Khánh Thành: Khởi đầu một sự bình yên (Kì cuối)

Thứ ba, 23 Tháng 2 2010 20:51
In

“Chủ tịch lâm thời xã” Nguyễn Trọng Hương và đồng bọn bị khởi tố,  bắt tạm giam. Như sau một cơn “lên đồng”, cả Khánh Thành bừng tỉnh. Một xã từng được xem là vững mạnh. Nhưng đùng một cái hoá ra không “vững” mà cũng chẳng “mạnh” tí nào.

Lại phải kiện toàn các tổ chức, phải xây dựng lại phong trào; nơi nào hỏng, yếu thì cắt bỏ. Đau. Nhưng không còn cách nào khác!

 

Kì cuối : "Vụ Khánh Thành " Bài học không của riêng ai

Đảng bộ, chính quyền xã Khánh Thành cũng như lãnh đạo các ban ngành, cán sự 11 xóm tổ chức kiểm điểm rút kinh nghiệm. Hầu hết, những người có trách nhiệm đều nhận khuyết điểm xin chịu các hình thức kỷ luật. Kết quả, Ban chấp hành Đảng bộ bị kỷ luật khiển trách.

Đồng chí Bí thư Đảng uỷ bị cảnh cáo chuyển công tác khác; Chủ tịch xã  bị cách chức. Riêng trưởng công an xã bị  buộc thôi việc. Hai vị phó chủ tịch UBND xã bị kỷ luật khiển trách. 14 chi bộ cùng cán sự của 11 xóm họp kiểm điểm trách nhiệm của từng cán bộ, đảng viên.

Khánh Thành - sau mùa hè nóng bỏng

Một xã từng được xem là vững mạnh. Nhưng đùng một cái hoá ra không “vững” mà cũng chẳng “mạnh” tí nào. Lại phải kiện toàn các tổ chức, phải xây dựng lại phong trào; nơi nào hỏng, yếu thì cắt bỏ.

Đau. Nhưng không còn cách nào khác!

Đảng viên mô rồi?

Nhìn cảnh náo loạn triền miên xảy ra trong làng mình, xã mình hết ngày này sang ngày khác, một số bà con đành phải kêu lên như thế. Bởi người ta không kêu đảng viên thì kêu ai?

Bất chấp thực tế đó, lợi dụng sự thiếu hiểu biết của một bộ phận quần chúng, số phần tử quá khích đã gây ra những vụ vi phạm pháp luật mà chúng tôi đã nêu ở hai kỳ báo trước.

Tuy nhiên, người dân Khánh Thành, nhất là những người có con em đi học không phải ai cũng tham gia gây náo loạn, ai cũng nghe lời bọn xấu. Trái lại, họ còn tìm cách ngăn cản các hành vi vi phạm này.

Có khi rất quyết liệt. Bà Cảnh ở xóm Phú Văn (nơi xảy ra những vụ náo loạn phức tạp nhất) là vợ liệt sĩ khi nghe tiếng loa hò hét kích động đã hằm hằm: “Bay dám chửi chế độ à. Này! không có Đảng, thì cha con bay đi ăn mày, chớ đừng nói chuyện đi học. Láo!”. Và bà ngăn không cho bọn này đánh trống kích động.

Chị Nhàn, các anh Duyên, Cử, Quỳnh bất chấp sự cô lập, ngăn cản của bọn xấu và số a dua vẫn cho con đến trường. Còn cô giáo Long và một số giáo viên thì bất chấp lời đe doạ của bọn quá khích vận động các em đến lớp…

Thế nhưng, đáng tiếc, trong lúc như thế, cán bộ đảng viên ở đây lại “khoanh tay đứng nhìn”. Mỗi người một tâm trạng. Lạ hơn, một số cán bộ chủ chốt như Bí thư, chủ tịch thì tỏ ra hết sức lúng túng trong việc nắm bắt và xử lý tình hình. Còn trưởng công an xã thì… buồn quá. Hình như quên trách nhiệm của mình.

Nói không ngoa, cả một đảng bộ, cả một hệ thống chính trị, cả một bộ máy chính quyền ở xã Khánh Thành đã chống trả nhóm “uỷ ban lâm thời” do gã lái lợn cầm đầu một cách bị động, lúng túng, yếu ớt. Nếu không muốn nói là bị tê liệt.

Khánh Thành bừng tỉnh

Trước khi xảy ra vụ náo loạn, Khánh Thành là một trong những xã thuộc loại khá của huyện. Tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm đạt từ 12 đến trên 13%. Đảng bộ nhiều năm đạt danh hiệu “Trong sạch vững mạnh”, các tổ chức đoàn thể như phụ nữ, cựu chiến binh, đoàn thanh niên, các phong trào như “Toàn dân tham gia bảo vệ An ninh Tổ quốc”, “Toàn dân xây dựng đời sống văn hoá mới tại cộng đồng dân cư”… đều được xếp loại khá trở lên.

Thế mà… đùng một cái, cả một hệ thống chính trị với một chính quyền có đầy đủ ban ngành như thế, khoác đủ các danh hiệu như thế bỗng chốc như sứa. Thay vào đó là một nhóm phần tử đủ thành phần: cán bộ xã bị thải hồi, phụ hồ nghiệp dư, thanh niên vô công rồi nghề, buôn bán vặt... do một gã lái lợn tự xưng “chủ tịch xã lâm thời” cầm đầu.

Họ điều hành, kích động, lôi kéo được một bộ phận quần chúng khiếu kiện đông người, khiếu kiện vượt cấp, gây rối trật tự công cộng trong nhiều đợt liên tiếp mới lạ! Có lúc đám đông như lên đồng trong một sự điều hành khá bài bản. Bài bản đến mức người ta nghi ngờ liệu có ai đó đứng đằng sau giật dây chăng?

Chỉ sau khi Nguyễn Trọng Hương, Nguyễn Đình Bình và đồng bọn bị khởi tố, tình hình dịu xuống thì Đảng uỷ, chính quyền xã Khánh Thành cũng như lãnh đạo các ban ngành, cán sự 11 xóm mới tổ chức kiểm điểm rút kinh nghiệm.

Lúc này các hiện tượng, sự việc, vấn đề được mổ xẻ. Những cán bộ chủ chốt của xã bị phê bình dữ dội. Hầu hết các cán bộ lãnh đạo, những người có trách nhiệm ở xã đều nhận khuyết điểm xin chịu các hình thức kỷ luật.

Kết quả, Ban chấp hành Đảng bộ Khánh Thành bị khiển trách. Đồng chí Bí thư Đảng uỷ bị cảnh cáo chuyển công tác khác; Chủ tịch xã bị cách chức. Riêng trưởng công an xã phải thôi việc. Ngoài ra, hình thức kỷ luật khiển trách  còn dành cho hai vị phó chủ tịch UBND xã. Đau. Nhưng không còn cách nào khác.

Lúc này cả Khánh Thành như bừng tỉnh. Cán bộ, đảng viên tự trách mình. Còn  những người từng a dua theo bọn xấu thì bụng bảo dạ “không nghe ai lại nghe thằng buôn lợn, cân điêu có tiếng. Dại”!

Đảng uỷ, chính quyền xã và một số chi uỷ được củng cố, kiện toàn với những cán bộ lãnh đạo mới. Đồng thời, thực hiện chủ trương của huyện, Trường tiểu học và Trường Trung học cơ sở của Khánh Thành được nhập thành Trường Phổ thông cơ sở Khánh Thành. Học sinh Trung học cơ sở vẫn học chỗ cũ nhưng trong một dạng trường gộp 2 cấp. Một trường không giống ai trong huyện Yên Thành.

Chúng tôi tin tưởng chủ trương của Nhà nước


Đó là lời của nhiều bà con nông dân Khánh Thành trong thời gian ở đây xảy ra chuyện “động trời”. Bà con hiểu nôm na thế này, chủ trương của tỉnh, của ngành giáo dục là phải xây dựng trường ra trường, lớp ra lớp, thầy ra thầy, trò ra trò. Muốn thế phải giải thể những trường trung học cơ sở có số lớp không đủ theo quy định; cơ sở vật chất cũng như lực lượng giáo viên của trường còn yếu, thiếu.

Vài năm gần đây, huyện Yên Thành đã tổ chức thực hiện giải thể, sáp nhập một số trường ở các xã Lý Thành, Liên Thành, Đại Thành, Minh Thành, Tây Thành, Thị trấn. Hiện huyện này lập được 3 trường và dự kiến sẽ có thêm 2 trường sáp nhập trong thời gian tới. Phần lớn bà con phụ huynh các xã đó đều hiểu và đồng tình với chủ trương trên.

Đối chiếu với những quy định của ngành giáo dục thì Trường PTCS Khánh Thành giải thể để các em sang học ở các trường đóng ở các xã bên là phù hợp với yêu cầu.

Đâu là nguyên nhân của mọi nguyên nhân?

Điều ai cũng biết là, mục tiêu của những cuộc náo loạn, khiếu kiện đông người, khiếu kiện vượt cấp xảy ra ở Khánh Thành là chống lại chủ trương giải thể trường PTCS để con em khỏi phải sang các xã bên cạnh học. Thế thôi. Từ thắc mắc của một số ít người sang nhiều người; từ một vài xóm lan sang cả xã; từ đơn thư kiến nghị sang hành động quá khích; từ vi phạm sang phạm tội; từ đơn giản sang phức tạp.

Người ta bảo xảy ra “vụ Khánh Thành” có nhiều lí do. Thứ nhất, người dân không muốn con em mình đi học xa. Dù quãng xa nhất cũng cữ 4 cây số. Đây chính là chỗ dễ bị phần tử xấu kích động, lôi kéo nhất.

Thứ hai, một số cán bộ đảng viên trong đó có cả những người giữ cương vị lãnh đạo ở xã, cán bộ giáo viên trường THCS không muốn giải thể trường vì những lí do “tế nhị”.

Thứ ba, năng lực cán bộ lãnh đạo có vấn đề. Nhất là trong dự kiến tình hình, xử lý tình hình và rất thiếu nhạy bén. Thứ tư, cán bộ đảng viên chưa thể hiện được vai trò lãnh đạo, gương mẫu của mình khi tình huống xấu xảy ra. Và cuối cùng là sự chỉ đạo, dự báo và xử lý tình hình của một số cán bộ chức năng của Yên Thành thiếu nhanh nhạy, kịp thời.

Khi được hỏi sao a dua theo bọn xấu, có người rất vô tư “con không khóc thì mẹ không cho bú”. Trời ạ! Ai cũng có quyền khiếu kiện. Nhưng kiện thế nào cho đúng luật mới là điều quan trọng - chung quy cũng là do nhận thức pháp luật mà thôi.

Vĩ thanh


Một lão nông ở Khánh Thành bảo: đây là vùng “đất nghịch” và theo chu kỳ cứ 10 năm xã này lại xảy ra một “sự cố”. Năm 1999, 1989, 1979 ở đây đã xảy ra các vụ vi phạm các chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Trong những năm đó, một số cán bộ xã chịu các hình thức kỷ luật nghiêm minh. Và mùa hè 2009 này thì như ta đã biết.

Nếu thế thật thì đến năm 2019 liệu chu kỳ trên có lặp lại?

Có người nói: “Giá như trước đây dân hiểu pháp luật, hiểu chủ trương của ngành giáo dục như thế thì một anh lái lợn chứ mười anh lái lợn như Nguyễn Trọng Hương bà con cũng không nghe theo.

Nhân nào thì quả ấy. Nghe có vẻ lý thuyết. Những gì xảy ra ở Khánh Thành vừa qua thì ta có thể hiểu được vì sao lại thế.

Dù tự xưng “chủ tịch xã lâm thời” thì Nguyễn Trọng Hương và đồng bọn cũng không có ý đồ “cướp chính quyền” hay “lật ghế” cán bộ xã. Đơn giản chúng chỉ kích động quần chúng gây sức ép của chính quyền từ bỏ chủ trương sáp nhập trường. Thế thôi.

Điều đáng trách là cán bộ, đảng viên Khánh Thành, nhất là những người lãnh đạo chủ chốt tê liệt hoạt động trong thời gian dài. Thứ nữa, những người có trách nhiệm của huyện đâu phải là vô can?


Việt Long - Báo CANA


LBL_RELATEDNAME
LBL_NEWERNAME
LBL_OLDERNAME