“Tại sao các bạn khác có tay mà con không có?… Ngày mai mẹ sẽ mua tay giả cho con…”. Chị biết cái “Ngày mai” ấy của con mình vĩnh viên không đến nữa! Còn Phú, em lại tin rằng ngoại ngữ và máy tính sẽ thay được đôi bàn tay mà khi sinh ra em đã không có...
Phú viết bằng chân.
"Củ khoai" của mẹ
Tại phòng sản bệnh viện đa khoa Yên Thành (Nghệ An), các nhân viên hộ lý đều kinh hoàng khi chứng kiến một đứa bé chào đời!...Người ta như không tin vào mắt mình khi đứa bé vừa lọt lòng mẹ như một củ khoai - một củ khoai dị dạng, đầu to, chân ngắn, không có tay và không hề có một tiếng khóc. Khi tỉnh dậy, chị Nguyễn Thị Bình, mẹ của “Củ khoai” lại ngất đi vì không thể bế được con mình - “Củ khoai” cứ tuột khỏi tay chị vì nó không có cái gì bấu víu được vào người chị; Chị Bình mơ thấy đôi bàn tay nhỏ xíu của đứa con bám chặt ngực chị để tìm bú. Nhưng rồi khi tỉnh dậy chị thấy đó là bàn tay của chồng mình đang giữ bầu vú chị cho con bú, và khi ấy chị mới tin rằng đứa con của mình sẽ không bao giờ “mọc” được tay nữa.
“Củ khoai” của vợ chồng anh Nguyễn Quỳnh Lộc, chị Nguyễn Thị Bình chính là hậu quả của những lần anh Lộc nhiễm khói “da cam” ở chiến trường Tây Nguyên hồi 1972. Người dân làng Tam Hợp nghèo khó và cả xã Thọ Thành (Yên Thành) cũng nhận ra “Củ khoai” của anh Lộc chị Bình là hậu quả của tội ác chiến tranh, họ cảm thông chia sẽ với anh chị nhiều hơn và năng lui tới vỗ về đứa bé, họ âu yếm gọi “Củ khoai” là thằng cu Phú theo cái tên mà anh Lộc chị Bình đặt cho con mình. Ngày ấy, cả làng, cả xã đều thiếu đói. Nhưng với gia đình anh Lộc chị Bình thì cái thiếu, cái đói mới nghiệt ngã làm sao? Thương binh, trung úy Nguyễn Quỳnh Lộc bị cắt 3 / 4 dạ dày, sa gan, suy thận…cùng người vợ trẻ quê từ đồi chè Phú Thọ xuất ngũ theo anh về quê chồng ở Nghệ An. Căn nhà của anh Lộc, chị Bình là 3 gian kho thanh lý của hợp tác xã vách được trát bằng đất bùn; Những ngày ấy, gia đình họ sống nhờ một phần vào khoản cứu tế của nhà nước mỗi tháng vài ba cân gạo và cả những nắm cơm, bắp ngô của láng giềng san sẻ.
Phú đánh vi tính bằng chân.
"Củ khoai" của mẹ
Chỉ sống bằng nước cơm nêm bằng muối trắng và mì chính nên “Củ khoai” của vợ chồng anh Lộc, chị Bình chỉ lớn nhích từng tý một. Mãi đến bốn tuổi, Phú mới bắt đầu tập đi nhưng vẫn như củ khoai, bế lên tụt xuống; da “củ khoai” lúc đỏ tấy, lúc xanh dợt, thỉnh thoảng lại có những cơn đau quằn quại. Trong nhà không có nổi dăm ngàn đồng nhưng được bạn bè, anh em giúp đỡ, động viên, anh Lộc đã bế Phú chạy chữa khắp các bệnh viện nhưng thể trạng của “Củ khoai” vẫn cứ quặt quẽo. Một lần có người bày anh Lộc cho Phú ăn thịt cóc sẽ chống được suy dinh dưỡng; Anh làm theo và sau gần một năm thì “Củ khoai” đã thay da đổi thịt và anh Lộc hy vọng con mình sẽ sống.
Lên 6 tuổi, Phú đi lại vững vàng nhưng vẫn hay bị ngã, không có tay đỡ nên đầu cứ cày xuống đất làm rách xước, xây xẩm mặt mày. Một hôm, Phú thấy bọn trẻ trong làng mang cặp đi qua ngõ nhà mình, em hỏi mẹ các bạn đi đâu? Chị Bình nói với Phú là các bạn đi học. Phú nói rành rọt với mẹ: “Con cũng đi học”! và chị Bình hiểu ra rằng đã đến lúc cái sinh linh của vợ chồng mình đã biết đến một khát vọng - Khát vọng đến trường.
Đôi chân đẩy lùi số phận
Nhiều lần người ta bắt gặp bé Phú tha thẩn đến gần trường mẫu giáo rồi nấp ở góc tường nhìn vào lớp học. Họ còn thấy Phú mê mẩn đứng xem các bạn cùng lứa tập thể dục giữa sân trường.
Rồi một hôm giữa bữa ăn phú đòi bố mẹ cho cậu đi học. Chị Bình nói với Phú rằng con không học được vì không có tay. Phú buồn lắm, cậu không khóc nhưng hỏi lại tại sao con không có tay. Chị Bình không biết giải thích vì sao đành hứa liều với con: “Ngày mai mẹ sẽ mua tay giả để con đi học”. Phú mừng lắm, rồi cậu đòi đóng cho cậu một chiếc bảng gỗ; Phú treo bảng gỗ đi đến trường mẫu giáo nhìn vào lớp học nhưng không dám vào rồi lại chạy về nhà. Trong bữa ăn Phú cũng treo bảng trong cổ, nhiều lần cậu lăn ra ngủ mà trên cổ vẫn treo chiếc bảng; Tỉnh giấc Phú chạy vào hỏi mẹ: “Mẹ mua tay giả cho con chưa”? Chị Bình ôm con vào lòng ngẹn ngào!... Thương con, anh Lộc đã dẫn Phú đến trường xin cho Phú vào lớp học; không cô giáo nào dám nhận cháu vào lớp vì nghĩ rằng cháu không thể theo học được. Cứ vài bữa Phú lại hỏi lúc nào thì cậu được vào lớp, anh Lộc nói với con cứ chờ đã. Phú chờ mãi...
Phú nấu cơm...
Biết mình không được học, cậu buồn lắm bỏ ăn ra bờ ao ngồi thỏng chân xuống nước đỉa vây lại cắn đỏ chân mà vẫn không thèm khóc. Chị Bình bế con vào và hứa ngày mai đưa Phú đi học thì cu cậu mới chịu nghe. Rồi các cô giáo cũng đành chấp nhận cho Phú vào học lớp 1 nhưng chỉ dám hứa là để cho cháu hòa nhập với bạn bè.
Phú đòi tập viết bằng chân; Anh Lộc mua phấn kẹp vào kẽ chân tập viết cho Phú. Tập cả tuần mà viên phấn kẹp vào lại rớt ra, có khi đè nát cả phấn mà không ra chữ. Vợ chồng anh Lộc, chị Bình đã nản nhưng Phú quyết không chịu bỏ học, cậu cứ bắt bố tập viết.
Một hôm, vừa đi làm về đến cổng thì thấy Phú chạy ra khoe: Bố ơi, con viết thành chữ rồi! Anh Lộc nhìn xuống sân và như không tin vào mắt mình - Cả một khoảnh sân rộng dày kín những chữ cái nguệch ngoạc. Anh Lộc ôm con vào lòng mà nước mắt cứ tuôn ra vì sung sướng. Phú say sưa tập viết suốt ngày, phấn ăn loét cả kẻ chân cũng không nản. Viết phấn đã thành thạo, Phú đòi cha mua bút chì; khi viết bút chì giấy không rách nữa thì Phú tập viết bằng bút bi. Sau một tháng Phú theo học lớp 1, cô giáo chủ nhiệm cho biết Phú tiếp thu rất nhanh, chăm học và rất ngoan; Anh Lộc chị Bình vui lắm. Ngoài chuyện tập viết, Phú còn tập cho đôi bàn chân của mình làm việc thay cho đôi tay để tự sinh hoạt và đỡ đần cho bố mẹ. Thật khó mà tin, từ việc nhặt rau, quét nhà, nấu bếp, xúc lúa, cào rơm đến cả việc khó như cầm thìa, cầm đũa ăn cơm, uốn lưỡi câu, câu cá, xâu kim tự vá quần áo… dù chậm chạp nhưng Phú đều làm rất chính xác.
Anh Lộc tìm lại những bài kiểm tra của Phú ở trường toàn đạt điểm 9 điểm 10, các bức tranh do Phú vẽ và những quyển vở của Phú học hồi cấp 1 khoe với chúng tôi: “Bây giờ lên lớp 9 phải viết nhanh nên chữ của cháu không đẹp như trước được nữa, chứ hồi lớp 3, cháu đã đoạt giải đặc biệt cuộc thi “Vở sạch chữ đẹp” toàn huyện. Khả năng nổi trội nhất của Phú là môn toán, vẽ và ngoại ngữ. Từ lớp 1 đến lớp 7, năm nào Phú cũng làm lớp trưởng và là đội viên cờ đỏ xuất sắc của trường.
..phơi rơm.
Chúng tôi đang chuyện trò thì Phú đi học về, em lễ phép chào mọi người. Tôi làm quen với Phú. Ban đầu em hơi dè dặt, một hồi sau Phú cởi mở hơn, em rất thích tin học và mơ ước có một chiếc máy tính, và rồi ước mơ của Phú đã toại nguyện: “Năm ngoái, Luật sư Nhân ở Sài Gòn tặng cháu chiếc máy tính này và được anh Nguyễn Công Hùng, giám đốc cơ sở tin học nhân đạo ở Nghi Diên, Nghi Lộc dạy cho trong mấy tháng hè. Bây giờ đôi chân cháu đã điều khiển được chiếc máy tính ấy” - Phú nhìn về phía góc nhà nơi đặt chiếc máy tính của em nói với tôi. Tôi biết nghị lực và lòng đam mê tin học của Phú đã truyền sức mạnh cho đôi chân của em, và chiếc máy tính đã trợ giúp Phú giành được những thành tích xuất sắc trong học tập.
Năm 2005 Phú được Trung ương đoàn TNCS Hồ Chí Minh tằng bằng khen về thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua thực hiện 5 điều Bác Hồ dạy và vinh dự là đại biểu cháu ngoan Bác Hồ toàn quốc. Phú còn được tham gia chương trình “Người đương thời” cùng anh Nguyễn Công Hùng; Và một vinh dự lớn đến với Nguyễn Minh Phú, em được tôn vinh là một trong 10 gương mặt tiêu biểu toàn quốc của năm 2005. Năm 2006 Phú được chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An tặng bằng khen kèm thêm một chiếc máy in vi tính về thành tích vượt lên tật nguyền để trở thành con ngoan trò giỏi.
Chúng ta hãy chúc cho Nguyễn Minh Phú có thêm nghị lực vượt qua hoàn cảnh để học tập tốt; và tiếp tục trên con đường chinh phục tin học như em hằng mơ ước.