Tết Kỷ Sửu đã qua hơn một tháng nhưng dư luận ở xã Mã Thành (huyện Yên Thành) vẫn đang xôn xao quanh chuyện cấp phát tiền, gạo cứu tế cho dân nghèo.
Ở một số xóm, nhiều gia đình có nhà 2 tầng, xe máy, tiện nghi đầy đủ vẫn được nhận tiền cứu tế của Nhà nước trong khi đó những gia đình nghèo “rớt mùng tơi” thì không được nhận bởi “đã được tiền thì không được gạo”.
Không những thế, hầu hết các hộ nghèo trong xã Mã Thành đều phản ánh, xã đã giữ hộ 50% tiền cho dân, đến ra giêng mới thanh toán hết?Từ chuyện xã “giữ hộ” một nửa tiền cho dân nghèo!
Vừa bước chân đến xóm 6B, chúng tôi bắt gặp ngay ánh mắt đau khổ của chị Trần Thị Bình. Chưa đoạn tang chồng, một nách nuôi 4 đứa con, tưởng chừng gia đình chị sẽ không có tết thì được tin Chính phủ hỗ trợ tiền và gạo cho những gia đình nghèo như chị ăn tết.
Vừa mừng vừa tủi, chị phản ánh rằng: Theo quy định thì gia đình nghèo như tôi sẽ được nhận 1 triệu trước tết nhưng không hiểu sao ngày 28 tết xuống xã nhận tiền thì chúng tôi chỉ nhận được 500 ngàn đồng. Cán bộ xã hẹn ra tết sẽ trả số tiền còn lại?
Cũng tâm trạng như chị Bình, ông Nguyễn Khánh Lạc (xóm 6B) năm nay đã 66 tuổi hết sức bức xúc trước những việc làm không đúng của cán bộ xã Mã Thành khi chỉ phát một nửa tiền cho dân nghèo trước tết. ông phản ánh: Theo tiêu chuẩn thì gia đình tôi được nhận 1 triệu đồng để ăn tết nhưng khi lên xã nhận tiền thì cán bộ chỉ đưa cho tôi 500 ngàn đồng và bảo rằng số còn lại chưa có.
Qua tìm hiểu của chúng tôi, hầu hết những người nghèo ở xã Mã Thành đều phản ánh việc chính quyền xã đã tự ý “giữ hộ” tiền của dân nghèo, chỉ phát cho dân một nửa trước tết. Đến chuyện nhà lầu, xe máy vẫn nhận gạo cứu đói.
Không chỉ phản ánh việc chính quyền xã tự ý giữ tiền của dân, rất nhiều người nghèo ở xóm 6A và 6B xã Mã Thành còn phản ánh hiện tượng “cào bằng” gạo cứu tế của Chính phủ theo nguyên tắc “những gia đình thuộc diện hộ nghèo đã được nhận tiền thì thôi không được nhận gạo”.
Từ nguyên tắc đó mà số gạo của xóm 6A đã được “chia đều” cho những hộ còn lại với định mức mỗi gia đình được nhận 3kg. Nói đến chuyện chia gạo, hai ông bà Trần Văn Thế - Lê Thị Điệp (đều gần tuổi 80) cho biết: nhiều gia đình thuộc diện giàu có, khá giả, có nhà hai tầng, xe máy, tiện nghi đầy đủ vẫn được nhận gạo cứu tế.
Trong khi đó gia đình tôi 2 ông bà côi cút, đã “nhường” suất hộ nghèo cho những gia đình có con đi học đại học thì lại chỉ nhận được 3kg gạo của Chính phủ.
“Tất cả những gia đình neo đơn như chúng tôi đều không thuộc diện hộ nghèo và cũng chỉ nhận được 3kg gạo như những gia đình giàu có khác. Thật bất công” - cụ Thế nói tiếp.
Việc chia gạo theo nguyên tắc “cào bằng” của xóm 6A, 6B đã thực sự gây bức xúc cho nhân dân. Những hộ nghèo “rớt mùng tơi” vừa không được nhận đủ tiền trước tết lại vừa không được nhận gạo mà phải nhường lại những suất gạo ấy cho những gia đình giàu có, khá giả,…
Tuy nhiên, ông Trần Đình Minh, xóm trưởng xóm 6A lại khẳng định rằng “việc chia gạo cứu tế cho nhân dân trong xóm hoàn toàn đúng đối tượng. Còn nếu có hiện tượng như dân phản ánh thì tôi cũng không biết bởi vì tôi bận đi công việc nên giao lại cho xóm phó làm”???.
Về vấn đề này, ông Phan Minh Trọng, Chủ tịch UBND xã Mã Thành thừa nhận rằng xã cũng đã phát hiện 3 xóm làm sai trong việc phát gạo là Đồng Bàu 1, Cửa Thờ và Cầu Máng,…
Và những sai phạm cần được làm rõKhông chỉ có người dân xóm 6A, 6B phản ánh việc chính quyền xã tự ý giữ lại một nửa tiền của dân nghèo trước tết và việc “cào bằng” gạo cứu đói mà nhân dân ở đây còn phản ánh nhiều vấn đề trong việc bình xét hộ nghèo ở xã Mã Thành.
Ông Trần Văn Thế bức xúc: “Năm nay hầu hết những gia đình neo đơn đều phải nhường lại suất hộ nghèo cho các gia đình có con em đi học đại học, cao đẳng”.
Cũng vì hiện tượng “phải nhường suất hộ nghèo cho những gia đình có con đi học” mặc dù rất nhiều gia đình ấy thuộc vào diện khá giả mà trong danh sách phát tiền hỗ trợ người nghèo của xã Mã Thành vẫn còn 41 hộ “không đúng nghèo” chưa được nhận tiền của Chính phủ với tổng số tiền là 38.200.000 đồng.
Ông Phan Minh Trọng cũng thừa nhận rằng “đây là những đối tượng chưa đúng nghèo, theo chủ trương của huyện là phải dừng cấp”. Không hiểu sao, ông chủ tịch xã vẫn biết đây là “những hộ vận dụng”, và không đúng đối tượng nghèo mà xã vẫn duyệt cho họ vào diện hộ nghèo trong khi những cụ già neo đơn lại phải nằm ngoài danh sách hộ nghèo???
Khi chúng tôi thắc mắc việc vì sao đến ra tết nhân dân kéo đến trụ sở ủy ban xã để đòi số tiền còn lại thì ông chủ tịch phân bua rằng: “Tôi là người rất mê cờ thẻ. Những ngày đó tôi bận chơi thể dục, thể thao, cờ thẻ ở sân ủy ban nên không rõ việc đó là thế nào” ???
Theo Báo công an nghệ an
- 06/04/2009 - Cá chết, người ghẻ bên bờ sông Biên Hòa
- 03/04/2009 - Chuyện thời sự ở Làng Lòi / Chuyện buồn ở ngôi làng không có đàn ông
- 26/03/2009 - Phòng trừ sâu bệnh hại cây trồng vụ xuân
- 20/03/2009 - Yên Thành tích cực phòng trừ sâu bệnh cho gần 700 ha lạc xuân
- 27/02/2009 - Đề án phát triển 2001-2010 của UBND Huyện Yên Thành
- 19/02/2009 - Xóm cư dân giáp ranh-Ai quản lý hành chính ?
- 20/01/2009 - Sụt đất sâu 6m
- 30/12/2008 - Nâng cao mức hưởng thụ văn hoá cho người dân Yên Thành
COMMENTS