Hai “cánh cò” mồ côi / Một gia đình đang bị dồn vào tận cùng khốn khó

Thứ bảy, 28 Tháng 3 2009 02:21
In

Tai họa liên tiếp ập xuống gia đình ông Lương Văn Trinh ở khối 3 thị trấn Yên Thành (Nghệ An), đẩy gia đình đó đến tận cùng nỗi khổ đau và bất hạnh.


Cuộc sống gia đình ấy ngỡ như con thuyền rách giữa biển cả đầy giông bão. Nhưng, 3 chị em sinh ra trong gia đình ấy đã biết chèo lái con thuyền gia đình vượt qua những giông bão cuộc đời để học giỏi.

Họa vô đơn chí
Năm 1972, đang học dở lớp 10, Lương Văn Trinh gác bút nghiên tình nguyện xung phong lên đường tòng quân đi đánh Mĩ. Hết chiến tranh anh trở về kết duyên với chị Vũ Thị Hoa người cùng làng. Hai vợ chồng anh sinh được 4 người con.

Cuộc sống với mấy sào ruộng khoán tuy còn nhiều khó khăn vất vả nhưng nụ cười và hạnh phúc luôn đầy ắp trong căn nhà nhỏ. Thế rồi một lần đi làm ruộng, cơn tai biến mạch máu não quái ác đã lấy đi sinh mạng của anh. Do không chịu được cú sốc đó, chị Hoa ốm liệt giường hàng tháng trời và sau đó bị chứng tâm thần, suốt ngày la hét và cứ đi lang thang đầu đường xó chợ.

Tai họa và bất hạnh vẫn không chịu buông tha cho gia đình. Người con trai đầu Lương Văn Dinh đang đi làm thuê ở miền Nam nghe tin bố mất về chịu tang thì bị tai nạn giao thông chấn thương sọ não. Và rồi Dinh cũng bị chứng tâm thần.

Mỗi khi lên cơn là Dinh đánh đập 3 đứa em gái thậm tệ. Em Lương Thị Tuyết người con gái thứ 3 nói trong nước mắt: “3 chị em bị đánh đập suốt, trên người không còn chỗ nào là không bầm tím. Có lần em đang nấu cơm bị anh đá vào bụng ngã vào bếp ngất xỉu, may có con út về kịp lôi ra không thì chết cháy...”.

Bố mất, mẹ và anh trai bị tâm thần, hai ông bà đã ngoài 80 tuổi ốm yếu nằm một chỗ, 3 chị em Lương Thị Minh (1984), Lương Thị Tuyết (1990), Lương Thị Mỹ Hạnh (1996) đều trông cậy vào sự cưu mang của bà con xóm làng...
Lặn lội “thân cò”

Không thể sống nhờ hàng xóm mãi được, Lương Thị Minh lúc đó đang học cao đẳng kinh tế năm thứ nhất phải bỏ học đi rửa bát thuê ở thành phố để nuôi hai em ăn học.

Nhưng cũng chỉ được 1 năm thì bặt tin. “Không biết chị làm chi ở mô mà không gửi thư về. Bọn em lo lắm”. Nói đến đó Tuyết bật khóc nức nở. Vậy là không còn tiền chị gửi về Tuyết cũng định bỏ học để đi làm nuôi gia đình nhưng lòng ham học đã níu em ở lại. Những lúc không học ở lớp Tuyết đi cấy thuê, gặt thuê, ai thuê gì làm nấy.

Được chị hàng xóm bày cho công việc đi nhặt phế liệu. Vậy là với chiếc xe đạp cà tàng, Tuyết đi khắp nơi trong và ngoài huyện, bới từng đống rác, đi mọi ngõ ngách xóm làng để nhặt phế liệu như giấy, ve chai, sắt vụn... nhập cho đại lý. Lương Thị Mĩ Hạnh người bé tí nhưng hết giờ lên lớp là em lại ra đồng mò cua, bắt ốc, đi nhặt, gom phế liệu cùng chị.

Vừa đi học vừa đi làm kiếm từng đồng bạc lẻ vất vả và khó nhọc lắm rồi, nhưng khi về nhà hai chị em càng cơ cực hơn khi phải chăm sóc cho hai ông bà già nằm một chỗ từ đút cơm, vệ sinh... vì mọi sinh hoạt cá nhân, ông bà không thể tự làm được. Rồi phải chịu sự la hét suốt ngày của người mẹ tội nghiệp.

