Chỉ cần một chữ ký của chủ tịch xã, dân tha hồ ra đồng khoanh đất làm nhà với giá rẻ như bèo. Hậu quả là hơn 40 mẫu đất ruộng đã bị UBND xã bán đứt trong vòng 10 năm qua. Người dân đã từng làm đơn tố cáo sai phạm nghiêm trọng này lên huyện từ năm 1998. Năm đó, huyện đã cử đoàn thanh tra về làm việc nhưng vẫn không thấy động tĩnh gì và sai phạm của UBND xã cứ tiếp diễn...
Chủ tịch xã bán đất, trưởng xóm cũng tùy tiện giao đất!
Ông Vũ Văn Đảo, đảng viên, nguyên là Chủ tịch UBND xã Lý Thành những năm 1980, đứng trước cổng nhà lắc đầu chua chát: "Đất đai của xã ni đã bị chúng bán hết rồi! Chúng bán đất nhà nước như bán khoai nhà mình. Bừa bãi hết sức". Tôi nhìn theo tay ông, đó là những mảnh đất cạnh con đường làng, đã được xây nhà, đào ao thả cá. Theo ông Đảo, những sào đất dọc đường này trước là đất thầu khoán. Không hiểu sao, ông chủ tịch xã Hoàng Thanh Thể lại tự ý ký bừa bán cho dân và hiện những mảnh đất này đã được cấp sổ đỏ! Ông Đảo khoát tay: "Nhưng mà không chỉ có mấy vạt ni. Khắp cả cái xã ni, đất ruộng dọc các đường liên xã, liên thôn đều bị bán hết rồi. Nghiêm trọng nữa là tiền bán đất đều bị bỏ ngoài sổ sách, chi tiêu vô tội vạ".
Dọc theo con đường làng phía cánh đồng thuộc xóm 4, 6, 7, 8, nhiều ngôi nhà xây kiên cố đã mọc lên. Cạnh những ngôi nhà này còn nhiều thửa đất trống đã được xây tường bao quanh hoặc để không nhưng đều đã có chủ. Đây là diện tích đất ruộng xã đã bán cho dân làm đất thổ cư thông qua chữ ký của chủ tịch xã. Tại xóm 7, một người dân cho biết diện tích đất ven đường làng xã đã bán cho dân với giá rẻ như bèo (chỉ từ 1-3 triệu đồng/sào), hiện nhiều người đã xẻ đôi chuyển nhượng cho người ở xã khác đến xây nhà ở với giá 30 triệu đồng.
Khu vực đồng Dâm nằm bên con đường liên xã, năm 1996, UBND tỉnh Nghệ An ký quyết định phê duyệt cho xã Lý Thành giao 4.500m2 cho 30 hộ với mức giá 15.000 đồng/m2 để bố trí cho một số hộ dân diện di dời để xây dựng đập Mây. Tranh thủ thời cơ này, hai cán bộ xã là ông Lê Hữu Thiêm (kế toán xã) và ông Thái Văn Công (Phó chủ tịch HĐND xã) cũng được ông Thể ký duyệt "cho không" hai mảnh, diện tích mỗi mảnh 416m2 đất mặt đường (không quy định giá cả và thời hạn nộp tiền). Sau này, ông Thiêm cho biết đã nộp cho xã 3 triệu đồng để xã mua máy bơm nước chống hạn.
Ông Nguyễn Thọ Yến, Bí thư chi bộ xóm 8, thừa nhận: năm 1999, thấy xã bán đất tràn lan, dân đua nhau mua, ông cũng làm đơn mua một khoảnh tại đồng ải. Sau khi mua đất, ông có bán cho xã 2 con dê để cán bộ giết thịt và số tiền bán dê này được cán bộ xã đồng ý trừ vào tiền mua đất! Theo ông Yến không chỉ riêng gì ông, hầu hết đảng viên trong xã dù biết sai nhưng đều mua đất, có người mua 2-3 khoảnh. "Xã bán thì chúng tôi mua, chúng tôi đang cần đất cho con cái ra riêng, với lại cả xã đều mua chứ riêng chi ai. Chúng tôi mua có trả tiền hẳn hoi chứ có phải tự ý chiếm dụng mô !" - ông Yến nói.
