Trong Sư đoàn 304 chúng tôi, cánh lính trinh sát thường gắn bó với nhau rất mật thiết cả lúc luyện tập cũng như khi ra trận.
Trong chiến đấu, lính trinh sát thường phải hoạt động nhỏ lẻ, có khi chỉ 2-3 chiến sĩ thành một mũi trinh sát độc lập, luồn sâu vào vùng địch, vào căn cứ đồn bốt của chúng. Cho nên, lính trinh sát thường được lựa chọn kỹ và phải rèn luyện rất công phu. Người lính trinh sát phải thật sự dũng cảm và rất khôn ngoan mới có thể nắm được địch, đôi khi trên còn giao nhiệm vụ phải bí mật bắt được tù binh trước giờ nổ súng như ở trận Động Toàn năm 1972 và trận 1062 năm 1974, để chỉ huy khai thác thông tin phục vụ cho trận đánh. Vì vậy, hoạt động của trinh sát thường mạo hiểm, sống chết có nhau, sẵn sàng chia lửa cho nhau và rất thương nhau.
Sau khi giải phóng miền Nam, trên cho ra quân ào ạt, mỗi người lính trở về một miền quê, ít có điều kiện gặp nhau, lúc đó chưa có tổ chức Hội Cựu chiến binh. Tuy nhiên, hằng năm chúng tôi thường tổ chức những cuộc gặp gỡ để thăm hỏi nhau. Cánh trinh sát đặc công do anh Trần Nam Thành thường tổ chức họp mặt ở Nam Định, còn cánh lính trinh sát Trung đoàn 66 chúng tôi thì được anh Trần Thanh Toàn - nay là Đại tá, Giám đốc Công ty cổ phần Than Sông Hồng thường tài trợ cho chúng tôi gặp nhau và đi thăm chiến trường xưa, hoặc các buổi gặp mặt khi thì tổ chức ở Hà Nội, lúc lại tổ chức ở Nghệ An.
Chiều trên đồng làng. Ảnh: Hữu Nguyên.
Năm 1977, Hồ Sĩ Từ quê ở Lăng Thành, Yên Thành, Nghệ An, trước kia là Trung đội trưởng thuộc Đại đội 20 Trung đoàn 66, về Nghĩa Đàn thăm Lương Viết Quynh. Anh Quynh người dân tộc Tày, lúc ra quân đã là thiếu úy, nhưng khi anh em đến thăm thấy gia cảnh anh rất khó khăn, vợ anh mặc cái áo đứt cúc phải lấy sợi rơm để buộc. Từ liền nổi giận mắng bạn rằng: "Là một sĩ quan quân đội mà để vợ con khổ sở thế, trong lúc mình thì nồng nặc mùi rượu, cậu thật không biết xấu hổ". Mắng bạn xong rồi thì lại thương, vì vợ chồng anh Quynh đông con lại không được hưởng chính sách gì, không có vốn làm ăn.
Hồ Sĩ Từ liền đi mua một con trâu nái dắt về tận nhà tặng bạn rồi hướng dẫn cách làm ăn, hẹn rằng phải ít uống rượu, chăm lo cho gia đình, sang năm sẽ lại đến thăm.
Vợ chồng anh Quynh rất cảm động và hứa sẽ làm theo lời bạn.
Năm sau, Hồ Sĩ Từ cùng với Nguyễn Bá Trường, Dương Văn Công và Nguyễn Văn Minh, sau khi đến nhà Quynh thấy cuộc sống của bạn đã thay đổi nhiều, các anh lại rủ nhau đến nhà Vi Văn Thế, anh Thế cũng là người dân tộc Tày, là chiến sĩ Đại đội 20. Thấy hoàn cảnh của anh Thế cũng rất khó khăn, mọi người lại bàn nhau mua một con trâu nái thứ hai để tặng cho anh Thế.
Nhờ sự giúp đỡ chân tình, thiết thực của đồng đội, Lương Viết Quynh và Vi Văn Thế đã có cuộc sống khấm khá hơn, con của các anh đi học.
Chuyện về hai con trâu tuy nhỏ, nhưng để lại bài học lớn. Những người cựu chiến binh luôn giữ vững và phát huy truyền thống hết lòng giúp đỡ lẫn nhau lúc thường cũng như ra trận.
- 31/10/2011 - Cảm phục người đàn ông chọn cuộc sống ở nghĩa địa thay ở nhà
- 25/09/2011 - 'Gà cồ' chinh phục đầm hoang
- 09/08/2011 - Tấm lòng vàng của ông Trọng
- 30/07/2011 - Chuyện của người phụ nữ làm phúc tại 'ngôi nhà buồn'
- 17/02/2011 - Một trưởng công an xã vì dân
- 10/06/2010 - Cậu bé gãy chân cứu người chết đuối
- 27/04/2010 - Cô gái mang nỗi đau da cam & kỳ tích trên giảng đường
- 22/04/2010 - Nghị lực của một người đi bằng tay
- 17/04/2010 - Thầy giáo già... rất trẻ
- 07/04/2010 - Câu chuyện cảm động của đôi vợ chồng già
COMMENTS