|
|
||
|
Ðiều Chỉnh | Xếp Bài |
#1
|
|||
|
|||
Mẹ bị suy tim nặng, cậu sinh viên năm 4 nguy cơ phải bỏ học
Ngôi nhà nhỏ tuềnh toàng của gia đình Thông nằm nép mình bên cánh đồng lúa, căn nhà như lạnh hơn khi những cơn gió rét tràn luồn qua tấm cửa sổ hở hoác nơi đặt chiếc giường để mẹ em nằm.
“Các bác sỹ ở Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) bảo tim mẹ em hiện giờ chỉ còn hoạt động được 20% nữa thôi, đặt máy trợ tim mới mong kéo dài sự sống nhưng tốn hết 200 triệu đồng, nhưng số tiền đó đối với gia đình em là quá lớn. Giờ nhìn mẹ tiều tụy nói không ra tiếng nữa, em thấy thương mẹ quá” – Ðó là lời tâm sự của em Nguyễn Văn Thông (SN 1990) ở xóm Phúc Trưởng, xã Đức Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An). Bà nằm đó bất động, với những tiếng thở khò khè khó nhọc và cái lạnh cũng khiến bà ho không ngớt. Thông ngồi bên mép giường, nắm chặt lấy bàn tay gầy gân guốc của mẹ em để sưởi ấm, đó là bà Trần Thị Thanh (54 tuổi). “Mẹ em bị bệnh tim đã 20 năm nay rồi, nhưng vì điều kiện gia đình khó khăn, lại phải lo cho các con cái ăn cái mặc nên dù có đau thì mẹ vẫn cứ gắng gượng để làm chứ không bao giờ dám đi viện khám bệnh” – Thông nói về bệnh tật của mẹ mình. Thông là con thứ 4 trong một gia đình có 4 anh chị em. Chị gái đầu là Nguyễn Thị Nga (SN 1983) thì bị tâm thần từ nhỏ, dù đã chạy chữa đủ đường nhưng bệnh tình không hề thuyên giảm. Những khi trái gió trở trời, chị cứ khóc lóc, kêu gào, rồi đập phá đồ đạc trong nhà. Gia đình đông con đã khó khăn thì bệnh tật của chị Nga lại làm cho gia đình khó khăn gấp bội, một mình bà Thanh gồng gánh mọi việc trong gia đình, làm việc suốt ngày những mong có cái ăn cái mặc và thuốc thang cho con bớt bệnh tật, nhưng rồi công sức của bà cũng chỉ như hạt muối giữa biển cả rộng lớn. Thương chị, thương mẹ nhưng rồi phận gái cũng phải đi lấy chồng, chị gái thứ 2 lấy chồng xa nên ít có dịp về thăm gia đình hơn chứ đừng nói là có thể giúp đỡ. Còn anh thứ 3 thì ở nhà đi phụ hồ. May mắn hơn các anh chị, Thông được bố mẹ lo cho ăn học và hiện giờ đang là sinh viên năm thứ 4 trường Học viện hành chính ở trong TP Hồ Chí Minh. Chồng bà Thanh trước cũng là thương binh nhưng mất sớm do bị ung thư dạ dày. Căn bệnh đó không chỉ đưa ông đi mãi mãi mà còn đè nặng lên đôi bờ vai của bà những khoản nợ cùng ông bà ngoại bị bại liệt và đàn con ngây dại. Thông rơm rớm nước mắt: “Tháng 10 vừa rồi, nghe tin mẹ ốm nặng phải nằm viện, em đã xin bảo lưu kết quả học tập của mình để về chăm sóc mẹ. Giờ mẹ nằm thoi thóp với tấm thân gầy khô, xanh xao như tàu lá, mấy hôm nay trời trở lạnh mẹ lại ho không ngớt, em thấy đau lòng lắm”. Theo kết luận của Bệnh viện Bạch Mai thì bà Thanh bị suy tim giai đoạn cuối, hở van hai lá, chức năng tim chỉ hoạt động được khoảng 20% nữa, cùng các bệnh lý liên quan đến phổi, dạ dày. Bác sỹ cho biết do tim quá yếu nên không thể mổ được, mà cần phải đặt máy trợ tim trị giá 200 triệu đồng. Đó thực sự là số tiền quá lớn mà gia đình Thông có làm đến cuối đời cũng không thể có được. Không còn cách nào khác, hai mẹ con đành lấy ít thuốc về cầm cự rồi bắt xe ra về. “Mẹ ơi, con biết mẹ đã chịu đựng nhiều đau khổ, nhưng mẹ hãy tin rằng cuộc đời vẫn còn những tia hy vọng”, Thông cố gắng động viên mẹ. Hiện giờ sức khỏe của bà ngày một yếu hơn, bà chỉ ăn được ít cháo loãng. Những cơn đau quằn quại khiến bà như ngừng thở cứ ngất đi ngất lại là gia đình lại ngược xuôi kiếm tiền để đưa bà đi bệnh viện. “Giờ trong nhà có thứ gì bán được thì cũng đã bán rồi, cho đến giờ số tiền nợ ngân hàng đã lên đến 50 triệu đồng không có khả năng trả nữa, có khi phải gán nhà mà trả thôi. Hiện chỉ còn ít gạo và rau trong vườn dành để nấu cháo cho mẹ ăn nữa thôi” – Thông nghẹn giọng nói. Bà Thanh nằm đấy nghe những lời con nói mà nước mắt cứ chảy dài, bà lại lên cơn tức ngực khó thở vì xúc động. Cố gắng nói ra những lời khó nhọc của lòng mình: “Thôi con ạ, cuộc đời mẹ khổ, mẹ không muốn để lại vất vả cho con nữa, con cố gắng học cho xong con ạ”. Nghe những lời đó nước mắt tôi cứ chực trào ra. Tác giả: Đức Chung Nguồn tin:Báo Công an Nghệ An |
Ðang đọc: 1 (0 thành viên và 1 khách) | |
|
|