Thầy giáo già... rất trẻ

Thứ bảy, 17 Tháng 4 2010 14:03
In

Ở tuổi 76, nhưng trông thầy còn rất phong độ. Đã hơn nửa thế kỷ "chèo đò", nhưng thầy vẫn chưa nghỉ. Phấn trắng, bảng đen đã cuốn thầy đến mức, được nghỉ hưu ở quê lại "trốn" vào thành phố để được đi dạy.

Vợ con phản đối, thầy bảo chưa thể nghỉ được, còn nhiều điều muốn truyền lại cho lớp trẻ. Có bận căng quá, thầy đọc cho vợ mấy câu thơ của một đồng nghiệp, thế là bà đành phải chịu thua: Câu chuyện đọc thơ để được vợ cho tiếp tục đi dạy chỉ riêng nhà giáo Thái Hữu Thịnh, GV hoá học - Trường THPT dân lập Nguyễn Trường Tộ - TP.Vinh (Nghệ An).

Trẻ mãi như tuổi 20

Thầy Thịnh say sưa hướng dẫn học sinh làm thí nghiệm hoá học. Ảnh: P.V.T
Thầy Thịnh say sưa hướng dẫn học sinh làm thí nghiệm hoá học. Ảnh: P.V.T

Ở Nghệ An, rất nhiều người biết và kính trọng thầy. Biết vì thầy đã từng giảng dạy ở nhiều trường cấp III trong tỉnh. Kính vì thầy vừa là nhà giáo, vừa là nhà khoa học ứng dụng. Hơn thế nữa, thầy luôn mới trong cách dạy. Nhắc đến thầy Thịnh là các thế hệ học sinh và đồng nghiệp của ông lại nhớ đến chữ: Học và hành.

Từ khi còn là học sinh cấp II, tôi đã từng nghe về lò vôi thầy Thịnh, xưởng thuỷ tinh thầy Thịnh... Lớn lên được học với thầy và sau này lại cùng công tác ở Trường Nguyễn Trường Tộ, cùng ở tập thể, mới thấu hiểu được niềm đam mê nghề nghiệp của ông.

Quãng thời gian tuy không dài ấy, tôi đã nhận ra ngọn lửa cống hiến trong thầy là trẻ mãi như tuổi 20. Ở cái tuổi thất thập mà thầy vẫn không chịu thua kém lớp trẻ, khăn gói đi học vi tính. Thầy nói, việc học là suốt đời. Học vi tính không những để thiết kế bài giảng điện tử, mà còn để tìm kiếm thông tin, tư liệu phục vụ cho mình, nhất là phục vụ dạy và học.

Được nghỉ hưu ở huyện Yên Thành, thầy lại “tái xuất giang hồ”. Chấp nhận bỏ lại mấy “Gian nhà không mặc kệ gió lung lay” để vào Vinh, chấp nhận ở tập thể, ăn cơm bụi... để được dạy. Thầy là thế, không bao giờ chịu “ăn không ngồi rồi”.

Trường Nguyễn Trường Tộ lúc bấy giờ còn thiếu thốn đủ bề, đặc biệt là trang thiết bị dạy học. Học sinh vào trường chủ yếu là các em hỏng thi ở các trường công lập. Thầy xung phong làm Tổng giám thị của nhà trường và xin làm chủ nhiệm lớp kém nhất để áp dụng phương pháp giáo dục các em, mà từ hồi đó thầy đã gọi là phương pháp thân thiện. Thay vì phạt hoặc nặng lời với các em, thầy thường tập hát cho các em, phần lớn là những bài hát do thầy sáng tác. Thầy nói: “Âm nhạc rất diệu kỳ, nó gửi gắm tâm tư, tình cảm và truyền đi nhiều thông điệp lay động lòng người”.

Tôi còn nhớ, thầy chủ động bàn với tôi, lúc bấy giờ là Bí thư Đoàn trường cùng tham gia sinh hoạt lớp với thầy. Mỗi buổi sinh hoạt, thế nào thầy cũng “bắt cóc” tôi phải hát những bài hát mà chúng tôi đã từng hát hồi còn học cấp III: “Ngày mai thầy vẫn bên em. Xây tương lai từ mái trường này. Em sẽ là muôn cánh chim bay...”. Lời ca kết thúc, cả lớp phăng phắc trong xúc động lạ kỳ. Sau mỗi buổi sinh hoạt, thầy lại vỗ vai tôi: Em thấy hiệu quả không!

