Thành công đáng nói nhất của ông khi đặt chân lên các các ngọn đồi này là việc tìm nguồn nước. Vì các con đập nhỏ mùa khô nằm phơi đáy. Ông phát hiện thấy một khoảnh rừng có cây lúp xúp, có độ cao hơn mặt ruộng của dân 23 m, ông cho đào một ao giếng rộng 100 m2, sâu 7 m. Ông đi Hà Nội mua vật liệu, học cách làm nhuyễn, hàn kín mạch đất bờ phía dốc mới chứa được nước. Từ đó có một bể nước hơn 500 khối, ông đặt máy bơm, hệ thống dẫn đến các bể xây, mỗi bể cỡ 50 m3 trên các đồi cây và cho dân chung quanh múc về dùng.
Việc chọn giống cây trồng, ông đề xuất trồng cây keo hoa vàng (tức loại keo lá nhỏ), trong lúc lâm nghiệp yêu cầu ông trồng keo lai. Ông vẫn bảo vệ được quan điểm của mình, đến nay đã được thực tế chứng minh, hóa ra ông đã từng dùng gỗ cây keo hoa vàng để đóng cầu cảng, màu dổi, gỗ tốt, mỗi m2 trồng được gần chục cây, khách hàng mua làm cột chống. Ông đọc sách, biết cây này thuộc họ đậu làm đất thêm màu, không xói mòn đất nên trồng xen nhiều cây ăn quả.
Trên bảy quả đồi trọc (xưa kia có tên là U Cồn Găng, U Tây Xây, U Bò Lăn, U Tang Trống...) nay là một vùng rừng ken dày cây lấy gỗ, cây ăn quả, cây hương liệu như tràm có 40 vạn cây, bạch đàn một vạn, thông một vạn, lát hoa 4.000 cây, mun 3.000 cây. Cây ăn quả, ăn củ có: nhãn 4.000 cây, sắn bốn ha, vải, doi, bưởi, mít, cam trồng xen hàng chục nghìn cây. Ông đã xuất bán hai lần với quy mô lớn vào năm 2001 cho Công ty Hatico Hải Phòng, và năm 2003 cho Nhà máy giấy Vũng Áng Hà Tĩnh. Từ năm đó ông cũng trả xong hoàn toàn nợ vay.
Gần đây, ông có một ý định táo bạo nữa là tìm cách đưa nước lên đồng Chợ Bùi cho dân canh tác. Ðập Bàu Trang và đập Bài khô nước, xã đã cho khoan bốn giếng ở giữa đồng cũng không có nước mạch. Ý tưởng của ông là cho làm mương dẫn, đặt hệ thống bơm đưa nước từ dòng Nông Giang lên đồng cao. Ông đã vào Quảng Nam, đến đập Phú Vinh học hỏi và nhờ họ giúp đỡ kỹ thuật, ông xin đầu tư vốn, sau sẽ thu hồi dần qua thủy lợi phí (nay không còn loại phí này), nhưng chưa được thực hiện.
Ðược hỏi: "Theo cách làm bài bản, khoa học cũng như kinh nghiệm thu được qua 16 năm trồng rừng, ông có lời khuyên gì với người trồng rừng hiện nay?". Ông nói "Nên trồng cây ăn quả có giá trị như nhãn Hưng Yên, cây gỗ có giá trị như cây trầm gió, các cây lấy gỗ khác chỉ nên trồng theo quy mô nhỏ". Theo ông Khầm, trong các loại hàng hóa thì đầu ra của nguyên liệu rừng là hoàn toàn không đáng lo.
Với những nỗ lực hiệu quả ông Khầm đã được bầu Chiến sĩ thi đua thời kỳ đổi mới, được tặng Bằng khen của Hội Cựu chiến binh Việt Nam. Thời tại ngũ ông đã được nhận ba huân chương chiến công. Quê tôi có câu: "Yên Thành trước kho lương sau rương tiền". Ông Khầm, một người suốt đời nguyện học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác và thấy đó như lẽ sống của mình, thực tế đã tìm thấy chiếc chìa khóa để mở "rương tiền" đầy ắp ấy của quê hương.
- 12/03/2013 - Xây dựng Đảng và xây dựng quê hương
- 09/03/2013 - Người đàn ông cưu mang 50 đứa con khuyết tật
- 07/03/2013 - Cây hoa sữa 600 tuổi
- 31/10/2011 - Cảm phục người đàn ông chọn cuộc sống ở nghĩa địa thay ở nhà
- 25/09/2011 - 'Gà cồ' chinh phục đầm hoang
- 09/08/2011 - Tấm lòng vàng của ông Trọng
- 30/07/2011 - Chuyện của người phụ nữ làm phúc tại 'ngôi nhà buồn'
- 17/02/2011 - Một trưởng công an xã vì dân
COMMENTS