Trong buổi lễ trao tặng danh hiệu cao quý: đảng viên 60 năm, 50 năm, 40 năm tuổi đảng của Đảng bộ xã Công Thành (Yên Thành) điều đặc biệt vui mừng là có một cặp vợ chồng: cụ ông Nguyễn Tam Thông và cụ bà Nguyễn Thị Nhương, cả hai cụ năm nay thọ gần 90 tuổi đời, vui mừng nhận tấm huy hiệu 60 năm tuổi đảng
Ông Dương Ngọc Hoàng, Trưởng Ban Tổ chức Huyện uỷ Yên Thành nói: "Đối với một Đảng bộ có bề dày truyền thống từ những năm 1930-1931 như Yên Thành thì nhiều lão đảng viên được trao tặng huy hiệu 60 năm, có người 70 năm tuổi đảng, nhưng cả hai vợ chồng cùng nhận huy hiệu 60 năm tuổi đảng trong một năm thì đây là trường hợp đầu tiên của Đảng bộ xã Công Thành, cũng là trường hợp đầu tiên của huyện Yên Thành".
Ông Nguyễn Tam Thông sinh năm 1922, trong một gia đình nông dân nghèo tại làng Đồng Hiền, tên thường gọi là Đồng Giỏ, một làng qê nghèo có tiếng ở vùng chiêm trũng Yên Thành.
Đồng chí Phan Văn Tân - Bí thư Huyện uỷ trao Huy hiệu 60 năm tuổi đảng cho vợ chồng cụ Nguyễn Tam Thông.
Lớn lên trong một gia đình có truyền thống hiếu học và yêu nước, người chú của Nguyễn Tam Thông là ông Nguyễn Tờn, một chiến sỹ Xô - viết Nghệ-Tĩnh, từng bị giặc bắt giam tù đày, nên Nguyễn Tam Thông sớm tham gia hoạt động cách mạng từ tháng 9 năm 1945. Cách mạng tháng Tám thành công, ông được cử làm chấp hành Thanh niên cứu quốc làng. Chính trong những ngày vừa hoạt động thanh niên, vừa làm trưởng ban công tác bình dân học vụ, ông xây dựng gia đình với bà Nguyễn Thị Nhương, cũng là một cán bộ phụ nữ của làng Mậu Long, một làng nhỏ bên con sông Chèn.
Từ khi xây dựng gia đình, cả hai vợ chồng càng hăng hái, tích cực công tác. Ông thì làm công tác thanh niên, bà làm công tác phụ nữ. Ngày 2 tháng 2 năm 1949, Nguyễn Tam Thông cùng với người cha thân yêu, ông Nguyễn Phương vinh dự được kết nạp vào Đảng Lao động Việt Nam, sáu tháng sau, ngày 28/8/1949, bà Nhương, vợ của ông cũng vinh dự được kết nạp Đảng. Vốn nhanh nhẹn, thông minh, lại có tấm bằng sơ học yếu lược (tương đương tiểu học hiện nay), Nguyễn Tam Thông được Đảng phân công làm công tác giáo dục của xã, trực tiếp xây dựng Trường cấp 1 Vân Tụ.
Năm 1952, ông được cử đi học lớp bồi dưỡng ở Trường Đảng Lê Hồng Phong của Tỉnh uỷ Nghệ An, từ đó, bắt đầu cuộc đời thoát li gia đình hoạt động cách mạng. Ông đã trải qua nhiều công việc, ở nhiều cơ quan trường học, có lúc là cán bộ của Văn phòng Trung ương Đảng, của Ty Giáo dục Nghệ An, nhưng chủ yếu là làm công tác Đảng, công tác quản lý trong trường học.
Từ năm 1962 cho đến lúc nghỉ hưu (1976), ông xin về quê công tác và làm Hiệu trưởng, Bí thư chi bộ các trường cấp 2 Long Thành, Mỹ Thành, Sơn Thành, Khánh Thành... cán bộ và nhân dân các xã nơi ông đã từng công tác đều khâm phục tinh thần, trách nhiệm, xả thân vì công việc, lo lắng cho giáo viên, học sinh được giảng dạy, học tập an toàn trong những năm bom đạn ác liệt cũng như những năm đói khổ sau ngày mới thống nhất đất nước. Ông đã có nhiều đóng góp trong việc quản lý, xây dựng phong trào giáo dục ở cơ sở, nhiều năm liền được tặng danh hiệu Chiến sỹ thi đua cấp huyện, cấp tỉnh, được tặng thưởng Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất.
Cuộc đời của lão đồng chí Nguyễn Tam Thông, gần 90 năm tuổi đời, 60 năm tuổi đảng, biết bao ngọt bùi cay đắng, gắn liền với một trong những giai đoạn sôi động của Cách mạng Việt Nam. Có được những thành công, những niềm vui là nhờ sự cưu mang của nhân dân, sự giáo dục, rèn luyện của Đảng, của Bác Hồ, nhưng một phần cũng nhờ một nửa yêu thương, nhờ người bạn đời, người đồng chí luôn làm chỗ dựa tin cậy để ông bà vượt qua nhiều khó khăn, dắt dìu nhau trên đường công tác để có ngày vui hôm nay.
Trong những năm ông Thông công tác xa nhà, khi ở Hà Nội, khi ở Nghĩa Đàn, bà Nhương vừa đảm bảo công tác xã hội, bà liên tục tham gia công tác Đảng, nhiều năm làm chi uỷ viên, có một số năm làm Bí thư phụ nữ xã Công Thành, vừa thay chồng nuôi dạy con cháu trưởng thành. Khi đất nước có chiến tranh, bà động viên các con ra chiến trường, khi có điều kiện, bà động viên con cháu học tập chăm chỉ. Bà thường nhắc các con noi gương cha mà lo học tập. Một mình bà, mấy sào ruộng khoán, rau cháo nuôi 7 người con trưởng thành.
Sau buổi lễ đón nhận danh hiệu 60 năm tuổi đảng, tôi may mắn được gặp hai cụ Nguyễn Tam Thông và Nguyễn Thị Nhương trong ngôi nhà khang trang giữa một khu vườn rợp mát, yên ả giữa làng Đồng Hiền. Từ trong gian khổ, đói nghèo nhưng nay các con, cháu của hai cụ đều trưởng thành. Cả 7 người con của các cụ, có người ở nước ngoài làm cán bộ đại sứ quán, có người làm cán bộ quản lý kinh doanh một cơ sở của Tổng công ty dầu khí, có người làm việc ở quê. Gia đình cụ có 4 thế hệ, 16 người là đảng viên. Nếu cụ thân sinh còn sống thì năm nay đã 60 năm tuổi đảng.
Ngồi nhẩm tính, cho đến mùa Thu năm 2009, gia đình cụ có 4 người con, 11 người cháu đã và đang học đại học, trong đó có 2 cháu thạc sỹ (một ở Rumani, một ở trong nước). Cháu gái đầu của cụ, vừa học xong lớp Cử nhân chính trị tại Học viện Chính trị- Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh. Từ nhỏ cô đã được cha mẹ gửi về ở với ông bà, lớn lên trong vòng tay của ông bà. Ngày 20/ 6/ 2009 vừa qua, cô đã bảo vệ thành công Luận văn tốt nghiệp với đề tài: "Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về cán bộ và công tác cán bộ kiểm tra kỷ luật Đảng trong việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ kiểm tra của Đảng bộ tỉnh Nghệ An hiện nay".
Khi người cháu đem tấm bằng đỏ- bằng giỏi của Học viện về thưa với ông bà, cụ Thông rưng rưng cảm động: "Ông bà rất sung sướng, hạnh phúc. Ông bà theo Đảng, theo Bác Hồ trọn đời mới có nhiều niềm vui như ngày hôm nay. Các cháu phải luôn biết ơn và chăm lo học tập, làm theo tấm gương đạo đức của Bác mới nên người".
Khi niềm vui nhân đôi, nhân ba... thì niềm vui ấy không chỉ còn là niềm vui của một gia đình...
Theo Báo Nghệ An
LBL_NEWERNAME
- 16/01/2010 - Người 'lang thang' cứu giúp trẻ khuyết tật
- 05/01/2010 - Có anh trên đỉnh Huồi Sơn
- 10/11/2009 - 'Hai lúa' xứ Nghệ
- 28/10/2009 - Bão giữa rừng đêm...
- 04/09/2009 - Vượt nghèo lo chữ cho con
LBL_OLDERNAME
- 08/07/2009 - Bà đỡ mát tay
- 13/06/2009 - Ba thủ khoa tranh nhau bỏ học để nuôi mẹ
- 13/06/2009 - Yên Thành - Những người trẻ làm kinh tế giỏi
- 22/02/2009 - Người đàn ông “lang thang” cưu mang hàng chục trẻ khuyết tật
- 27/04/2007 - Chữa hóc xương bằng ngoại cảm
COMMENTS
Ông Bà Thông là hai Ông Bà đầu tiên của xã Công Thành cùng nhận huy hiệu 60 năm tuổi Đảng, nhưng là đầu tiên của huyện Yên Thành thì có thể xem lại không ạ! Vì theo tôi được biết, ở Xã Liên Thành có Ông Bà Hồ cũng đều được nhận huy hiệu 60 năm tuổi Đảng từ năm 2008.
Trân trọng cảm ơn!
Ông Bà Thông là hai Ông Bà đầu tiên của xã Công Thành cùng nhận huy hiệu 60 năm tuổi Đảng, nhưng là đầu tiên của huyện Yên Thành thì có thể xem lại không ạ! Vì theo tôi được biết, ở Xã Liên Thành có Ông Bà Hồ cũng đều được nhận huy hiệu 60 năm tuổi Đảng từ năm 2008.
Trân trọng cảm ơn!