Vào năm nhà trường chuẩn bị kỷ niệm 10 năm thành lập, tôi lại thấy thầy thức cả tháng trời chỉ để viết một bài hát. Đêm đêm khi cả khu tập thể yên ắng, thầy lại một mình ôm đàn ra phòng học để sáng tác. Bài hát viết xong, thầy lại phải đích thân tuyển chọn học sinh để tập. Thầy và trò lại phải “quần” thêm một tháng nữa mới nên cơm cháo. Sáng 20.11 năm ấy, dàn đồng ca hơn 100 học sinh do thầy chỉ huy đã bừng lên bài hát “Mái trường niềm tin”, trong tự hào xúc động: “Mười năm qua và mai sau đẹp những trang sử mới...”.

 

Truyền lửa cho lớp trẻ


Cho đến nay, cứ mỗi kỳ đại hội chi bộ nhà trường, người ta lại thấy một vị khách mời danh dự: Thầy Thịnh. Ông được mời dự đại hội không những vì có công lớn xây dựng trường, mà chính thầy - một quần chúng đề nghị thành lập chi bộ nhà trường. Ngày ấy, Trường Nguyễn Trường Tộ đã có đầy đủ các tổ chức quần chúng nhưng chưa có chi bộ Đảng. Thầy cứ băn khoăn: “Không có chi bộ Đảng thì khó mà có dân chủ trong nhà trường. Nhiều vấn đề hệ trọng nhiều khi được quyết định bởi ý chí của một vài cá nhân”.

Sau mấy cuộc họp thầy kiên trì đề xuất, năm 1995, chi bộ Đảng nhà trường được thành lập. Nhà giáo Thái Bá Sô - Hiệu trưởng nhà trường lúc bấy giờ - thường nói vui: “Quần chúng Thái Hữu Thịnh là người thành lập chi bộ trường ta”.

Chính thầy đã góp phần bồi dưỡng cho Đảng hai đảng viên xuất sắc. Hai anh Trần Huy Đức và Cù Tuấn Triển vẫn chưa nguôi cảm động mỗi lần chúng tôi hàn huyên chuyện cũ. Vốn rất tin yêu lớp trẻ, thầy đã hết mình “truyền lửa” cho hai giáo viên trẻ, thầy luôn nhắc nhở hai thầy phải biết cống hiến và phấn đấu không mệt mỏi.

Thầy Triển như thuộc lòng lời nhắc nhở của nhà giáo Thái Hữu Thịnh 10 năm về trước: “Tuổi trẻ phải có hoài bão, phải sống có lý tưởng và phải biết cống hiến. Các em phải rèn luyện và phải xứng đáng là những người cộng sản”.

Còn thầy giáo Trần Huy Đức lúc nào cũng lâng lâng như chuyện vừa mới hôm qua: “Tôi đứng dưới cờ Đảng, giơ nắm tay thề mà nước mắt rưng rưng. Tôi cũng thề với thầy, sẽ noi gương của thầy vì sự nghiệp trồng người”.

Hồi mới về trường công tác, thầy thường bảo tôi lắng nghe học sinh hát Quốc ca. Tôi hiểu thầy nóng ruột vì phần lớn các em hát sai, số ít nữa lại chưa thực sự nghiêm túc dưới quốc kỳ. Thầy lên kế hoạch dự sinh hoạt với các lớp để tập cho học sinh hát Quốc ca thật đúng.

Thầy tâm tình: “Các em xem bóng đá có thấy các cầu thủ chào cờ mà tay đặt lên ngực không. Cử chỉ nhỏ ấy chính là thể hiện tinh thần dân tộc, tinh thần yêu nước đấy. Các em hát Quốc ca tốt, chào cờ nghiêm túc cũng là đang thể hiện tinh thần yêu nước, tinh thần dân tộc”. Một tháng trời ròng rã, thầy trò chúng tôi đã thành công, ai cũng hài lòng sau mỗi buổi chào cờ đầu tuần.

Là học trò cũ, lại là đồng hương, thầy thường chia sẻ với tôi về những trăn trở đối với quê hương Yên Thành. Lâu lâu, thầy lại nhắc: “Quê mình phải làm gì đó để bứt phá. Cứ độc canh mãi cây lúa thì bao giờ mới thoát được nghèo”. Một hôm, thầy gọi tôi sang phòng nói với giọng rất nghiêm trọng: Thầy về quê mà buồn, mà đau cho dòng sông Dinh em ạ. Ngày trước, sông đẹp là thế, đôi bờ hiền hoà, tưới mát cho ruộng đồng bao nhiêu xã trong huyện, thế mà bây giờ sông đã gần chết, tiếc quá...”.

