Anh từng là đứa trẻ lang thang, ngày đi làm đủ nghề từ rửa bát đến bán dạo báo, đêm ngủ đầu đường xó chợ. Giờ, anh lại lặng lẽ cưu mang những trẻ khuyết tật để bớt đi những phận đời khốn khó như mình ngày xưa.
Tuổi thơ gian khổ
Anh Tạ Duy Sáu, ở xã Thọ Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An, sinh ra trong một gia đình có 6 anh em. Năm Sáu lên 10 thì người cha ngã bệnh, nằm liệt một chỗ. Anh chị của Sáu lần lượt khăn gói đi các tỉnh "ở đợ" để giảm bớt gánh nặng cho mẹ.
Rồi tai họa liên tiếp ập đến gia đình khi người anh của Sáu đột ngột qua đời. Thời gian sau, một người chị của anh tiếp tục bị liệt. Lúc này, kinh tế gia đình kiệt quệ, cha mẹ già yếu, Sáu buộc phải nghỉ học giữa chừng.
Năm 1995, Sáu lên đường kiếm việc mưu sinh khi vừa bước vào tuổi 17. Một mình khăn gói lặn lội vào tận miền sơn cước Đắk Lắk để làm phu tại một mỏ đá. Nửa năm ròng rã ăn rừng ở tạm, Sáu nuôi hy vọng kiếm chút tiền về chữa bệnh cho cha và chị. Nhưng không ngờ trên đường về, số tiền ít ỏi dành dụm đó bị cướp sạch.
Mất tiền Sáu lại một lần "thất hứa" với người cha đang ngày ngày lên cơn đau quằn quại ở quê nhà. Lần này, Sáu vào tận Sài Gòn để kiếm sống. Không một xu dính túi, không một người thân nương tựa, Sáu lang thang theo đám bạn cùng cảnh ngộ đi bán báo dạo, rửa bát thuê, làm đủ thứ nghề.
Sau gần chục năm "lang thang" giữa đất Sài thành, anh gặp một người con gái cùng cảnh ngộ rồi nên duyên vợ chồng. Sau này, khi mang dự định xây dựng một trung tâm từ thiện giúp đỡ những số phận đặc biệt nói với vợ, anh Sáu không ngờ được chị ủng hộ nhiệt tình. Những ngày sau đó, hai vợ chồng chăm chỉ làm việc để gom góp tiền về quê thực hiện ước mơ...
Tạ Duy Sáu cùng vợ về quê, gom toàn bộ số tiền chắt chiu được trong ngần ấy năm đồng thời thế chấp ngôi nhà đang ở được 500 triệu đồng để xây trung tâm dạy nghề dành cho trẻ khuyết tật. Một số người bảo anh... thần kinh, đang yên lành tự dưng lại rước toàn những người tật nguyền về nuôi. Anh vẫn quyết tâm để làm người “bảo mẫu” cho hàng chục trẻ khuyết tật.
Từ năm 2003, cái tên Trung tâm bảo trợ xã hội Hiền Lương, xã Thọ Thành, Yên Thành, Nghệ An đã trở thành "địa chỉ đỏ" cho những số phận kém may mắn tìm đến. Hiện Trung tâm đang cưu mang và dạy nghề 46 em, chủ yếu là khuyết tật, các em được dạy làm những công việc đơn giản như bó chổi đót, làm hương... Mỗi tháng ngoài nuôi ăn, Trung tâm còn trả cho các em 300 nghìn đồng giúp gia đình.
Ngôi nhà cho trẻ khuyết tật
Chúng tôi đến thăm Trung tâm bảo trợ xã hội Hiền Lương trong một ngày đông rét mướt. Bên trong ngôi nhà cấp 4, khoảng 20 con người chủ yếu là trẻ em khuyết tật bẩm sinh, nhiễm chất độc da cam, thiểu năng trí tuệ... đang cần mẫn lao động. Họ đều giống nhau ở sự nghèo khổ và đều được đùm bọc, cưu mang bởi "bảo mẫu" - Tạ Duy Sáu.
Em Nguyễn Thị Hoà, ở xóm Chùa, xã Mã Thành (Yên Thành) bị dị tật bẩm sinh lại mồ côi cha từ nhỏ, mẹ bệnh tật đau yếu quanh năm. Trước hoàn cảnh đáng thương này, anh Sáu đã nhận về nuôi và dạy nghề. Vào Trung tâm gần 3 năm, em đã được sống trong sự yêu thương đùm bọc. Hòa nói: "Em vào đây được chú Sáu, thím Lương cưu mang được ăn no, mặc ấm. Một buổi đi học, một buổi em cùng bạn phụ giúp công việc". Hoà nay đã học lớp 12 A4, Trường THPT dân lập Trần Đình Phong cách xã Thọ Thành không xa.
Cùng cảnh ngộ với Hoà là em Nguyễn Minh Phú, ở xã Thọ Thành, huyện Yên Thành. Phú khi sinh ra đã không có đôi tay do ảnh hưởng di chứng chất độc da cam. Vào Trung tâm Phú cũng được đi học, học văn hóa, học nghề. Cũng như Hoà, Phú cũng cố gắng học tập, không còn tay nhưng em đã dùng đôi chân đẩy lùi số phận.
Không trường hợp của Phú, nhiều trẻ em mồ côi khác cũng đã được anh Sáu cưu mang. Hằng ngày, anh cầm tay chỉ việc dạy nghề thành thạo cho các em. Bằng sự kiên trì và chỉ dạy tận tình, đến nay, tất cả các em đều thạo nghề, làm ra tiền phụ giúp gia đình. Chia sẻ với chúng tôi, anh Sáu cho rằng cuộc đời anh chỉ hạnh phúc khi nhìn thấy những số phận bất hạnh được mọi người, xã hội dang rộng tay đón nhận. Đó là động lực lớn khiến anh không nỡ lòng thờ ơ trước một hoàn cảnh đáng thương nào.
Theo Mai Anh - Hoàng Trần / Báo GiaDinhNet
- 17/04/2010 - Thầy giáo già... rất trẻ
- 07/04/2010 - Câu chuyện cảm động của đôi vợ chồng già
- 02/04/2010 - Cô cháu ngoại hiếu thảo
- 25/03/2010 - Vượt qua nghèo khó
- 20/03/2010 - Cô bé bắt lươn học giỏi nhất làng
- 05/01/2010 - Có anh trên đỉnh Huồi Sơn
- 10/11/2009 - 'Hai lúa' xứ Nghệ
- 28/10/2009 - Bão giữa rừng đêm...
- 04/09/2009 - Vượt nghèo lo chữ cho con
- 24/07/2009 - Cặp vợ chồng với niềm vui trọn đời theo Đảng
COMMENTS