Tốt nghiệp đại học, Thượng úy Nguyễn Ngọc Cẩm (SN 1977), quê Hoa Thành, Yên Thành, Nghệ An được điều về vùng cao tây Nghệ An (giáp nước bạn Lào) công tác.
Chàng sỹ quan trẻ đã không quản ngại gian khó, cùng các chiến sỹ Biên phòng Đồn 551 gắn bó với bà con đồng bào Mông xây nên bản Huồi Sơn đổi mới.
Dựng làng, lập bản
Ngược rừng gần 300 cây số trên con đường đèo hun hút, thăm thẳm, đồn Biên phòng 551 nằm lơ lửng giữa trùng mây.
Vào được đồn biên phòng đã khó, từ đây chúng tôi còn phải mất gần nửa ngày trời bằng xe máy mới tới bản Huồi Sơn. Từ xa đã thấy các chiến sỹ bộ đội biên phòng đang hì hục dựng nhà với đồng bào Mông.
Trưa đứng bóng, các chiến sỹ vẫn lúi húi đục đẽo gỗ để dựng nhà cho một gia đình người Mông. Một người đàn ông bản Huồi Sơn cất giọng: "Trưa rồi mà bộ đội Cẩm chưa nghỉ tay ăn cơm à?".
Liền lúc ấy, tôi và anh bạn đồng nghiệp mới nhận ra đồng chí bí thư chi bộ và là tổ trưởng tổ công tác xây dựng của bản Huồi Sơn.
Chưa kịp dùng cơm trưa, ngồi bệt giữa sân vừa mới láng nền đất, Cẩm tâm sự, tốt nghiệp ra trường, Cẩm về bản Cao Vều ở huyện Anh Sơn công tác được bốn năm thì cưới vợ. Vợ Cẩm là một cô giáo dạy Anh văn xinh đẹp, nết na ở vùng quê lúa Yên Thành.
Cưới nhau xong, gần nhau chưa được bao lâu thì Cẩm lên công tác ở Đồn Biên phòng 551, đóng ở xã biên giới Tam Hợp, huyện Tương Dương, Nghệ An.
Đầu năm 2006, Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh chỉ đạo xây dựng cơ sở chính trị, hướng dẫn bà con sản xuất kinh tế.
Tập quán của bà con sống quen với du canh du cư từ trước nên khi bộ đội biên phòng vào vận động định cư gặp nhiều khó khăn, có khi gặp cả sự chống đối.
Nhưng sau một thời gian thuyết phục bà con người Mông ở hai bản Huồi Sơn và Tân Sơn, đồn biên phòng cho thành lập một tổ thợ mộc gồm 15 người cùng ăn, cùng ở lại với bản mới tại khu vực rừng Huồi Sơn để cùng Thượng uý Cẩm ngày đêm vận động bà con lên rừng lấy gỗ về cho bộ đội dựng nhà.
Giữa năm 2006, bản Huồi Sơn chưa đầy chục gia đình chấp nhận làm nhà, nhưng Thượng úy Cẩm cùng anh em cán bộ biên phòng nỗ lực vận động. Đến nay, 47/47 hộ dân đã có nhà mới định canh, định cư (ĐCĐC).
Sau khi bà con ổn định chỗ ở, Bộ Chỉ huy Biên phòng cũng như Đồn Biên phòng 551 chỉ đạo tổ công tác tiếp tục hướng dẫn bà con tăng gia sản xuất.
Vì tập quán đốt nương làm rẫy, sống tạm bợ ăn sâu vào tiềm thức của người dân nơi đây nên khi bắt tay vào định canh bà con không nắm bắt được gì. Dù đang sống ở Việt Nam và đang được Nhà nước giúp đỡ rất nhiều, nhưng một số bà con vẫn còn tư tưởng du cư sang nước bạn Lào.
Người chết để trong nhà cả tuần. Đám tang vui hơn đám cưới. Hễ có người chết là cả bản tập trung lại mổ thịt trâu bò, lợn, gà ăn uống linh đình.
Nghe tin trong bản có người chết là mọi người ăn diện quần áo đẹp để đi ăn uống như đi hội. Nhà nghèo không có thì phải vay mượn của những nhà khác để tiếp khách hết ngày này qua ngày khác.
Ban đầu Thượng úy Cẩm và anh em tới gia đình có người chết để vận động nhưng bà con không nghe. Nhưng sau nhiều lần phân tích, hướng dẫn, bà con đã biết tổ chức đám tang hợp với nếp sống văn minh.
Nhiều hủ tục khác, đến nay cũng không còn ở bản Huồi Sơn.
Nhiều đêm nằm không ngủ được, Thượng úy Cẩm cũng như anh em trong tổ công tác luôn nghĩ cách làm sao để sớm thuyết phục, tuyên truyền và hướng dẫn cho bà con hiểu.