Đêm ấy, tôi thấy phòng thầy đỏ đèn đến sáng. Tuần sau, trên báo Nghệ An xuất hiện một bài phóng sự rõ hay: “Mơ một ngày sông Dinh...”. Một thời gian sau, thầy khoe với tôi: Bài báo có tác dụng rất lớn, đã có dự án cải tạo sông Dinh rồi...

Nhà khoa học ứng dụng


Lò vôi thầy Thịnh, lò thuỷ tinh thầy Thịnh... là những công trình mà thầy và học trò đã làm nên bằng cả tinh thần, trí tuệ nhiệt huyệt của tuổi thanh xuân. Ngày trước, người ta biết đến thầy Thịnh như là một kỹ sư hơn là một nhà giáo. Tốt nghiệp khoá I của Trường Đại học Khoa học tự nhiên, thầy được về Trường cấp III Huỳnh Thúc Kháng (Nghệ An) công tác. Từ những ngày đầu, thầy đã cùng với học sinh xây dựng các xưởng sản xuất thạch cao, thuỷ tinh... vừa để cho học trò có cơ hội thực hành vừa ứng dụng cho các nhà máy ở Vinh.

Nhà giáo Đặng Huy Kháng - học trò cũ của thầy - xúc động: “Thầy trò chúng tôi phải thức 3 đêm trắng mới có được một mẻ thuỷ tinh. Sướng quá, vì những chai, những lọ của mình chẳng thua kém gì sản phẩm của các HTX nối tiếng lúc bấy giờ”. Tiếp đó là thầy trò lại mày mò nghiên cứu và sản xuất thành công thuỷ tinh nước để làm keo dán gỗ - một sản phẩm rất hiếm, lúc ấy phải nhập khẩu từ nước ngoài.

Những năm miền Bắc phải thắt lưng buộc bụng, Nghệ An phấn đấu có nhiều cánh đồng đạt năng suất 5 tấn/hécta. Sức người không thiếu, nhưng ngặt nỗi lấy đâu ra nhiều vôi để khử chua cho đất. Thầy Thịnh lại xung phong nghiên cứu lò vôi liên hoàn. Thầy kể: “Có vị lãnh đạo không tin đã gạt phắt, nhà giáo thì làm sao mà xây được lò vôi”.

Thầy không nản, lại cộng thêm sự động viên của các ông Dương Văn Dật - Chủ tịch tỉnh, Nguyễn Bá Tờn - Chủ tịch huyện Yên Thành, nên chỉ sau một thời gian ngắn, lò vôi liên hoàn thầy Thịnh đã ra đời. Đêm vôi ra lò, thầy sướng quá mà khóc sưng cả mắt. Người đầu tiên thầy tặng cục vôi trắng chính là vị chủ tịch huyện đáng kính - Nguyễn Bá Tờn. “Tốt rồi, tốt rồi, có vôi là có lúa” - thầy diễn tả lại niềm vui của vị chủ tịch huyện.

Rồi cũng những năm tháng ấy, cả nước phải tằn tiện ximăng. Quê hương Yên Thành của thầy cũng vậy. Làm sao mà làm tốt thuỷ lợi đây, khi mà mương máng không có cống dẫn nước? Thế là sản phẩm vôi thuỷ - một vật liệu thay thế ximăng đã được thầy nghiên cứu và ứng dụng rộng rãi khắp huyện.

Tuổi thầy giờ đã cao, nhưng vẫn cứ say mê nghiên cứu. Nếu như ngày xưa là những công trình ứng dụng nức tiếng trong tỉnh, thì bây giờ, học trò của thầy lại được thuộc lòng những bài ca hoá học, được chơi mà học trên bàn cờ hoá học của thầy. Và các em lại đến trường với những bài giảng rất mới, say sưa với những buổi thí nghiệm ảo trên máy tính mà thầy vừa thiết kế xong. Thầy là thế, không chịu cũ, không chịu già về kiến thức...

Theo Phạm Việt Thắng / báo Lao Động


LBL_NEWERNAME
LBL_OLDERNAME