|
|
||
|
Ðiều Chỉnh | Xếp Bài |
#1
|
||||
|
||||
[Gương sáng] Trần Ngọc Khánh: Người làm thay đổi nhiều số phận
Nổi lên trên báo đàn với những thiên phóng sự làm lay động lòng người và có tác động tích cực tới xã hội - Trần Ngọc Khánh được độc giả và báo giới biết đến như một nhà báo chuyên nghiệp có sức viết khoẻ, sắc sảo, có thần và có nghề… Nhưng những âm ba của cuộc sống đã khiến anh tạm thời gác bút, chuyên tâm nghề dạy học.Và thật không ngờ chính những năm tháng gác bút đó, Trần Ngọc Khánh lại tự trang bị cho mình được một khối lượng kiến thức không nhỏ về Nho học, văn học, lịch sử, triết học cùng với nhiều lĩnh vực khác. Không những vậy anh còn đi tiên phong trong phong trào khôi phục và chấn hưng văn hoá làng.
"Ông đồ” viết báo Tôi biết Trần Ngọc Khánh hơn 10 năm về trước, khi đó anh mới về dạy văn ở trường THCS Đô Thành (Yên Thành, Nghệ An). Ngày ấy Khánh khoẻ mạnh, đẹp trai, mái tóc quăn tự nhiên bồng bềnh trên vầng trán cao trông phong dáng rất hào hoa - vừa có dáng dấp một tri thức lại có nét lãng du kiêu bạc của nghệ sĩ. Khánh làm thơ, viết báo từ thời còn là sinh viên trường Cao đẳng Sư phạm Vinh. Cũng nhờ viết báo, làm thơ mà Khánh có tiền nhuận bút trang trải cho việc học hành chứ nhà Khánh nghèo lắm, cha mẹ ở nhà chỉ có mấy sào ruộng lại phải nuôi một đàn em ăn học. Ra trường (năm 1994) về đi dạy, Khánh vẫn theo đuổi nghiệp viết báo, làm thơ như một đam mê. Ngoài ra Khánh còn giỏi về thể thao, âm nhạc... Khánh đa tài, con gái đọc thơ đọc báo mến người tìm đến cũng lắm; nghe tiếng đàn, tiếng sáo theo đến cũng nhiều. Khánh là thần tượng của rất nhiều cô gái huyện lúa hồi đó. Đùng một cái Khánh cưới vợ. Cưới vợ xong, Khánh xin chuyển về một trường gần nhà - trường THCS Bảo Thành (xóm Vĩnh Tuy, xã Vĩnh Thành, huyện Yên Thành). Lấy nhau mới hơn năm, lại đùng một cái nghe tin Khánh và vợ đã ly hôn. Người vợ ra đi để lại đứa con gái còn đỏ hỏn cho Khánh. Một chiều đông mưa rây ảm đạm, Khánh và tôi ngồi bên quán cóc, trông Khánh tiều tuỵ gương mặt âu sầu: “Mình vào đời đã vấp ngã, cú ngã đau quá. Buồn lắm, buồn đến đổ bệnh”. Và Khánh bệnh thật, nằm liệt cả tháng trời. Rồi anh lại vùng dậy, lao vào công việc để quên đi nỗi buồn đời và làm tròn trách nhiệm với cha ***** con gái và học sinh. Buổi đi dạy, buổi anh giúp bố mẹ việc đồng áng; còn lại là đọc sách, làm thơ và viết báo. Những phóng sự xã hội của Trần Ngọc Khánh liên tục xuất hiện trên các báo, tạp chí địa phương và trung ương. Ông Trần Hồng Cơ - Tổng biên tập báo Lao động Nghệ An - thấy Khánh viết “nghề” quá đã đặc cách xin Khánh về báo năm 2000. Trở thành phóng viên, Khánh là người xông xáo đi bất kể nơi đâu không quản nguy hiểm, gian khó. Nhưng rồi lại chuyện gia đình khiến Khánh đành bỏ ngang nghiệp phóng viên. Con mang trọng bệnh, bố mẹ đau yếu luôn, Khánh đành trở về với nghề dạy học để có thời gian chăm sóc gia đình. Nhưng Khánh vẫn viết đều đặn. Anh nói: “Mình là giáo viên, không phải là nhà báo nhưng cuộc sống còn nhiều thân phận, nhiều cảnh đời trái ngang, nghèo khổ và bất hạnh nên thôi thúc mình cầm bút. Mình mong sao cho họ vơi đi phần nào nỗi thống khổ và bất hạnh của một kiếp người”. Đồng cảm sâu