»» Diễn đàn Người Yên Thành được xây dựng để tạo một gặp gỡ online cho tuổi trẻ Yên Thành, xa quê cũng như đang ở nhà. Mục đích chính là giúp mọi người hiểu biết thêm về Yên Thành, thêm yêu Yên Thành hơn, cũng như để anh chị em ở xa vơi đi phần nào nỗi nhớ nhà
»» Diễn đàn hiện nay mới đang trong thời gian thử nghiệm và phát triền nội dung, vì vậy rất cần sự đóng góp tài liệu, bài vở và ý kiến từ anh chị em và các bạn. »>Nhấn vào đây để bắt đầu tham gia và đóng góp
Diễn đàn đã ngưng hoạt động từ lâu.
Anh chị em có nhu cầu kết nối có thể tham gia group Yên Thành & những người thân trên Facebook.
Sinh năm 1930 ở Nhân Thành (Yên Thành), năm 1950 bác Nguyễn Văn Khoa lên đường nhập ngũ được phân về Đại đội 311, trung đoàn 151, đoàn 351- Sư đoàn công pháo. Nhiệm vụ của đại đội bác là đánh bộc phá mở đường. Bác từng tham gia chiến dịch Hòa Bình, chiến dịch Tây Bắc, chiến dịch Biên giới. Nhưng với bác, kỷ niệm đáng nhớ nhất trong quãng đời quân nhân của mình là được tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ.
Trong chiến dịch Điện Biên Phủ đơn vị bác được giao nhiệm vụ trinh sát, nắm vững các đợt ném bom của địch, số lượng máy bay, số lượng bom chúng thả xuống, số lượng bom nổ...Một hôm đang làm nhiệm vụ thì bác được lệnh cấp trên rút về nhận nhiệm vụ mới. Là bí mật quân sự nên lúc đó anh em cũng không biết được mình sắp nhận nhiệm vụ gì. Bác được bổ sung vào tiểu đoàn 11 người. "Lúc ấy tôi thực sự lo lắng và hồi hộp. Trong số 11 người ấy, người thì cán bộ trung đội, tiểu đội, người thì chiến sỹ thi đua của Trung đoàn, chỉ có mình là anh lính công binh "xoàng", sao lại vinh dự được phân cùng nhiệm vụ. Không biết mình sẽ được giao nhiệm vụ gì đây? Được lệnh nghỉ lại một đêm lấy sức nhưng tôi thao thức không tài nào ngủ được..." Bác kể lại: Sáng đó, sau khi ăn sáng xong, bác cùng anh em nhận cơm nắm, vũ khí, quân trang lên đường nhận nhiệm vụ. Bác cùng đồng đội được giao nhiệm vụ đào hầm xuyên núi, vận chuyển 1000kg thuốc nổ vào đồi A1 phá tan công sự, diệt ổ phòng ngự của địch, tạo thời cơ cho bộ binh chiếm được các điểm cao, khống chế khu vực, tổng tấn công vào hầm chỉ huy của tướng Đờ-cát, tiêu diệt toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.
Từ ngày 1/05, quân ta đã bước vào tổng công kích đợt 3, ta đã hoàn toàn làm chủ các cao điểm C1, 311A, 311B, nhưng đồi A1- điểm chốt chặn sinh tử trên đường từ hướng Đông vào Sở chỉ huy Mường Thanh của tướng Đờ-Cát vẫn còn đó. A1 là cứ điểm quan trọng bậc nhất trong hệ thống phòng tuyến, tại đây địch bố trí nhiều binh lực, hỏa lực mạnh, có công sự, trận địa kiên cố. 4 ngày chúng ta chiến đấu giành đồi A1 đã có đến 3 trung đoàn với 1200 chiến sỹ đã phải ngã xuống. Do đó, nhiệm vụ của các chiến sỹ công binh lần này hết sức nặng nề. Phải đào hầm xuyên núi, lại sát hầm chỉ huy của địch, hầm lại sâu và thiếu không khí, công việc rất khó khăn. "56 ngày đêm ròng rã, anh em chúng tôi ăn cơm nắm, muối rang, đào hầm trong bóng tối. Những hôm đó trời lại mưa dầm dề, hầm ngập nước, bùn đất nhão nhoét, hơi đất xông lên nồng nặc, nhiều đồng chí bị ngạt thở, phải đưa ra khỏi hầm hà hơi. 56 ngày đêm, không nhìn thấy ánh mặt trời, không tắm giặt, chỉ đào, bớimong hoàn thành nhiệm vụ để được nhảy xuống sông Nậm Rốm tắm một trận. Và rồi bao vất vả, gian lao cũng được đền đáp xứng đáng. Tin vui nối tiếp tin vui. Tướng Đờ-cát bị bắt, quân ta toàn thắng. Đang nằm trong hầm, ở vị trí chiến đấu thì nghe tiếng hô to: "Bắt sống Đờ-cát rồi! Giải phóng Điện Biên Phủ rồi! Chúng ta chiến thắng rồi, các đồng chí ơi!..." Chúng tôi nhảy ra khỏi hầm, ôm chầm lấy nhau, nắm chặt tay nhau, hô vang "Chiến thắng" trong niềm hạnh phúc bất tận. Sau gần 2 tháng trời, chúng tôi mới được nhìn thấy ánh sáng, mới được hít thở bầu không khí trong lành. Và hạnh phúc hơn hết là được đứng dưới bầu trời tự do."
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, bác Khoa được chuyển về bộ binh huấn luyện, sau đó được điều về chiến trường miền Nam, tham gia chiến dịch Mậu Thân 1968, chiến đấu ở chiến trường Đông Nam bộ. Năm 1969, làm trợ lý công binh Bộ tư lệnh 350. Đến năm 1971 bác nghỉ hưu.
Tham gia hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, bác đã cống hiến trọn cuộc đời mình cho công cuộc giải phóng dân tộc, bác vinh dự được tặng thưởng Huân Chương kháng chiến hạng Nhất; Huân chương chiến sỹ vẻ vang hạng Nhất, Nhì, Ba; Huân chương Quân giải phóng hạng Ba; huy hiệu Chiến sỹ Điện Biên, huy hiệu 50 năm tuổi Đảng.