Cha có biết rằng: con luôn tự hào về Cha!

In
Đánh giá:  / 13      Bình thườngTuyệt vời 

Tan sở chiều nay tôi trở về xóm trọ bình yên như mọi ngày. Nằm nhoài lên giường tận hưởng niềm vui của một ngày làm việc hiệu quả. Trong yên ắng của buổi chiều tàn, bất chợt từ phòng nào đó phát ra bản nhạc “cả cuộc đời cha đi bộ đội, quà về cho mẹ là mái tóc pha sương và những vết thương trên ngực cha, cứ trở gió lại đau nhức nhối…” Bài hát giành tặng những người mẹ có chồng trở về sau chiến tranh không còn nguyên vẹn nhưng lúc này đây nghe bản nhạc này tôi lại nhớ cha tôi nơi quê nhà kinh khủng, nhớ lắm, nhớ lắm… và cứ thế lăn theo dòng nước mắt tuôn trào tôi đã nghĩ về cha với những kỷ niệm và nỗi niềm xúc động nhất.

 

Trở về từ Trường Sơn sau gần chục năm trời chiến đấu cha cưới mẹ rồi cần mẫn làm ăn nơi quê nhà, sinh được bốn anh em tôi đều ngoan và học giỏi nhưng khổ nỗi mẹ tôi đau ốm luôn chạy chữa hết viện huyện rồi lên tỉnh rồi ra trung ương cuối cùng mẹ cũng đỡ nhưng đó cũng là lúc tôi biết cha đã kiệt sức. Có ai hiểu được rằng một mình cha chạy vạy để 4 đứa con không đứa nào phải nghỉ học, vừa phải lo thuốc thang chữa bệnh cho mẹ. Cả gia đình không ai có lấy một đồng lương, thu nhập cả gia đình chỉ nhờ vào mấy sào ruộng. Rảnh rỗi mùa vụ cha lại lặn lội lên rừng kiếm thêm thu nhập. Một ngày của cha bắt đầu từ chưa sáng cho đến tối mịt. Bà con trong xóm ai cũng trầm trồ: “cái thằng chịu khó thật !” Khỏe là thế nhưng mỗi khi trái gió trở trời cha lại lên cơn đau ở các khớp, mẫn ngứa hoành hành da thịt. Đi khám thì bác sĩ bảo bị ảnh hưởng di chứng chất độc da cam. Mọi người khuyên làm đơn lên chính quyền xem có được chế độ gì cho đỡ phần nào nhưng cha một mực gạt đi: “Bao nhiêu người đều bị giống như mình, nếu làm đơn cả thì nhà nước biết xét cho ai, thôi giờ còn sức thì gắng làm, phần đó để cho đồng đội không thể lao động được nữa”. Nói vậy nhưng tôi biết cha cũng buồn về hoàn cảnh gia đình lắm.

Hình minh họaHình minh họa

Vừa rồi trên xã có đưa tin về chính sách chi trả một lần của nhà nước cho những người tham gia kháng chiến. Thấy cha hăm hở tôi hỏi: nếu nhận được tiền ấy cha tính làm gì nào? Cha trả lời ngay: “cha sẽ mua cho mẹ mày đôi bông tai, bù cho ngày cưới mẹ cha chẳng có lấy một món quà, cha thương mẹ mày lắm”. Thấy vẻ mặt cha thoáng buồn tôi nén nỗi xúc động. Những giá trị vật chất ấy tuy nhỏ nhưng tôi biết cha trân trọng lắm. Mỗi kỷ vật Trường Sơn từ tấm huy hiệu, tấm hình, bài thơ, bài hát…cha đều gắng giữ gìn cẩn thận.

Bây giờ đây khi anh em tôi đều đã học xong nhưng những khó khăn vất vả thì vẫn còn đó: chưa đứa nào có việc ổn định, nợ nần ngày trước đọng lại còn nhiều, mẹ vẫn còn đau ốm luôn…Nhìn mái tóc của cha bạc trắng tôi hốt hoảng vì cha đã già thật rồi mà mình chưa thể làm gì để phụ giúp cùng cha. Lúc này đây nằm nghĩ về cha mà trong tôi dấy lên một tình yêu thương khó tả. Tôi cầu cha hãy khỏe mạnh và sống thật lâu để tôi còn có cơ hội bù đắp cho cha những tháng ngày dài vất vã, khốn khó.

Viết những dòng này cho báo điện tử Yên Thành, nơi quê hương yêu dấu, nơi cha mẹ yêu quý của tôi đang ngày đêm bươn chải với khó khăn  tôi chỉ có một mong muốn nhỏ nhoi, một cơ hội để gửi đến cha già của tôi nơi quê nhà một tiếng lòng trân trọng và yêu mến nhất: con luôn tự hào về cha, về những năm tháng cha chiến đấu ở chiến trường cũng như lao động nơi quê nhà. Ngày 30-4 gần tới con biết cha lại xúc động về những kỷ niệm với các đồng đội và chiến trường xưa, cha hãy biết rằng ở nơi xa này con gái của cha lại xúc động về cha vì điều ấy!

Trần Thị Quế
Trung tâm tin học và thông tin. Sở khoa học–Công nghệ Đồng Nai.
260 Phạm Văn Thuận, p Thống Nhất, Tp Biên Hòa
ĐT: O982 994 374

Theo YenThanh.Net

 


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: