Vụ người Việt chết cháy ở Nga: Nước mắt xóm nghèo

Thứ hai, 24 Tháng 9 2012 00:00
In
18h chiều 23/9, QL 7 đoạn qua xóm 9 xã Bảo Thành (Yên Thành, Nghệ An) như tắc nghẽn. Hàng trăm người đứng chật kín con đường, mắt nhìn chăm chăm về một hướng.

Hàng chục cặp mắt ậng nước chỉ chực tuôn ra như quả chanh bị ép vội.

Không có nhiều tiếng động, chẳng ai buồn nói chuyện, chỉ có tiếng còi xe inh ỏi và cặp mắt ngơ ngác của những người đi đường; họ chưa hiểu rằng đây là buổi chiều buồn đau nhất của người dân nghèo nơi xóm 8 Bảo Thành.

Ngày từ đường 7, không khí tang thường đa bao trùm cả xóm; không khó để tìm đến ngôi nhà xây cấp 4 của ông Đặng Quang Võ - bà Phan Thị Tuyết và ông Đặng Quang Văn – bà Hoàng Thị Cảnh, bởi gần 15 ngày qua ai cũng mang một nỗi buồn khi làng mất đi một chàng trai, người con hiền lành, chăm chỉ. “Nó mới sang bên đó được 15 ngày, trước hôm đi thằng Ngọc cùng bố còn đang làm giở gác xép cho tui, tui còn cho gia đình nó mượn tiền để đi; thế mà… gác xép nhà tui cả tháng nay vẫn để đó đã làm đâu..”- ông Lê Văn Trung hàng xóm với nhà ông Ngọc nghẹn ngào kể.

Lẫn trong đám đông, ông Đặng Quang Văn trước nay vốn bị điếc giờ lại thêm chứng hoang tưởng! Đứng giữa đám đông thỉnh thoảng ông lại lẩm bẩm: “Thằng Thành sắp về rồi. Nó chưa chết đâu chú à…!”.

Phút trở về trong nước mắt (ảnh Công Đặng)

Những tiếng khóc sụt sùi cứ xoáy vào lòng mỗi người có mặt tại điểm chờ xe chở thi hài Thành và Ngọc, chúng tôi bắt gặp cụ bà Nguyễn Thị Thanh (76 tuổi) đứng xiêu lơ bên đám con cháu. Từ ngày biết tin hai thằng cháu chết thảm nơi đất khách, bà gần như thức trắng. Nỗi đau làm cạn khô đôi gò má hốc hác, bà lả người đi khi chỉ chừng vài chục phút nữa hai thằng cháu sẽ về đến nhà.

“Về nhà nghỉ đi con, ở đây có mẹ rồi. Đưa bố về!” – cụ Thanh nói với mấy đứa cháu, một tay đẩy anh Văn, tay kia bưng mặt khóc. Khung cảnh sao quá xót xa, chúng tôi nuốt mãi mà vẫn cứ nghẹn đắng ở cổ!

Khoảng gần 19h, 2 chiếc xe 115 cất còi tiến đến, đám đông đang chết lặng bỗng trở nên hỗn loạn. “Thành ơi, Ngọc ơi!..”, cụ bà Nguyễn Thị Thanh gào lên được vài tiếng, chưa kịp chạm tay vào chiếc xe thì đã ngã xuống.

Hàng chục người khóc thét lên, cả trăm người vây lấy đôi xe khóc không ngớt. Rồi như thể ở buổi hồng hoang, chục đôi tay của anh em, làng xóm cùng nâng 2 cỗ quan tài vào nhà. “Đám ma của làng” cử hành trong tiếng nhạc ai oán.

Bà mất cháu, nhặt lá xanh đắp 2 cỗ quan tài; cha mẹ mất con, giọt máu nuôi nấng 20 năm vừa gửi vào đời đã rơi vào tay thần chết; đàn em ngơ ngác gọi tên anh; xóm giềng quặn thắt chia sẻ… “Bọn tui nghèo nhưng tình cảm không phân biệt người dưng nước lã. Thằng Thành thằng Ngọc là con là cháu của làng; chúng chết đi là nỗi đau của cả xóm chú à” – chị Hoàng Thị Trang, một hàng xóm gia quyến chia sẻ.

“Mở mắt ra mà nhìn cha mẹ, các em lần cuối con ơi ! Con về nhà ta rồi ! Con ở trong vòng tay cha rồi !” – tiếng khóc nức nở của ông Đặng Quang Võ (xóm 8 Bảo Thành, bố nạn nhân Đặng Quang Ngọc – pv) lại khiến chúng tôi nuốt nghẹn thêm lần nữa.

Cụ Đặng Quang Dương, tộc trưởng họ Đặng còn chút tỉnh táo sau chặng đường dài đón hai thằng cháu từ Hà Nội về cũng không cầm được nước mắt: “Không có nỗi đau nào hơn khi dòng họ tôi lại mất cùng lúc hai đứa cháu như thế này. Nỗi đau này khó mà nguôi ngoai được, giờ thi hài các cháu về tới nhà rồi cũng là niềm mong ước cuối cùng của dòng tộc nhà chúng tôi. Để ngày đại tang được trọn vẹn, trước hết tôi chân thành cảm ơn các ban ngành, đoàn thể, Đại sứ quán và cộng đồng người Việt ở Nga đã quan tâm, hỗ trợ giúp đỡ đưa thi thể hai cháu tôi về nước. Đây cũng là tâm nguyện lớn nhất của chúng tôi bấy lâu nay”. Nói đoạn cụ Dương cố dấu đi những giọt nước mắt hiếm muộn.

“ Kẻ đầu bạc tiễn người đầu xanh”, khiến ta không thể  kìm lòng được, ra đi với mong ước thoát khỏi cái nghèo, phụ giúp bố mẹ nuôi em ăn học nào ngờ… phải bỏ mạng nơi xứ người, nõi đau chồng chất nỗi đau.

Khóc thương cho số phận ngắn ngủi của Thành và Ngọc (ảnh Công Đặng)

Anh ơi về với mẹ vói em! (Ảnh Công Đặng)

Sao Con Không về với mẹ! (Ảnh Công Đặng)


LBL_RELATEDNAME
LBL_NEWERNAME
LBL_OLDERNAME