Xã Tây Thành: Nhiều biện pháp hữu hiệu để tạo bước đột phá

Thứ ba, 12 Tháng 5 2009 01:52
In

Những năm gần đây, tình hình kinh tế - xã hội ở nhiều địa phương gặp khó khăn do những tác động bất lợi từ yếu tố thời tiết, thị trường. Tuy nhiên, xã Tây Thành (Yên Thành - Nghệ An) đã phát huy đúng lợi thế, nắm bắt kịp thời được những cơ hội để không ngừng phát triển đi lên.

Là một xã thuần nông, nông - lâm - thuỷ sản vẫn chiếm tỷ trọng chủ yếu trong cơ cấu kinh tế với 54,56%. Tuy nhiên, hiện nay ngành thương mại - dịch vụ cũng đã chiếm đến 27,9%; CN - TTCN - XDCB chiếm 17,54%. Nhờ sự chỉ đạo sát đúng của lãnh đạo xã, các thành phần kinh tế hỗ trợ nhau phát triển nhịp nhàng đưa tốc độ phát triển lên 15,2%, bình quân thu nhập đầu người đạt 9,1 triệu đồng/người/năm.

Tỷ lệ các ngành CN - TM - VD ngày càng tăng và đóng vai trò quan trọng trong kinh tế xã nhà. Nhưng lĩnh vực nông nghiệp hiện nay vẫn là ngành nghề chủ yếu. Vì vậy, chính quyền xã cũng như bà con nông dân không ngừng đẩy mạnh các biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất. HTX nông nghiệp đã tận tình hướng dẫn bà con áp dụng thành tựu khoa học công nghệ vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi. Thực hiện tốt việc chuyển đổi cơ cấu giống, mùa vụ, phòng trừ sâu bệnh, chống rét, hạn hán... cho nên tổng thu nhập từ nông - lâm - ngư nghiệp năm qua ước đạt gần 33,5 tỷ đồng. Trong đó, trồng trọt bao gồm cây lương thực có hạt, cây công nghiệp ngắn ngày và các cây nguyên liệu không ngừng tăng lên về năng suất. Tổng đàn trâu bò trong năm đạt 3685 con, đàn lợn hơn 5 nghìn con mang lại nguồn thu 730 triệu đồng.

Xuất phát từ điều kiện kinh tế chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, quan niệm "dĩ nông vi bản" đã ăn sâu vào tâm tưởng của mỗi người dân. Tuy nhiên, điều kiện hội nhập, mở cửa, kinh tế thị trường cũng đã dần thâm nhập vào từng ngõ ngách các vùng nông thôn. "Phi thương bất phú" cũng là khái niệm được rất nhiều người quan tâm, áp dụng. Cùng với việc phát triển nông nghiệp - nông thôn theo hướng hiện đại hoá theo chủ trương của Chính phủ, địa phương ngày càng tăng cường áp dụng khoa học hiện đại vào sản xuất, chăn nuôi; tăng tỷ trọng các ngành CN - TTCN - DV trong cơ cấu kinh tế.

Với phương hướng trên, Tây Thành đang tích cực tạo điều kiện những ngành nghề này phát triển. Khuyến khích bà con tham gia sản xuất, kinh doanh dịch vụ. Đến nay, kinh tế Tây Thành đang có những đổi thay trông thấy. Nhìn chung các thành phần kinh tế đều có nhịp độ phát triển tốt. Tổng giá trị thu nhập của TTCN - TMDV - KXLĐ - GQVL - XDCB đạt hơn 34 tỷ đồng, đang góp phần to lớn vào quá trình hiện đại hoá nông nghiệp - nông thôn.
Ông Mai Văn Mười, Chủ tịch UBND xã: Cấp uỷ Đảng, chính quyền và nhân dân xã đang tiếp tục phát huy nội lực, tận dụng lợi thế, nắm bắt thời cơ để không ngừng phát triển kinh tế...



Kinh tế phát triển cũng tức là công tác xoá đói giảm nghèo của xã thành công. Tỷ lệ hộ nghèo giảm hẳn. Các chính sách xã hội: trợ cấp cho người cao tuổi và các đối tượng chính sách khác, trợ cấp tu sửa, xây dựng nhà tình nghĩa... được thực hiện nghiêm túc, đầy đủ.

Sự phát triển không ngừng của nền kinh tế đã tạo điều kiện rất thuận lợi cho xã thực hiện tốt các chính sách phát triển xã hội. Đặc biệt là có điều kiện quan tâm đầu tư nhiều hơn nữa cho lĩnh vực văn hoá - giáo dục - y tế. Trong lĩnh vực văn hoá xã hội, bằng hình thức tuyên truyền tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà Nước và các nhiệm vụ của địa phương đến tận mọi người dân. Các hoạt động TDTT ở cơ sở cũng như ở cụm huyện được duy trì thực hiện tốt. UBND xã thường xuyên củng cố ban chỉ đạo toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư, đồng thời làm tốt công tác đăng ký, bình xét gia đình văn hoá, làng văn hoá. Kết quả, năm 2008 toàn xã có 1070 gia đình văn hoá, 1 làng đề nghị công nhận làng văn hoá, 13 khu dân cư tiên tiến.

Công tác Y tế - dân số - GĐTE cũng được chỉ đạo thực hiện tốt, mang lại hiệu quả cao. Đặc biệt, những năm gần đây Tây Thành chú trọng đầu tư phát triển giáo dục. Công tác khuyến học được quan tâm và thực hiện tốt. Công tác giáo dục ở các cấp học có nhiều chuyển biến tích cực. Phong trào xã hội hoá giáo dục được các tầng lớp nhân dân quan tâm hơn cho nên chất lượng toàn diện có bước phát triển mạnh; bệnh thành tích trong giáo dục được đẩy lùi, chất lượng giáo dục được đánh giá thực chất. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học đã được đầu tư xây dựng, đội ngũ giáo viên đã được chuẩn hoá. Năm học 2007 - 2008 tỷ lệ học sinh tốt nghiệp Tiểu học đạt 97,3%, THCS 85,6%; có 64 lượt em đậu học sinh giỏi huyện, tỉnh; 44 em đậu vào các trường ĐH, CĐ, THCN.

Năm 2009 đã đi được gần nửa chặng đường, hiện nay xã đang tiếp tục phát huy nội lực, tận dụng lợi thế, nắm bắt thời cơ để không ngừng phát triển kinh tế. Mục tiêu đến hết năm nay là nâng tốc độ phát triển lên 16%; trong đó, xã đang có chủ trương giảm tỷ lệ nông - lâm - ngư nghiệp, tăng tỷ lệ CN - TTCN, TM - DV; tăng thu hập bình quân đầu người lên 10,3 triệu đồng/người/năm. Ngoài chủ trương tăng tốc trên lĩnh vực kinh tế, xã sẽ đẩy mạnh hơn nữa các đề án phát triển xã hội, xây dựng an ninh Quốc phòng đảm bảo một môi trường nông thôn phát triển vững mạnh...

Theo .PV/ Báo Thông tin thương mại

[Trao đổi trong diễn đàn]

 


LBL_NEWERNAME
LBL_OLDERNAME