thành. Trong huyện lỵ dưới tán cây Muỗm sum suê, trước Tức môn có cột cờ cao vút. Một chiếc bàn được đặt giữa sân, trên bàn bày la liệt sổ sách giấy tờ, ấn tín, tiền bạc, bài ngà, bên cạnh một giá để vũ khí vừa thu được. Xung quanh lễ đài đội tự vệ đứng oai nghiêm, bốn phía hàng vạn nhân dân trùng trùng, lớp lớp, băng, cờ, khẩu hiệu đỏ trời. Khoảng 10 giờ sáng, lá cờ quẻ ly bị hạ xuống, lá cờ đỏ sao vàng được kéo lên tung bay phần phật giữa trời thu lộng gió. Tri huyện Lưu Văn Xân, nói lời cáo chung và đầu hàng Cách mạng. Ba phát súng lệnh vang lên, Uỷ ban lâm thời ra mắt đồng bào; giờ phút thiêng liêng ngàn đời có một, mở đầu kỷ nguyên mới: Hoà bình, độc lập, tự do, hạnh phúc trên quê hương Yên Thành yêu dấu.
Theo lịch sử xã Hợp Thành
Hoàng Ngọc Uyên(sưu tầm)
- 22/10/2012 - Di tích Tràng Kè: “Địa chỉ đỏ” không thể lãng quên
- 17/10/2012 - Sôi nổi giải bóng chuyền nữ tháng mười
- 11/10/2012 - Thông báo khai mạc giải bóng đá cựu HS trường THPT Bắc Yên Thành tại Hà Nội 2012
- 10/10/2012 - Đẩy nhanh tiến độ xây dựng thượng điện chùa tạnh
- 28/08/2012 - Khởi công xây dựng thượng điện chùa tạnh
- 22/08/2012 - Chuyện tình đẹp như giấc mơ của chàng trai liệt nửa người với cô thôn nữ
- 18/08/2012 - Chung kết giải bóng đá nhi đồng năm 2012
- 22/07/2012 - Cháo lươn xứ Nghệ
- 20/07/2012 - Lấp lánh một chữ tâm
- 19/07/2012 - Yên Thành: Em Đào Thị Thủy cần được giúp đỡ
COMMENTS