Đã thế, nạn hút thuốc phiện ngày một tràn lan. Đồng bào Mông cho rằng, thuốc của họ làm ra thì họ có quyền sử dụng. Bộ đội tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật nhưng bà con không nghe…
Nay bản Huồi Sơn đã thành một bản làng xanh tươi màu mỡ tràn đầy sức sống nơi vùng biên ải. Từng thửa ruộng lúa xanh tốt, đan xen những nương ngô, khoai, sắn, đậu, lạc… Bản Huồi Sơn đã xuất hiện nhiều gia đình đồng bào Mông biết làm trang trại thu nhập khấm khá.
Đứng ở trung tâm của bản mới Huồi Sơn, Thượng uý Cẩm hướng về nhà vợ chồng ông Vừ Tổng Lông và thông tin: Đây là một trong những gia đình từng đi tiếp tế lương thực cho kẻ xấu ở bên kia biên giới và tổ chức trồng cây thuốc phiện. Nhờ bộ đội biên phòng hướng dẫn làm ăn, họ đã có cả một cơ ngơi trang trại mênh mông.
Ngoài lúa nước, vợ chồng Vừ Tổng Lông còn biết trồng cây ăn quả, đào ao thả cá và nuôi hơn hai chục con trâu bò và hàng trăm con gà…
Vào bản Huồi Sơn bây giờ trang trại nối tiếp trang trại. Ngoài vợ chồng Vừ Tổng Lông, còn có trang trại của Xồng Bá Xềnh, Vừ Giống Chùa….cũng bạt ngàn cây ăn quả, ao cá và gia súc gia cầm.
Để giúp bà con có điện thay sao ở chốn rừng sâu âm u này, bộ đội biên phòng đã hướng dẫn bà con ngăn dòng khe suối nhỏ để tận dụng dùng mô tơ phát điện cho cả bản làng.
Hủ tục được dẹp bỏ
Thượng uý Nguyễn Ngọc Cẩm tâm sự: Trung úy Và Bá Giải từng hy sinh tại Huồi Sơn khi đang làm nhiệm vụ, vì bị kẻ xấu tấn công.
Hầu hết 47 hộ dân ở hai bản Huồi Sến và Tân Sơn đều theo kẻ xấu. Khi về sống tập trung ở bản Huồi Sơn, bà con vẫn chưa bỏ được những hủ tục. Người chết để trong nhà cả tuần. Đám tang vui hơn đám cưới. Hễ có người chết là cả bản tập trung lại mổ thịt trâu bò, lợn, gà ăn uống linh đình.
Nghe tin trong bản có người chết là mọi người ăn diện quần áo đẹp để đi ăn uống như đi hội. Nhà nghèo không có thì phải vay mượn của những nhà khác để tiếp khách hết ngày này qua ngày khác.
Ban đầu Thượng úy Cẩm và anh em tới gia đình có người chết để vận động nhưng bà con không nghe. Nhưng sau nhiều lần phân tích, hướng dẫn, bà con đã biết tổ chức đám tang hợp với nếp sống văn minh. Nhiều hủ tục khác, đến nay cũng không còn ở bản Huồi Sơn.
Chưa kịp chào thì Thượng úy Cẩm phải tạm biệt, đã đến giờ lên lớp dạy chữ cho các em. Nơi đây được đầu tư xây dựng hệ thống trường học để phục vụ con em bản Huồi Sơn. Mỗi chiến sỹ biên phòng vùng sơn cước này là một giáo viên của bản.
Núi rừng Huồi Sơn đang tràn đầy sức sống, đó là nỗ lực phấn đấu đầy hy sinh của cán bộ biên phòng Đồn 551, mà trong đó có phần không nhỏ của Thượng úy Nguyễn Ngọc Cẩm. Và khi tôi đang viết về anh thì có điện thoại của anh nói rằng, anh lại được điều về một bản mới. Nơi đó đang rất cần những người như anh.
Theo Phan Sáng / Báo Tiền Phong Online
- 07/04/2010 - Câu chuyện cảm động của đôi vợ chồng già
- 02/04/2010 - Cô cháu ngoại hiếu thảo
- 25/03/2010 - Vượt qua nghèo khó
- 20/03/2010 - Cô bé bắt lươn học giỏi nhất làng
- 16/01/2010 - Người 'lang thang' cứu giúp trẻ khuyết tật
- 10/11/2009 - 'Hai lúa' xứ Nghệ
- 28/10/2009 - Bão giữa rừng đêm...
- 04/09/2009 - Vượt nghèo lo chữ cho con
- 24/07/2009 - Cặp vợ chồng với niềm vui trọn đời theo Đảng
- 08/07/2009 - Bà đỡ mát tay
COMMENTS