Trong khi đất đai bị xã giao bừa bãi thì năm 1996, ông Nguyễn Văn Toàn, trưởng xóm 9 cũng đã tự ý giao cho ông Nguyễn Văn Dũng cùng xóm 566m2 đất thuộc đồng Mìn làm đất thổ cư, thu 300 ngàn đồng. Tương tự, năm 2001, ông Thái Bá Tiến, trưởng xóm 5 cũng phê bút giao cho ông Thái Văn Yên 400m2 ở Ga Làng làm nhà ở, tự ý thu 2,3 triệu đồng.
Huyện làm ngơ!
Vào năm 1998, khi phát hiện ra sai phạm nghiêm trọng của xã trong việc quản lý đất đai, ông Tô Hữu Doạt ở xóm 7, đảng viên, đã đứng ra đấu tranh với xã. Thế nhưng, tiếng nói đơn độc của ông đã không thể ngăn được sự tùy tiện của cán bộ xã đang trượt dài trên đà sai phạm. Cuối cùng những lá đơn tố cáo đã được gửi lên huyện. Năm đó, huyện đã cử đoàn thành tra về xã làm việc một tháng. Thế nhưng không hiểu sao, sau đó, mọi việc lại rơi vào im lặng. Được đà, cán bộ xã tiếp tục phê bút bán đất.
Mãi đến cuối năm 2004, sau khi một tờ báo địa phương nêu những sai phạm nghiêm trọng này, UBND huyện mới thành lập đoàn thanh tra liên ngành về thanh tra công tác quản lý đất đai ở xã Lý Thành. Kết luận thanh tra do Trưởng đoàn Phan Đăng Hướng ký ngày 17/1/2005 cũng đã chỉ ra nhiều sai phạm nghiêm trọng của cán bộ xã mà đứng đầu là ông Chủ tịch UBND xã Hoàng Thanh Thể đã buông lỏng và tùy tiện trong quản lý đất đai.
Cũng theo kết luận của đoàn thanh tra, diện tích đất mà UBND xã Lý Thành đã bán cho dân hầu hết nằm ngoài diện tích quy hoạch đất thổ cư mà UBND tỉnh Nghệ An đã phê duyệt. Thế nhưng vẫn được Phòng địa chính của huyện làm thủ tục cấp sổ đỏ. Thậm chí như trường hợp ông Đào Xuân Bảo, nguyên Bí thư Đảng ủy xã (hiện giữ chức Chủ tịch UB MTTQ xã), "ôm" luôn 5.000m2 đất ở đồng Vạc Cộc vẫn được Phòng địa chính cấp sổ đỏ (hiện đã bị thu hồi)!
Theo quyết định ký ngày 28/1/2005 của Chủ tịch UBND huyện Yên Thành Phan Văn Tân về việc phê chuẩn kết luận thanh tra quản lý, sử dụng đất đai tại xã Lý Thành thì UBND xã phải thu hồi lại toàn bộ diện tích xã đã giao sai thẩm quyền, trừ những hộ đã xây nhà. Thế nhưng, thực hiện quyết định này hiện đang vô cùng khó vì dân không phục: "Huyện biết sai sao lại không ngăn cản việc bán đất của xã từ thời điểm 1998 mà để kéo dài cho đến nay? Xã bán thì dân mua, trả tiền hẳn hoi, bây giờ xã làm sai sao dân phải gánh chịu trong khi những cán bộ của xã, huyện sai phạm lại chỉ bị xử lý nhẹ hều".
Theo báo Thanh niên
- 11/06/2009 - 6 thanh niên đánh chết người vì... ngứa mắt
- 14/05/2009 - Yên Thành - Nghệ An: Cơ quan thi hành án chưa làm tròn trách nhiệm?
- 14/04/2009 - Yên Thành: Người chống tiêu cực đang bị “khủng bố”
- 03/04/2009 - Biện pháp phòng chống ma túy hiệu quả ở Yên Thành
- 21/03/2009 - CA Yên Thành với công tác quản lý tạm giam, tạm giữ
- 07/03/2009 - Bà thủ quỹ coi trời bằng vung
- 31/01/2009 - Xã Kim Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An) Do tranh chấp rừng Thung Mây - Khe Ngấy bị tàn phá nghiêm trọng
- 21/12/2008 - Chủ tịch UBND huyện Yên Thành quyết định đình chỉ hoạt động nhà máy
- 26/12/2007 - Học sinh lớp 11 đột nhập nhà dân ăn trộm
COMMENTS