Lấp lánh cánh cò



Tuy lớn lên trong gia đình bất hạnh như thế, phải vừa học vừa làm để nuôi cả gia đình bệnh tật nhưng hai chị em Tuyết và Hạnh học rất giỏi. Lương Thị Tuyết từ lớp 1 đến nay (lớp 12 A1 lớp chọn Trường THPT Phan Đăng Lưu) luôn là học sinh tiên tiến xuất sắc và nhận được nhiều giải cao trong các kì thi học sinh giỏi huyện, tỉnh. Trong những ngày tháng cuộc đời đầy bão giông nhưng lực học của em vẫn không hề giảm sút mà càng ngày càng xuất sắc hơn.

Thầy giáo Đặng Trọng Minh chủ nhiệm lớp 12A1 cho biết: “Em Tuyết là học sinh ngoan, học giỏi toàn diện, nhưng nổi trội là môn Toán. Nếu có điều kiện chắc em còn tiến xa hơn nữa. Trong hoàn cảnh như vậy mà học như thế nghị lực của em thật phi thường. Nếu thi đại học em có thể đỗ bất cứ trường nào. Mấy năm làm chủ nhiệm tôi thấy em Tuyết là một trong những học trò xuất sắc”.

Còn Lương Thị Mĩ Hạnh hiện nay đang học lớp 7A Trường THCS Phan Đăng Lưu cũng là học sinh giỏi xuất sắc của trường.

Cô giáo Trần Thị Dung chủ nhiệm tâm sự: “Hạnh học giỏi nhất lớp, sống thân thiện với mọi người, không khi nào nói về mình".Khi chúng tôi đến ngôi nhà nhỏ tin hin, tường gạch lở lói nằm ở cuối xóm 3, cảnh tượng đập vào mắt thật thương tâm. Nơi chân bàn thờ một người đàn bà đầu tóc rũ rượi đang la hét, hết khóc rồi đến cười. Đó là mẹ của hai chị em Tuyết và Hạnh. Trên chiếc giường tre ọp ẹp ông nội Hạnh đang lên cơn hen suyễn rên hừ hừ. Hạnh xoa ngực cho ông còn Tuyết thì bón cháo. Lúc đó đã 12 giờ trưa mà Tuyết và Hạnh cũng chưa ăn cơm.

Chúng tôi xuống bếp chỉ thấy trong nồi mấy thìa cháo. Thì ra hai chị em thường xuyên ăn khoai, ăn sắn còn cơm thì nhường nhịn cho mẹ, cho ông.

Hôm nay cũng vậy chúng tôi thấy trong giỏ xe của hai chị em mấy củ khoai lang luộc. Đó là bữa ăn trưa của hai “cánh cò” mồ côi.

Chỉ nghỉ trưa một lát chăm sóc và vệ sinh cho mẹ và ông, hai chị em Tuyết và Hạnh lại đạp xe đi nhặt phế liệu. Nhìn hai em đạp xe trong trời mưa gió lạnh, chúng tôi cũng ngậm ngùi quay mặt không giám nhìn lâu.

Hiện nay cuộc sống của hai chị em hết sức bi đát nên ước mơ vào giảng đường đại học để trở thành bác sĩ là điều khó có thể thực hiện được.

Chúng tôi xin được ghi lại hoàn cảnh đáng thương của hai “cánh cò” mồ côi chuyển đến cộng đồng. Hy vọng lòng nhân ái của cộng đồng sẽ giúp cho hai em vơi bớt đi gánh nặng cuộc đời và thực hiện được ước mơ cao đẹp của mình.

Theo Tiến Dũng/ Báo Công an nghệ an

[Trao đổi trong diễn đàn]

Mọi sự giúp đỡ xin gửi về: Lương Thị Tuyết lớp 12A1 Trường THPT Phan Đăng Lưu - Thị trấn Yên Thành - Nghệ An, hoặc Lương Thị Mĩ Hạnh lớp 7A Trường THCS Phan Đăng Lưu - Thị trấn Yên Thành - Nghệ An.

 


 (TTTM) - Tôi nâng máy ảnh lên lại hạ máy xuống không sao chụp được vì nước mắt cứ trào ra nhoà đẫm trước một cảnh đời không thể tưởng tượng.Trên bàn thờ ngoài tấm ảnh không có lấy một gói kẹo, 2 cụ già nằm co ro trong cái lạnh thấu xương. Hai người điên lúc hú hét lúc cười răng rắc. Hai bé gái run rảy tái xanh, tái xám... Đó là hoàn cảnh gia đình CCB Lương Văn Trinh, xóm 3 Thị trấn Yên Thành (Nghệ An).

Ông Trinh nhập ngũ năm 1972, huân chương kháng chiến hạng 3, huân chương giải phóng miền nam. Sau ngày giải phóng được đơn vị cử đi học ở Liên Xô. Do đau đầu vì vết thương chiến tranh, năm 1979, anh phải xin về nước và bị tai biến mạch máu não mất năm 2004 để lại bố mẹ già và 4 người con thơ dại. Vợ anh là chị Vũ Thị Hoa là cô nuôi dạy trẻ, năm 1986 mất trí nhớ phải nghỉ việc.
Do không tiền thuốc thang, bệnh mỗi ngày một tăng đến nay bị tâm thần nặng cười nói suốt ngày. Cậu trai đầu Lương Văn Dinh sinh năm 1982 đang học đại học thì bố mất, mẹ tâm thần đành bỏ học về làm thuê nuôi em và ông bà nội. Do sức ép nhiều mặt, cậu trở nên điên dại lang thanh khắp nơi đập phá nhà cửa, đánh đập người thân rồi khóc hu hu.

 

Cụ ông Lương Văn Phúc, cụ bà Hoàng Văn Diên đều 87 tuổi bộ đội chống pháp nằm bệt một chỗ. Cô chị Lương Thị Minh (1984) đậu đại học kinh tế quốc dân đành bỏ học xiêu bạt làm thuê kiếm tháng vài ba trăm ngàn gửi về không dám nghĩ đến chuyện lập gia đình dù bao người dạm hỏi. Toàn bộ gánh nặng gồm 2 người điên, hai người già dồn vào đôi vai còm cỏi của hai cô con gái nhỏ. Tuyết (1990) liên tục là học sinh giỏi và hiện đang học lớp chọn của trường, Hạnh (1996) đang học lớp 7. Hai em mội buổi học, một buổi làm thuê cho quán ăn thị trấn. Chủ quán thương tình ngoài đồng lương ít ỏi còn cho dồn cơm cặn canh thừa mang về nuôi ông bà mẹ và anh. Diên cứ thấy 2 em là lao vào đánh đập cấu xé nên các em phải bí mật thuê 1 phòng tại thị trấn kiên gan học tập, quyết thực hiện ước mơ cháy bỏng: Thi vào đại học.
Trong ngày, ít khi 2 em được nghỉ. Sáng học xong, Hạnh lao đến chỗ làm thuê ngay. Tuyết lo nấu bữa ăn cho cả gia đình rồi bí mật lẻn mang về nhà và nhanh chóng rút êm. Tối, các em dồn thức ăn dư thừa của khách chờ cho Diên ngủ hẳn mới về đút cho ông bà ăn, thay quần áo cho 3 người rồi tập trung giặt dũ sau đó về tranh thủ chợp mắt một chút lại vùng dậy học bài cho đến sáng. Khổ nhất là đang làm việc bất ngờ Diên về, những cú đấm đá túi bụi tàn nhẫn cứ thế đổ xuống đầu làm 2 em thâm tím mặt mày, rách toạc thịt da, bầm dập chân tay, khắp nơi không chỗ nào trên cơ thể không có sẹo. Kiếm ra bát cơm đã khó, nhưng mỗi khi dỗ dành để cho mẹ ăn lại càng khó hơn. Khi thì bà đẩy ra không chịu, lúc lại đòi đút 4,5 thìa liền rồi phun tất cả lên mặt con mình. Nước canh, nước miếng, nước mắt hoà lẫn nhau chứa chan trên khuôn mặt hai học sinh gầy gò tiền tụy. 

Ông bà nội đã yếu không tự trở mình được nên 2 em phải tắm giặt, thay quần áo đổi tư thế nằm cho ông bà thường xuyên. Mùa rét các em nhóm một bếp than ở giữa giường nằm để ông bà được ấm. Lắm lúc đang tắm cho ông bà, người mẹ xông vào đổ úp cả thùng nước lên người. Nhiều khi, đang nhóm bếp than, cậu anh bất ngờ xông về đá tung vào mặt. Tết đến, trên quan tâm cho gạo cho bánh trái, bà con gúp đỡ đủ thứ nhưng thằng anh đã lừa tuốt xuống giếng, đập nát tan tành.... thật là những nổi khốn khổ tận cùng không bút nào tả xiết.

Theo Báo thông tin thương mại 

[Thảo luận trong diễn đàn]


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: