Di tích Tràng Kè: “Địa chỉ đỏ” không thể lãng quên

Thứ hai, 22 Tháng 10 2012 15:37
In
Một sự kiện từng gây rung động dư luận cả nước trong năm 1930, 1931 là việc Thực dân Pháp xử bắn 72 chiến sỹ cách mạng ở một gò đất bên chợ Tràng Kè (xã Mỹ Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An). Năm 1992, di tích Tràng Kè đã được công nhận là di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia.
Mỹ Thành là một xã nghèo, đất đai cằn cỗi, người dân chủ yếu sống bằng nghề nông, song con người nơi đây có truyền thống yêu nước từ lâu đời. Từ năm 1419, Nguyễn Vĩnh Lộc, một vị tướng giỏi của Lê Lợi trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn đã xây dựng ở Mỹ Thành một cứ địa vững chắc chống lại quân Minh. Trong phong trào Cần Vương kháng Pháp, nhân dân Mỹ Thành cũng tích cực tham gia dưới sự chỉ huy của Lĩnh Ngợi (Tấc Bảy), một tướng lĩnh nổi tiếng của Nguyễn Xuân Ôn...

Di tích lịch sử cấp quốc gia Tràng Kè tại huyện Yên Thành, Nghệ An

Đầu thế kỷ XX, khi cả nước đang sôi nổi đi theo tiếng gọi xuất dương của cụ Phan Bội Châu, những thanh niên tiến bộ ở Mỹ Thành cũng vượt núi, băng rừng sang Trại Cày của Đặng Thúc Hứa ở Thái Lan học tập, chờ thời cơ sang Quảng Châu (Trung Quốc) hoạt động Cách mạng. Từ năm 1927 đến 1929, một nhóm tổ chức Thanh niên Cách mạng đồng chí hội cũng được thành lập ở Mỹ Thành, trên cơ sở đó, Chi bộ Đảng Ngọc Luật đã ra đời. Từ đây dưới sự lãnh đạo của Chi bộ, phong trào đấu tranh của nhân dân ngày một dâng cao.

Trong cuộc biểu tình của quần chúng nhân dân nhân kỷ niệm lần thứ 13 ngày Cách mạng tháng Mười Nga, nổ ra tại Yên Thành và Diễn Châu, xã Mỹ Thành cũng là một trong những cái nôi dẫn đầu phong trào. Sau cuộc biểu tình này, Thực dân Pháp đã lập ra ở  Mỹ Thành một đồn binh mạnh nhất trong vùng. Chúng xây dựng hệ thống bang tá huyện, bang tá tổng để đối phó với phong trào cách mạng.

Đi đôi với việc lập đồn bốt, Thực dân Pháp và tay sai còn sử dụng thủ đoạn mới “rước cờ vàng, phát thẻ quy thuận” nhằm gây chia rẽ trong nội bộ nhân dân. Sáng 7/2/1931, bọn chúng tập trung nhân dân tại chợ Tràng Kè để phát thẻ quy thuận, với sự có mặt của Tổng đốc An - Tĩnh Nguyễn Khoa Kỳ, công sứ Vinh, tri huyện Yên Thành Phạm Minh Bật. Nắm được âm mưu thâm độc của kẻ thù, nhân dân Yên Thành quyết tâm phá buổi phát thẻ quy thuận, mượn tay kẻ thù để giết tên chỉ điểm Nguyễn Loan.

Tại buổi lễ, khi Nguyễn Khoa Kỳ bắt đầu hiểu dụ, truyền đơn của Đảng đã tung bay khắp chợ, cả trên xe ô tô của Công sứ Pháp và Tổng đốc. Lợi dụng tình hình lộn xộn, bằng sự dũng cảm và mưu trí, đội tự vệ đỏ tìm cách tiếp cận và nhét truyền đơn vào người tên chỉ điểm Nguyễn Loan, sau đó bí mật báo với lính đồn rằng, chính Nguyễn Loan đã rải truyền đơn. Bọn lính xông đến bắt tên chỉ điểm, khám người thấy có truyền đơn thật, lập tức binh lính giải tên Việt gian lên cầu Khe Ngọng bắn chết ngay tại chỗ. Hành động mưu trí dũng cảm của lực lượng cách mạng địa phương đã biến buổi lễ phát thẻ quy thuận của kẻ thù thành ngày biểu dương lực lượng cách mạng và tuyên truyền tinh thần yêu nước cho nhân dân.

Từ đây, nhân dân phấn khởi tin tưởng vào năng lực lãnh đạo của Đảng. Cuộc đấu tranh ở Tràng Kè thắng lợi đã cổ vũ mạnh mẽ tinh thần đấu tranh của nhân dân trong vùng và cả nước. Các báo “Người lao khổ” của Xứ ủy Trung Kỳ, “Tiếng Dân” và một số tờ báo khác thời đó đã tường thuật tỷ mỷ vụ việc này khiến cho uy tín của Đảng Cộng sản Đông Dương mới ra đời lúc đó càng lên cao.

Thực dân Pháp điên cuồng đàn áp phong trào đấu tranh cách mạng trong biển máu, địa điểm Thung Cổ Hùng, một gò đất cao nằm bên bờ sông và gần Quốc lộ 7 ở ngay bên cạnh chợ Tràng Kè đã được Thực dân Pháp dùng làm pháp trường hành quyết những người chiến sĩ cộng sản. Từ ngày 11/7/1930 đến tháng 9/1931, bọn chúng đã đưa về đây hành quyết dã man 72 chiến sĩ cách mạng. Đó là những hạt nhân ưu tú, là những đảng viên của vùng đất Yên Thành, Nam Đàn, Đô Lương..., riêng xã Mỹ Thành có tới 20 chiến sĩ đã ngã xuống tại gò đất này. Tuy vậy, hành động độc ác đó của kẻ thù vẫn không dập tắt được phong trào cách mạng ở xã Mỹ Thành. Cuối năm 1931, khi phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh bị đàn áp đẫm máu, nhiều cơ sở cách mạng ở Nam Đàn, Thanh Chương, Đô Lương bị tan rã thì cơ sở Đảng ở Mỹ Thành vẫn duy trì hoạt động tốt nhờ sự đùm bọc, bảo vệ của nhân dân và trở thành nơi Tỉnh bộ, Huyện bộ rút lui vào hoạt động bí mật.

Ngày nay, tại di tích Tràng Kè, chính quyền địa phương đã xây dựng bia tưởng niệm các liệt sĩ cùng với 3 ngôi mộ còn lại trên gò.

Để tỏ lòng thành kính với những người đã hy sinh vì sự nghiệp cách mạng, hàng năm vào các ngày lễ 3/2, 27/7 và 12/9, tại đây đã diễn ra nhiều hoạt động, như nói chuyện truyền thống, cắm trại, tổ chức cho nhân dân trong vùng và các cháu thiếu niên, nhi đồng đến Đài tưởng niệm thắp hương, đặt vòng hoa...

Năm 1990, di tích Tràng Kè đã được Bộ Văn hóa và  Thông tin (nay là Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch) công nhận xếp hạng di tích lịch sử cách mạng cấp Quốc gia. Năm 2011, thể theo nguyện vọng của đông đảo người dân địa phương, UBND huyện Yên Thành đã xin chủ trương của tỉnh Nghệ An cho mở rộng diện tích, đồng thời xây dựng ngôi đền thờ 72 liệt sĩ để người dân đến thăm viếng.

Dự án đã được UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt. Theo quy hoạch, khu di tích sẽ được mở rộng diện tích lên gần 5 ha, với nhiều công trình, hạng mục. Việc quy hoạch, mở rộng và xây dựng di tích Tràng Kè là một chủ trương nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị di sản để tri ân các anh hùng, liệt sĩ và góp phần giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ mai saun

(*) Trưởng phòng Văn hóa huyện Yên Thành (tỉnh Nghệ An)
 Theo Báo Đầu Tư

Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: