Người đàn ông “lang thang” cưu mang hàng chục trẻ khuyết tật

Chủ nhật, 22 Tháng 2 2009 16:49
In

“Năm 17 tuổi, tôi đã phải bỏ quê vào Sài Gòn kiếm sống. Tôi từng đi bụi, bán báo, bán vé số, từng bị đánh đập dã man. Tôi đã gặp nhiều mảnh đời bất hạnh. Từ ngày ấy, tôi luôn ao ước mình sẽ làm một điều gì đó”.
Dừng một lúc, chúng tôi thấy anh lại nhìn xa xăm vào khoảng không vô định như hồi tưởng lại thời gian anh thế chấp cả ngôi nhà của mình lấy tiền xây trung tâm dạy nghề cho người khuyết tật. Anh là Tạ Duy Sáu, giám đốc Trung tâm bảo trợ xã hội Hiền Lương, xã Thọ Thành, Yên Thành, Nghệ An.


Tuổi thơ gian khổ và lưu lạc

Chúng tôi đến Trung tâm bảo trợ xã hội Hiền Lương tại vào một buổi chiều chạng vạng.

Đón chúng tôi là một người đàn ông cao đậm, có nước da sạm nắng, một đôi mắt sáng, khuôn mặt rạng ngời và nụ cười hồn hậu. Cuộc trò chuyện rôm rả. Tôi được nghe những chia sẻ của anh về cuộc đời mình.

Sinh năm 1978, anh Tạ Duy Sáu mang trên vai cả một thời thơ ấu gian khổ. Là con út một gia đình thuần nông có 6 người con. Bố mẹ anh phải xoay trần để kiếm đủ bữa cơm cho 6 đứa con.

Tai họa ập đến khi lần lượt một anh rồi một chị của anh qua đời. Một thời gian sau, một người chị của anh tiếp tục bị liệt. Lúc này, kinh tế gia đình kiệt quệ, cha mẹ già yếu, anh Sáu không thể tiếp tục việc học hành, buộc phải lên đường kiếm việc mưu sinh.

Năm 1995, chàng trai 17 tuổi khoác tay nải vào Sài Gòn. “Tôi từng đi bụi, bán báo, bán vé số, từng bị đánh đập dã man. Tôi đã gặp nhiều mảnh đời bất hạnh. Từ ngày đó, tôi luôn ao ước mình sẽ làm một điều gì đó”, anh hồi tưởng lại.

Sau nhiều năm lưu lạc, chật vật lắm anh cũng chỉ kiếm đủ miếng ăn. Một hai lần về quê ít ỏi càng làm cho anh thấy buồn tủi về thân phận của mình. Rồi trong một cơn đau nặng, bố anh qua đời. Nhưng anh cũng không có đủ tiền về chịu tang cha.

 

Anh Sáu đang kể về sự sóng gió cuộc đời mà anh đã trải qua.



May mắn cho anh, một người con gái xuất hiện như một sự cứu rỗi cuộc đời anh. Chị cũng chỉ là một mảnh đời bất hạnh phiêu dạt, kiếm sống bằng nghề bán báo dạo, vì thế mà chị hiểu và thông cảm tận cùng với anh. Từ lâu anh ước mơ xây dựng một trung tâm từ thiện giúp đỡ những số phận đặc biệt. Anh mang tâm sự chia sẻ với chị, chị ủng hộ anh hết lòng.

Từ đó, chị Lê Thị Lương đã trở thành người vợ hiền yêu dấu của anh. Những ngày sau đó, hai vợ chồng anh chăm chỉ cày cục bất cứ công việc nặng nhọc nào để gom góp tiền về quê thực hiện ước mơ…

Ngày trở về

25 tuổi, anh về quê gom toàn bộ số tiền chắt chiu được trong ngần ấy năm đồng thời thế chấp toàn bộ ngôi nhà mình đang ở được 500 triệu đồng để xây trung tâm dạy nghề dành cho trẻ khuyết tật. Nhiều người cho rằng anh quá liều lĩnh, nhưng anh đều bỏ ngoài tai.

Với số tiền có được, anh chỉ xây dựng được phần nhà thô, còn chi phí nuôi nấng, dạy nghề cho các em thì không biết lấy đâu, đã có lúc anh định buông xuôi vì thấy quá mệt mỏi.

May mắn đến với vợ chồng anh khi nhiều người vì cảm động trước việc làm của vợ chồng anh đã tình nguyện chăm sóc, dạy nghề không công cho các cháu.

Bác Trần Đình Toàn - Phó giám đốc trung tâm là một tấm lòng như thế. Đi bộ đội trở về, là thương binh mất sức nhưng bác vẫn ngày ngày sát cánh bên anh Sáu chăm sóc các em. Hay bác Lê Duy Hiển, bị khiếm thị cả hai mắt nhưng vẫn dạy các em nghề làm hương.

Hiện tại, Trung tâm Hiền Lương đang cưu mang và dạy nghề 46 em, chủ yếu là khuyết tật, các em được dạy làm những công việc đơn giản như bó chổi đót, làm hương... Mỗi tháng ngoài nuôi ăn, trung tâm còn trả cho các em 300 nghìn đồng giúp gia đình.

Khó khăn vẫn chồng chất và những ước mơ

Hiện tại toàn bộ trung tâm được xây dựng trên mảnh đất khá chật hẹp của anh Tạ Duy Sáu, với những mảng tường dang dở. Bên trong ngôi nhà ấy thiếu thốn đủ thứ đồ sinh hoạt hàng ngày, đa số các em đều đứng ngồi, sinh hoạt dưới nền nhà.



 

Các em vẫn đang phải chịu cảnh sinh hoạt khó khăn khi cơ sở vật chất đang thiếu thốn.



Sau giờ học, vẫn còn 21 em phải về nhà. Anh Sáu trăn trở một điều là làm sao có tiền để mở rộng trung tâm đón nốt 21 em đó ở lại cho bớt nhọc nhằn.

Anh thủ thỉ với chúng tôi: “Tôi mong muốn nhận được sự phối hợp giúp đỡ của những tấm lòng nhân ái để hoàn thiện nốt công trình xây dựng còn đang dở, tiếp đến là mua sắm cơ sở vật chất phục vụ sinh hoạt cũng như học tập của các em”.

Những ngày đầu năm 2009, đại diện đoàn công tác báo Dân trí đã cùng bà Nguyễn Thị Nhàn - Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Thành trao 45 chiếc chăn ấm cho các em tại trung tâm, cùng những tờ báo Khuyến học & Dân trí. Cùng ngày, ông Phan Văn Lâm - Giám đốc Cty CP tư vấn đầu tư và thương mại Sông Hồng cho biết, hàng năm Cty của ông sẽ trích một phần kinh phí để giúp đỡ các em tại trung tâm này.

Theo Anh thế- Đô quốc/ Báo Dân trí

[Thảo luận trong diễn đàn]

 


LBL_RELATEDNAME
LBL_NEWERNAME
LBL_OLDERNAME