Chuyện về người nặng lòng với nước Lào anh em

Chủ nhật, 27 Tháng 5 2012 00:00
In

Đó là ông là Trần Đình Đúc, SN 1924, trú tại Xóm Lũy, xã Mã Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. 32 năm là chuyên viên đặc biệt ở nước bạn Lào về công tác xây dựng Đảng và tăng cường công tác chính trị.


Ông Đúc sinh ra trong gia đình gia giáo, lễ nghĩa,… bố mẹ có địa vị trong xã hội thời bấy giờ. Cũng bởi vậy, ông được nuôi ăn học đến nơi đến chốn.

Học xong phổ thông, rồi học thêm chương trình đào tạo cán bộ. Có trình độ, ông được bầu làm Bí thư Huyện ủy Yên Thành (nhiệm kỳ1952 - 1959). Năm 1960, ông Đúc được phân công công tác ở Tỉnh ủy Nghệ An, ông được Ban tổ chức Trung ương điều ra làm tổ trưởng tổ chuyên gia của Đảng. Một năm sau, nước bạn Lào bước vào thời kỳ xây đựng Đảng và tăng cường công tác chính trị tư tưởng, ông được cử sang giúp nước bạn.

 

Ông Đúc tiếp đón các vị lãnh đạo trong và ngoài nước.    Ảnh: TLÔng Đúc tiếp đón các vị lãnh đạo trong và ngoài nước. Ảnh: TL

5 năm đầu từ 1961 - 1965, đơn vị ông Đúc đóng ở Sầm Nưa là khu căn cứ cách mạng, rừng thiêng, nước độc, thổ phỉ rình rập rất nguy hiểm. Để tránh khỏi địch phát hiện, đơn vị ông Đúc thường sống trong các hang đá. Ông Đúc giãi bày: "Ở không cố định một chỗ mà cứ 5 - 7 ngày lại dời chỗ để quân địch không phát hiện ra. Bọn thổ phỉ cứ  rình rập đánh lén nguy hiểm lắm". Ông rùng mình nhớ lại: "Nhiều khi đang nằm ngủ, thấy ớn lạnh, tỉnh dậy thấy rắn… đang trườn qua người".

Quanh năm sống không thấy ánh mặt trời, những cơn sốt rét rừng tra tấn hành hạ. Cái đói đã đành nhưng bệnh tật luôn là nỗi ám ảnh kinh hoàng của cán bộ hoạt động thời bấy giờ. Dùng lá rừng làm chăn, làm chiếu,… đó cũng chính là nguồn lương thực nuôi sống con người trong những tháng ngày hoạt động ở Sầm Nưa.
Những cây trái được ông Đúc đưa về trồng làm kỷ niệm để vơi đi nỗi nhớ nước bạn.     Ảnh: Lê TậpNhững cây trái được ông Đúc đưa về trồng làm kỷ niệm để vơi đi nỗi nhớ nước bạn. Ảnh: Lê Tập

Những người làm thay đổi vận mệnh đất nước Lào đã gắn bó thân thiết với ông Đúc như: Cay xỏn phôm vi hản, Hoàng thân Xu va nu vông, Khăm tày Xi phăn đon,… Họ đã hy sinh tất cả, cống hiến hết mình để hai nước Việt - Lào có ngày hôm nay.

Liên quân Lào - Việt đã diệt và bắt gần 2.800 quân Pháp, giải phóng tỉnh Sầm Nưa, một phần Xiêng Khoảng và tỉnh Phongxali với diện tích 4.000 km2 và hơn 300.000 dân. Từ năm 1965 - 1975, đơn vị của ông Đúc được lệnh hành quân đến đóng ở đường 9 - Nam Lào. Hơn 10 năm tiếp tục sống trong rừng, hứng chịu biết bao bom đạn của Mỹ.

Ông Đúc tâm sự: "Bây giờ ngồi nhớ lại mà thấy kinh hoàng lắm, không hiểu sao lúc đó tuổi trẻ chúng tôi gan dạ thế. Cán bộ cách mạng luôn bị quân địch truy lùng gắt gao, cứ nghi ngờ, hé lộ thông tin vùng rừng núi kia có cán bộ cách mạng ẩn náu là chúng cho máy bay càn quét, rải chất độc hóa học.  Nhưng chúng tôi vẫn không chùn chân". Ông nhớ lại:  "Đợt 5 cán bộ trong đó có tôi di chuyển địa điểm ở rừng Đông Pha Yen thì bị địch phát hiện, có 9 máy bay tọa độ dội bom xối xả, chúng tôi đã lẩn tránh, chạy mỗi người mỗi hướng lánh bom đạn. Lần đó, tôi bị bom Mỹ đánh gãy chân, trên cơ thể găm nhiều mảnh bom bi, may mắn thoát chết. Thời gian sau đó, tôi được Ban tổ chức Trung ương Lào đưa sang Đức phẫu thuật".

Bà Nguyễn Thị Khuy (vợ ông Đúc) kể lại thời vắng bóng chồng.    Ảnh: Lê TậpBà Nguyễn Thị Khuy (vợ ông Đúc) kể lại thời vắng bóng chồng. Ảnh: Lê Tập

Khi hỏi về gia đình vợ con, ông Đúc nói: "32 năm, tôi chỉ về thăm nhà có 4 lần, cũng là 4 đứa con ra đời. Tôi không giúp được gì vợ con. Một mình bà ấy chạy vạy nuôi con khôn lớn".

Bà Nguyễn Thị Khuy (vợ ông Đúc) chia sẻ: "Lấy tôi xong có ở với nhau được mấy đâu, ai hỏi ông ấy đi mô, tôi cũng phải nói tránh là đi xa (vì lúc công việc của ông là bí mật). Con sinh ra không thấy mặt bố, ai hỏi bố các con lại khóc gào lên. Tôi phải âm thầm nuôi con chờ ngày chồng trở về".

Sau khi nước bạn Lào giải phóng, ông nhận được yêu cầu của Đảng và Nhà nước Lào ở lại giúp xây dựng nước bạn sau chiến tranh. Năm 1993, ông về nước khi đã 69 tuổi. Về nhà con cái không nhận ra bố mình là ai, bà con làng xóm cũng không nhớ ông Đúc là người như thế nào.

Ông Đúc tâm sự: "Hai vợ chồng tôi giờ tuổi cũng đã cao, sống thêm được năm nào là quý hóa rồi. Đây cũng là khoảng thời gian tôi với bà ấy gần nhau để quan tâm chăm sóc, bù lại thời còn trẻ không được gần nhau nhiều".

Dù đã về nghỉ hưu khá lâu nhưng ông Đúc luôn nhớ tới nước bạn Lào. Ông trò chuyện: "Đất nước Lào là quê hương thứ 2 của tôi, từng ngày từng giờ tôi luôn theo dõi báo đài về đất nước bạn. Tôi vui vì Đảng và Nhà nước 2 nước Việt - Lào luôn luôn vun đắp cho tình cảm đặc biệt, bền vững".

Để nước Lào luôn hiện hữu trong cuộc sống thường ngày, ông Đúc đưa những hiện vật gắn bó với ông trong quãng thời gian sống và chiến đấu ở nước bạn về. Ngắm nghía những tấm ảnh mà ông đón tiếp nói chuyện với những đồng chí, những người anh em chí tình ở nước bạn. Ông còn dành thời gian chăm sóc những cây Xoài, cây Na và cây Phong Lan mà ông đưa từ Lào về làm kỷ niệm.

Cho đến bây giờ, thế hệ lãnh đạo mới của đất nước Lào, Đại sứ quán Lào ở Việt Nam vẫn không quên sự cống hiến của ông Đúc đối với đất nước Lào. Cứ ngày lễ, Tết, ngày sinh của ông Đúc, đều có đoàn đến nhà ông thăm hỏi sức khỏe. Dòng chữ chói sáng mà gia đình Hoàng thân Xu va nu vông thân tặng ông Đúc: "Trọn nghĩa - Trọn tình - Thủy chung - Trong sáng" được ông giữ gìn rất cẩn thận.

Ông Bùi Trọng Long, Bí thư Đảng ủy xã Mã Thành cho hay: "Xã Mã Thành rất vinh dự, tự hào có ông Đúc. Ông đã hy sinh cống hiến cho nước bạn Lào. Nhờ ông Đúc mà thế hệ chúng tôi hiểu thêm về đất nước Lào anh em, góp phần thắt chặt tình đoàn kết gắn bó giữa hai dân tộc Việt - Lào bền vững hơn".


Theo Lê Tập/ Pháp luật xã hội

 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: