Trở về   Yên Thành Online > Yên Thành trong tim ta > Danh nhân, gương sáng trên quê hương

Chào mừng bạn đến với Yên Thành Online.
»» Diễn đàn Người Yên Thành được xây dựng để tạo một gặp gỡ online cho tuổi trẻ Yên Thành, xa quê cũng như đang ở nhà. Mục đích chính là giúp mọi người hiểu biết thêm về Yên Thành, thêm yêu Yên Thành hơn, cũng như để anh chị em ở xa vơi đi phần nào nỗi nhớ nhà

»» Diễn đàn hiện nay mới đang trong thời gian thử nghiệm và phát triền nội dung, vì vậy rất cần sự đóng góp tài liệu, bài vở và ý kiến từ anh chị em và các bạn. »>Nhấn vào đây để bắt đầu tham gia và đóng góp


Diễn đàn đã ngưng hoạt động từ lâu.
Anh chị em có nhu cầu kết nối có thể tham gia group Yên Thành & những người thân trên Facebook.

Trả lời
 
Ðiều Chỉnh Xếp Bài
  #1  
Cũ 13-10-2008, 05:27 PM
MrChu's Avatar
MrChu MrChu is offline
Cháu cụ Chu Trạc
 
Tham gia: 04/10/2008
Họ và tên: Chu Văn Tài
Bài viết: 568
Xã: Hoa Thành
Gửi tin nhắn qua Yahoo chát tới MrChu
Default [Danh Nhân] Trần Văn Trí - Người anh hùng chân đất

Nhiều năm làm công tác tuyên truyền ở huyện, trong các bài viết, bài nói của mình, tôi thường dùng cụm từ: "Đảng bộ và nhân dân Yên Thành tự hào là huyện được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT, là địa phương đã sản sinh ra những người anh hùng như Trần Can, Phan Tư, Trần Văn Trí...".

Các Anh hùng Trần Can, Phan Tư là những người Anh hùng trong chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử, nhiều người biết, nhưng Anh hùng Trần Văn Trí còn ít người biết đến. Trong trí tưởng tượng của tôi, Trần Văn Trí hẳn là một con người không "hàm én mày ngài" thì cũng có cái gì đó đặc biệt. Nhưng khi được gặp gỡ, trò chuyện với Anh hùng Trần Văn Trí tại buổi lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà cách mạng Phan Đăng Lưu (5/5/2002), tôi thật bất ngờ thấy một ông già người tầm thước, nước da bánh mật, dáng hơi gầy, nói năng nhỏ nhẹ, từ tốn... không có nét gì đặc biệt. Con người mà cuộc đời chiến đấu gắn với bao chiến công của bộ đội Biên phòng Nghệ An, với nhiều câu chuyện huyền thoại; con người nhỏ nhắn trong bộ lễ phục đứng trên hàng danh dự là con người mà trùm phỉ Vàng Pao đã treo thưởng hàng mấy trăm ngàn đô la, cũng con người này được bà con nhân dân các bộ tộc Lào trìu mến, trân trọng gọi là Khăm Sình - khăm trong ý niệm của người Lào là người có đức cao vọng trọng, có nhiều đóng góp, vừa thiêng liêng cao quý, vừa gần gũi, nên được xem là "đẹp như vàng, tốt như vàng".

Từ cậu bé chăn trâu trở thành người anh hùng



Trần Văn Trí sinh ngày 20/10/1934 trong một gia đình nông dân nghèo ở thôn Yên Thịnh, xã Giai Lạc (nay là xã Phúc Thành huyện Yên Thành). Họ Trần ở Giai Lạc là một vọng tộc, có truyền thống hiếu học, có nhiều người đậu đạt cao và có công với dân với nước. Một vị tổ xa đời của Trần Văn Trí là Tiến sỹ Trần Đăng Dinh, ông là con người văn võ toàn tài, có nhiều công lao giúp chúa Trịnh, từng đi sứ sang Trung Quốc, được phong tước Quận công và được cấp hàng ngàn mẫu ruộng. Trong khoán ước của họ Trần Giai Lạc có 2 điều quy ước độc đáo: một là "phú quý vô trưởng", nghĩa là ai có đức có tài là người giàu sang phú quý thì được bầu là trưởng họ, không cha truyền con nối theo chi trưởng, ngành trưởng; hai là họ có dành 5 sào ruộng, thường gọi là "ruộng ăn mày", phát canh thu tô, lấy thóc đó vào kỳ giỗ tổ 14/3 âm lịch dùng để dọn 20 mâm cỗ đãi ăn mày hàng Tổng nên dân thường gọi "Quận công đãi ăn mày"... Trần Văn Trí là hậu duệ của họ Trần Giai Lạc nhưng đến đời cha mẹ ông thì nghèo lắm, ruộng đất không có nên từ nhỏ ông phải đi chăn trâu thuê, đi vào rừng chặt củi. 17 tuổi, ông xung phong đi dân công hoả tuyến ở Tây Bắc, ở Thượng Lào... Năm 1954, ông làm công an viên xã, rồi trưởng công an xã Phúc Thành (Yên Thành). Ngày 4/6/1955, ông vinh dự được kết nạp vào Đảng cộng sản Việt Nam.



Sau ngày được kết nạp vào Đảng, tháng 10/1955, Trần Văn Trí liên tiếp được cử đi học các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ Công an tại Ty Công an Nghệ An và tại Trường đào tạo C500, Bộ Công an. Tháng 6/1956, Trần Văn Trí lại được điều về Đồn biên phòng Keng-đu (Kỳ Sơn), từ đây bắt đầu cuộc đời quân ngũ gắn bó cuộc đời ông với vùng biên giới Việt-Lào. Từ một trinh sát ngoại biên, ông trở thành một cán bộ nòng cốt của bộ đội biên phòng Tiểu khu Mường Xén, hoạt động trên một địa bàn rộng dọc biên giới Nghệ An với các tỉnh Sầm Nưa, Xiêng Khoảng... Với phương châm "giúp bạn cũng là giúp mình", liên tục 11 năm liền Trần Văn Trí được phân công về huyện Mường Mộc, một vùng núi non hiểm trở cách biên giới Việt -Lào 200 km, nơi lực lượng cách mạng Lào còn yếu, bọn phỉ Vàng Pao còn mạnh để xây dựng cơ sở.



Để dễ hoạt động, Trần Văn Trí kiên trì học tiếng Lào, chữ Lào, cả phong tục tập quán của từng bộ tộc. Ông Pu-mi, nguyên Uỷ viên TƯ Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Lào kể lại: "Lúc đầu, bộ đội Trí ở ngoài rừng, ở ngoài rẫy, dần dần dựa vào những người tốt vào bản dạy dân học chữ, trồng lúa, người ốm đau được bộ đội Trí tìm thuốc nam chữa bệnh... dần dần ông xây dựng được nhiều cơ sở trong các bản". Nhờ kiên trì bám dân, bám đất, vừa làm công tác dân vận, binh vận, vừa xây dựng cơ sở đảng, cơ sở vũ trang cho bạn, Trần Văn Trí đã biến vùng trắng của huyện Mường Mộc, thành vùng giải phóng có chi bộ, có lớp học văn hoá, có cửa hàng trao đổi hàng hoá. Thông qua những đảng viên, quần chúng tích cực, Trần Văn Trí đã xây dựng được hàng chục nhân mối trong lực lượng phỉ Vàng Pao, trong đó có một số trùm phỉ của bản, của vùng. Có tên trùm phỉ là đồn trưởng cứ điểm "Đầu Rồng" đã cắt máu, ăn thề nhận làm anh em kết nghĩa, nhận người anh họ Bum (một tộc người Mèo) với Trần Văn Trí. Và khi thời cơ cho phép, người anh em này đã vận động cả đồn phỉ nổi dậy đem vũ khí trở về với cách mạng. Cho đến nay, nhiều cán bộ chủ chốt của tỉnh Xiêng Khoảng nhớ lại hình ảnh anh bộ đội nhỏ con nhưng nhanh như sóc, nay ở bản này, mai ở bản khác, thoắt ẩn, thoắt hiện. Trùm phỉ Vàng Pao đã từng treo giải ai giết chết được Bum Thả Lô (Trần Văn Trí) chặt đầu cắt tai đem về Noọng Hét sẽ được thưởng vàng bạc, đô la, gạo, súng đạn... Ưng gì được nấy. Vậy mà Trần Văn Trí vẫn được nhân dân các bộ tộc Lào che chở, đùm bọc. Bà con dân bản, cán bộ Lào gọi ông với cái tên trìu mến là Khăm Sình. Tiếng tăm của Khăm Sình làm cho kẻ thù khiếp sợ, nhưng lại là niềm tự hào của đồng chí đồng đội, là nơi gửi gắm niềm tin cậy vào bộ đội Cụ Hồ, bộ đội Pa Thét của nhân dân Lào.



Với những chiến công giúp bạn liên tục 11 năm, ngày 3/9/1973, Trần Văn Trí vinh dự được Chủ tịch nước tặng danh hiệu Anh hùng LLVT. Bấy giờ, do yêu cầu phải giữ bí mật để tạo vỏ bọc hoạt động trinh sát, tình báo lâu dài, trong bản tuyên dương Anh hùng dùng tên Trần Văn Trung, quê Yên Thành, Nghệ An, bộ đội thuộc lực lượng công an vũ trang Nghệ An. Lúc ấy Trần Văn Trí mới 39 tuổi, mang quân hàm Trung uý.
Sau ngày được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang và được tặng thưởng nhiều huân chương cao quý của ta, của nước bạn, Trần Văn Trí vẫn tiếp tục được phân công làm công tác trinh sát, tình báo, nhưng địa bàn hoạt động không chỉ các tỉnh có biên giới với Nghệ An mà mở rộng ra các tỉnh Viêng Chăn, Phong Xa Vì, U Đom Xay, Luông Nậm Thà... có khi sang cả vùng biên giới Thái Lan-Lào. Mãi đến cuối năm 1983, Trần Văn Trí được điều về công tác tại Cục Trinh sát - Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng...



Trở lại Nghệ An



Giữa năm 1991, đương chức Cục Phó Cục trinh sát, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, ông được điều động về Nghệ An nhận nhiệm vụ mới. Trước khi ông về quê, thủ trưởng cơ quan mời ông lên thông báo nhiệm vụ mới và nói rõ ý định nhượng lại căn hộ lâu nay phân cho ông, để ông tuỳ ý sử dụng, có thể giữ lại cho bản thân hoặc nhượng lại cho người khác để có một ít tiền đưa về quê, vì mấy chục năm trong quân ngũ, ông chưa hề có một tài sản gì. Nhưng Trần Văn Trí một mực từ chối. Ông nói: "Cảm ơn Đảng, Quân đội đã dạy tôi nên người, tôi còn sống để phục vụ quân đội, phục vụ nhân dân đến nay là quý lắm rồi, còn hạnh phúc hơn nhiều đồng đội đã hy sinh. Tôi xin cảm ơn đơn vị và xin trao lại cho đơn vị sử dụng làm việc công!".
Từ năm 1991, ông về Nghệ An làm Phó chỉ huy (3 tháng), rồi Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng Nghệ An. Với cương vị cao nhất, lại là Anh hùng, ông đã góp phần xây dựng Bộ đội Biên phòng Nghệ An vững mạnh, góp phần bảo vệ toàn vẹn biên giới lãnh thổ.



Trong những năm làm công tác Chỉ huy trưởng, ông tiếp tục giúp Tỉnh uỷ, UBND tỉnh tiếp tục xây đắp mối tình hữu nghị "vừa là đồng chí vừa là anh em" giữa Nghệ An và các tỉnh nước bạn Lào có biên giới với Nghệ An. Những người bạn Lào, có người là đồng chí, có người là cơ sở nhân mối do ông bồi dưỡng đào tạo, trong đó có nhiều người đã trưởng thành, giữ các cương vị Uỷ viên BCH Trung ương, Bộ Trưởng, Tỉnh trưởng, hoặc cấp tướng, cấp tá, hoặc cán bộ cơ sở, có dịp học tập, công tác ở Việt Nam đều tìm về Nghệ An thăm ông. Họ thường trìu mến, trân trọng gọi ông là Khăm Sình.



Đại tá Vi Tố Định -Q.Tư lệnh trưởng Bộ đội Biên phòng Nghệ An kể lại với tôi: "Anh hùng Trần Văn Trí là con người tuyệt vời! Tôi và anh em Bộ đội biên phòng Nghệ An vinh dự được là đồng đội của anh hùng Trần Văn Trí, một người con xứ Nghệ, một tấm gương tiêu biểu về tinh thần yêu nước, thương dân, cần kiệm liêm chính, về tinh thần đoàn kết Việt-Lào. Có lần tôi được tháp tùng bác Trí trở lại vùng Mường Mộc, nơi bác Trí hoạt động năm xưa, thấy cả bản già trẻ gái trai mổ lợn, mổ bò đón tiếp, cả những trùm phỉ ngày xưa cũng ra mời rượu, ai cũng trầm trồ: "Khăm Sình, Khăm Sình...". Nhiều người gặp ông mừng mừng tủi tủi vừa cười vừa khóc.
Tháng 4 năm nay, trong đoàn văn nghệ sỹ Nghệ An sang thăm và đi thực tế Xiêng Khoảng, tôi được gặp những đồng đội cũ và mới của Anh hùng Trần Văn Trí, cả người Việt và người Lào, khi nhắc đến Trần Văn Trí - Khăm Sình, ai cũng thán phục, ca ngợi. Có chiến sỹ biên phòng nói với tôi: "Thời bác Trí, áo chàm chân đất, sống với củ mài, hạt gắm mà góp phần xây dựng được một tinh thần đoàn kết keo sơn Lào-Việt. Nay chúng tôi lớp hậu sinh phải cố gắng học và làm theo bác Trí". Tôi rất mừng được biết trong những lực lượng bộ đội cán bộ Việt Nam đang công tác ở Lào, có người là trinh sát ngoại biên, có người là bộ đội trong đoàn quy tập hài cốt, là bộ đội xây dựng kinh tế... nhưng nhiều người còn nhớ, đã và đang học tập tấm gương của Anh hùng Trần Văn Trí, có người đã được nhân dân các bộ tộc Lào tôn vinh là Khăm, nghĩ là đẹp như Vàng. Đó là Vàng ròng của thế hệ Hồ Chí Minh.
  • Nguồn: Báo Nghệ An
Trả Lời Với Trích Dẫn
Trả lời

Ðang đọc: 1 (0 thành viên và 1 khách)
 

Quuyền Hạn Của Bạn
Bạn không thể tạo chủ đề mới
Bạn không thể gửi trả lời
Bạn không thể gửi files đính kèm
Bạn không thể sửa bài của bạn

BB code is Mở
Smilies đang Mở
[IMG] đang Mở
HTML đang Tắt

Chuyển đến

Chủ đề liên quan
Ðề tài Người Gửi Chuyên mục Trả lời Bài mới
Anh hùng lái xe Phan Văn Quý ngoanhtuan Lịch sử - Truyền thống - Văn hóa - Đặc trưng 11 07-09-2012 04:07 PM
Nguyễn Văn Hùng!! Thị Trấn nà!!Zo!! Hung_Police Thành viên tự giới thiệu, làm quen, tìm bạn 33 24-06-2009 06:17 PM
[Danh Nhân] anh Hùng Phan Tư-Thọ Thành nguyentrunght Danh nhân, gương sáng trên quê hương 1 10-11-2008 09:18 AM
[Danh nhân] Nguyễn Kiệm - Người cộng sản ưu tú của quê hương MrChu Danh nhân, gương sáng trên quê hương 0 07-10-2008 01:12 AM


Hiện tại là 09:52 AM (GMT +7)


Diễn đàn Người Yên Thành Online
Nội dung được các thành viên xây dựng và tổng hợp
Powered by vBulletin® Copyright ©2000 - 2024, Jelsoft Enterprises Ltd.