sắc với những phận đời bất hạnh, Khánh đã làm nên những phóng sự làm lay động lòng người và có tác động tích cực với xã hội. Phóng sự “Tiếng kêu cứu của một gia đình nhiễm độc thuốc trừ sâu” viết về gia đình ông Trần Duy Hới ở Vĩnh Thành, cả mấy đứa con đều bị di hoạ của thuốc trừ sâu. Đại gia đình ấy đang tột cùng của sự bất hạnh và thống khổ thì phép mầu nhiệm từ bài báo đó xuất hiện. Từ tấm lòng hảo tâm cả nước, gia đình ông Hới nhận được hơn 50 triệu đồng tiền ủng hộ. Phóng sự “Người đàn bà dưới chân núi Thung Sơn” viết về một cựu TNXP bị quên lãng, có cuộc sống vô cùng khốn khổ, đăng trên Lao Động năm 2001 cũng đã có hồi âm đáng mừng. Người đàn bà ấy được chính quyền địa phương xây cho nhà tình nghĩa, được bạn đọc ủng hộ tiền và quà. Phóng sự “Xóm không chồng” viết về những nữ cựu chiến binh đã gửi lại tuổi xuân nơi chiến trường, trở về thì đã quá lứa lỡ thì. Nhưng thiên chức làm mẹ bất diệt đã thôi thúc họ phải sinh được một đứa con, bất chấp ánh mắt soi mói, thị phi của người đời. Một chị tiên phong ra doi cát biệt lập ở rìa làng dựng lều sinh con. Những người cùng cảnh cũng làm theo, tạo nên một quần cư làng không chồng với cuộc sống nghèo khổ và mang nhiều uẩn khúc xót xa. Sau khi báo Tin Tức đăng phóng sự này, một làn sóng từ thiện trong và ngoài nước đã được dấy lên, dành cho “làng không chồng” (hay còn gọi là làng lòi). Làng được tài trợ nhiều về tiền bạc để xây dựng trường học, ủng hộ cho từng hộ gia đình để xây nhà kiên cố ổn định cuộc sống… Bà con ở xã Vĩnh Thành và bạn bè đồng nghiệp đều gọi Trần Ngọc Khánh là “Người làm thay đổi số phận nhiều người”. Bởi những bài báo của anh đã cứu giúp được nhiều thân phận, nhiều gia đình bất hạnh ngỡ như không lối thoát ấy qua cơn hoạn nạn. Tài năng của Trần Ngọc Khánh đã được xã hội ghi nhận. Tính từ năm 1999 - 2007, anh liên tục gặt hái được 20 giải báo chí trung ương. Năm 2003 thực sự là cơn mưa giải với anh. Khánh ẵm 5 giải, trong đó có 2 giải nhất, một giải nhì và hai giải ba. Giải nhất báo Tiền Phong cuộc thi phóng sự Vì sức khoẻ và cuộc sống của bạn với tác phẩm “Chuyện một xã nghèo có 7 cái nghĩa địa”. Chùm phóng sự viết về môi trường đoạt giải nhất và một truyện ngắn đạt giải nhì cùng một cuộc thi viết về môi trường do Đại học quốc gia Hà Nội kết hợp với tổ chức phục hồi rừng ngập mặn Nhật Bản tổ chức. Giải 3 cuộc thi phóng sự báo Lao Động với tác Phẩm “Kì tích xứ cửa truông”. Giải ba cuộc thi phóng sự do báo Tin Tức tổ chức với tác phẩm “Xóm không chồng”. Đang thành công trên con đường viết báo, bỗng nhiên Trần Ngọc Khánh im hơi lặng tiếng. Dừng lại để đi tiếp Mồng 2 tết Mậu Tý vừa qua, tôi mới có dịp về Vĩnh Thành thăm Trần Ngọc Khánh. Nhà Khánh vẫn như xưa. Ngôi nhà ngói 3 gian nhỏ xinh nằm dưới chân lèn, mặt huớng về hồ Vĩnh Tuy lao xao sóng. Ngôi nhà nhỏ nhưng không khí thật ấp áp và tràn ngập niềm vui. Học trò của Khánh đến chúc tết thầy rất đông, trong đó có nhiều đoàn học sinh PTTH, những cô cậu học trò đang học đại học hay đã ra trường đi làm việc trên mọi miền đất nước. Đó là niềm hạnh phúc và là niềm tự hào của cuộc đời nhà giáo mà không phải ai cũng có được. Khánh tâm sự: “Càng ngày chất lượng giáo dục đòi hỏi càng cao nên mình phải đi học lên đại học để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, thời gian đi học chẳng làm được việc gì mà tốn tiền lắm, phải vay mượn khắp nơi. Học xong thì lo dựng vợ, gả chồng cho hai đứa em và còn phải chăm chút cho đứa con nữa, nó thiếu thốn tình cảm người mẹ. Thế nên mình không còn thời gian mà đi viết”. Lâu rồi không gặp, bây giờ trông Khánh già dặn và điềm đạm hơn trước rất nhiều, cách ăn nói và dáng dấp như một ông đồ nho. Qua tiếp xúc, tôi giật mình vì tầm hiểu biết về mọi lĩnh vực của Khánh rất sâu rộng. Thì ra những năm tháng tạm gác bút, tuy bận bịu nhiều việc nhưng Khánh vẫn tự tìm tòi, học hỏi được rất nhiều kiến thức về Nho học, văn học, lịch sử , triết học cùng với nhiều lĩnh vực khác. Trong nhà Khánh không biết cơ man nào là sách, từ cổ chí kim, như một thư viện thu nhỏ. Nguyễn Văn, sinh viên Đại học Tổng Hợp Hà Nội năm cuối tâm sự: “Thầy Khánh là một pho từ điển sống, nhiều lĩnh vực kiến thức em không biết đến hỏi thầy Khánh là giải đáp được liền”. Khánh nói: “Làm người thầy giáo trong thời đại mới phải trang bị cho mình về kiến thức, không những kiến thức trong giáo trình mà nhiều lĩnh vực khác. Trách nhiệm của một người thầy giáo đã bắt buộc mình phải học”. Không những là người thầy giáo giỏi, viết báo hay mà Khánh còn đi tiên phong trong phong trào khôi phục và chấn hưng văn hoá làng. Chứng kiến những thắng cảnh, những giá trị văn hoá phi vật thể mang nhiều huyền tích và ý nghĩa của làng bị mai một, bị con người tàn phá, Khánh đã từng bước tác động tích cực với chính quyền và bà con trong làng. Ai cũng ủng hộ việc làm này và bắt tay vào hành động: Ngăn chặn kịp thời nạn phá lèn Vĩnh Tuy lấy đá, làm ô nhiễm hồ; khôi phục lại tuồng làng, cổng làng, đền Cố Đá;… Cụ Trần Long, một nhà nho có tiếng của huyện Yên thành, chia sẻ: “Thầy Khánh tuổi trẻ nhưng kiến thức sâu rộng lắm, thầy dạy giỏi và đã làm được nhiều việc tốt, việc thiện cho đời, cho mọi người. Không riêng gì bà con trong xã mà các thế hệ phụ huynh học sinh Trường THCS Bảo Thành đều rất quý mến thầy. Điều đặc biệt là thầy Khánh đã tìm lại những nét xưa, lấy lại hồn vía cho làng”. Bây giờ đã lại thấy tên Khánh xuất hiện trên mặt báo: viết phóng sự, truyện ngắn, làm thơ và tiểu thuyết. Hình như nghiệp viết đã ăn vào máu của anh không gì dứt ra được. Cuốn tiểu thuyết “Làng lòi” của Khánh đã sắp xong. Chia tay Trần Ngọc Khánh trong nắng hè đầy tiếng chim hót, tôi thầm khâm phục và chúc cho thiên tiểu thuyết của anh sớm được trình làng. Tôi tin trong tương lai, Khánh còn làm được nhiều việc có ích cho đời, cho xã hội. Theo Tiến Dũng/Dân Trí |
Ðang đọc: 1 (0 thành viên và 1 khách) | |
|
|
Chủ đề liên quan | ||||
Ðề tài | Người Gửi | Chuyên mục | Trả lời | Bài mới |
[THPT Phan Đăng Lưu] Thầy hiệu trưởng mới: Nguyễn Trọng Hùng và nhiều thay đổi | vinaone9x | Đồng môn các trường gặp lại nhau | 61 | 30-03-2010 08:05 PM |
Nhiều hình thức làm theo tấm gương Hồ Chí Minh | ngoanhtuan | Thông tin quê hương | 0 | 11-04-2009 05:58 AM |
[Gương sáng] Nguyễn Xuân Thủy-Làm giàu từ hai bàn tay trắng | MrChu | Danh nhân, gương sáng trên quê hương | 0 | 08-10-2008 11:21 PM |