Học tiếng và nghề chưa đầy... 3 ngày
Đầu năm 2009, phía công ty thông báo sẽ đưa các lao động đi học tiếng và học nghề để... “bay”. Theo đó, các anh sẽ được ông Trần Văn Lực đưa ra Hà Nội để học tiếng Séc và học nghề trong vòng... 10 ngày.
Sau chuyến xe kéo dài gần 8 tiếng đồng hồ, các anh có mặt tại bến xe Giáp Bát. Tại đây, ông Lực dẫn các anh về một nhà nghỉ, tiền ăn, ở các lao động phải tự túc, riêng công ty lo cho phần học phí học tiếng và học nghề.
Theo lời kể của anh Lộc thì các anh chỉ được học cả tiếng Séc lẫn nghề chưa đầy 3 ngày, còn 7 ngày trong chuyến đi đó là dành cho việc nằm trong nhà nghỉ và đi chơi... Sau đó được công ty “hô biến” cho chứng chỉ tiếng Séc và nghề lắp ráp ô tô... và cho các anh về quê nghỉ ngơi lấy sức “chờ ngày bay”(?!).
Khi đã có các chứng chỉ và giấy tờ liên quan, chỉ còn chờ ngày “bay” nhưng các anh không thấy công ty có động tĩnh gì. Nóng ruột các anh kéo lên công ty để hỏi thì được một nhân viên tên Bốn nhỏ nhẹ “các anh cứ bình tĩnh, sếp đi Hà Nội làm nốt các thủ tục còn lại, nghe nói có trục trặc gì đó. Còn sếp Ngân đang ở bên “Tiệp” (CH Séc) để lo chỗ ăn ở. Các anh tháng sau là “bay” thôi. Em cam đoan, các anh cứ tin em đi...”. Nghe lời ngon ngọt của vị nhân viên này, các anh lại “yên tâm” quay về chờ.
Cơ quan công an cũng... “bó tay”
Sau lần hẹn đó, đến “đầu tháng sau” vẫn không thấy công ty gọi. Anh Lộc, Vinh cùng với vài ba anh em kéo lên công ty để hỏi. Lần này thì các anh được trả lời là “các sếp đang ở bên “Tiệp” cả rồi, chúng tôi chỉ là nhân viên không biết gì cả...”(?!). Nghe các “nhân viên” này trả lời vô trách nhiệm, anh em đã đòi lại số tiền nộp 5.000USD, nhưng cũng với điệp khúc “bọn em chỉ là nhân viên nên không biết” nên vẫn không đòi được tiền. “Vỡ lở, biết mình đã bị lừa, lúc đó anh em ai cũng buồn bã quay về nhà và viết đơn gửi các cơ quan chức năng” - Anh Vinh cho biết.
Được biết, việc thoả thuận đưa tiền đặt cọc và các khoản đóng khác được ghi trong “giấy biên nhận”, tất cả đều được viết bằng tay, không có dấu hay tên công ty mà chỉ có vài dòng chữ sơ sài ghi tên người nhận tiền, người đóng tiền, ngày tháng... tuyệt đối không có dòng nào ghi nội dung nộp tiền hay nhận tiền với mục đích gì...
Trong hành trình đi “đòi” tiền của mình, 10 lao động nghèo tập hợp nhau lại để viết đơn “cầu cứu” các cơ quan chức năng,
Đầu năm 2010, các anh viết đơn gửi CQCA quận Đống Đa (Hà Nội) vì “Công ty mẹ” đóng trên địa bàn Hà Nội. Qua nghiên cứu đơn và các tài liệu liên quan, CQCA Đống Đa gửi lại thông báo số 117/CQĐT(CSKT) ngày 7-7-2010 về việc giải quyết kết quả đơn tố cáo của ông Nguyễn Khắc Lộc (ông Lộc đứng tên cho cả 10 người viết đơn), với nội dung “vụ việc xảy ra tại Nghệ An, không thuộc thẩm quyền giải quyết của CA quận Đống Đa... chuyển đơn đến phòng CSĐTTP kinh tế CA tỉnh Nghệ An để giải quyết...”.
Sau khi nhận được phiếu chuyển đơn của CA quận Đống Đa, ngày 28-7 phòng PC46 CA tỉnh Nghệ An đã có phiếu chuyển đơn số 20/PC46 và các tài liệu liên quan cho đồng chí trưởng phòng PC45 CA tỉnh Nghệ An để giải quyết. Tuy nhiên, PC45 lại chuyển tài liệu và đơn cho cơ quan CSĐT CA huyện Yên Thành giải quyết.
Ngày 18-8, CA huyện Yên Thành có Công văn số 895/CSĐT về việc trả lời đơn tố cáo của công dân gửi trả lời cho các ông: Nguyễn Khắc Lộc, Trần Vũ Vinh, Hoàng Danh Đông, Trần Ngọc Hà… với nội dung: “CQCA huyện Yên Thành xác minh thấy Trần Văn Lực và Nguyễn Hữu Ngân không có mặt tại gia đình, địa phương. Qua công tác nắm tình hình được biết Lực và Ngân đang ở nước ngoài. Do đó gặp rất nhiều khó khăn cho công tác điều tra xác minh, làm rõ hành vi vi phạm pháp luật của Lực và Ngân...”.
Hành vi “lừa đảo” người dân nghèo để nhận hàng chục nghìn USD với lời hứa đi xuất khẩu lao động của “công ty ma” trên khiến cho người dân lâm vào cảnh nợ nần chồng chất, gia đình lục đục. “Cảnh anh em họ hàng đến thúc giục trả nợ khiến cho những nạn nhân như tui hết sức hoang mang, lo lắng không biết xoay sở ra sao. Thêm vào đó là lãi suất phải trả ngân hàng hàng tháng cũng lên tới tiền triệu... chắc tôi chết mất. Nghĩ mà xót xa, thương vợ, thương con nhưng không biết phải làm thế nào. Đơn từ đã viết nhiều nhưng họ (Công an) cũng chịu vì nó đã trốn ra nước ngoài...” - Anh Hoàng Danh Đông rầu rĩ.
Bài học đã được cảnh báo nhiều, nhưng lại một lần nữa người lao động bị lừa. Như vậy, để tránh rơi vào cảnh dở khóc dở cười, người có nhu cầu đi xuất khẩu lao động cần hết sức thận trọng khi tìm đối tác, trước khi ký hợp đồng hãy đọc kỹ các điều khoản, quan trọng hơn là phải xem công ty đó có được phép hành nghề xuất khẩu lao động hay không?
Riêng trong vụ việc trên, dư luận thắc mắc: Tại sao các cơ quan chức năng không vào cuộc quyết liệt để điều tra, cho dù hai “giám đốc” đã trốn sang CH Séc nhưng vẫn còn những “nhân viên” đang làm việc tại “công ty” một cách bình thường. Sẽ lại có thêm những trường hợp người dân bị lừa gạt nếu như chưa làm rõ sự việc trên!.
- 06/04/2011 - Bắt giám đốc chủ mỏ đá Lèn Cờ
- 21/02/2011 - Nam sinh viên cắt cổ người yêu đến chết
- 15/02/2011 - Bắt một chủ tịch xã sát phạt trên chiếu bạc
- 09/02/2011 - Đổ xô đi bắt tắc kè vì giá quá "khủng"
- 01/10/2010 - Tử vong vì vướng vào dây néo cột viễn thông
- 12/07/2010 - Mô hình cai nghiện cộng đồng ở cấp xã
- 07/07/2010 - Gần 30 năm bị chồng bạo hành
- 05/07/2010 - Danh sách các công ty được cấp phép xuất khẩu lao động
- 01/07/2010 - Hơn 20 năm tù cho đường dây lừa xuất khẩu lao động
- 17/05/2010 - 8 người thoát chết khi xe tải đâm sập nhà
COMMENTS