Trang chủ Tin tức quê nhà Văn hoá - Thể thao Không thể giải tán trường THCS Hoa Thành

Không thể giải tán trường THCS Hoa Thành

Email In

Trường học cũ của tôi xưa là trường cấp II Lê Doãn Nhà huyện YênThành, nay là trường THCS Hoa Thành. Mấy chục năm xa quê, tôi vẫn theo dõi, biết được trường THCS Hoa Thành là trường trọng điểm,  luôn là lá cờ đầu trong phong trào giáo dục của huyện.Tết vừa rồi về quê, tôi bàng hoàng biết tin trường cũ của tôi sắp bị giải thể.

Hay tin, bỗng dưng, bao ký ức đẹp đẽ tuổi học trò ấu thơ, về mái trường  xưa, về mảnh đất Tràng Thành xưa, mảnh đất được xem như là cái hồn cốt, cái nôi của sự học Yên Thành, tái hiện trong tôi nghe như râm ran trong sợi dây máu thịt.

Yên Thành quê tôi xưa “gạo trắng nước trong” người nông dân quanh năm chí thú ruộng vườn, còn cái việc học hành giao lưu văn hoá thì chỉ có vài vùng trong đó có đất Tràng Thành, nay là xã Hoa Thành. Nói đến việc học là nói đến Tràng Thành.

Dưới thời Pháp thuộc, cả huyện Yên Thành chỉ có 1 trường tiểu học (cấp 1) đóng ở Huyện Lỵ (xã Hợp Thành ngày nay). Học lên Trung học, gia đình nào có khả năng thì cho con thi vào học trường Côn –Le (Collège) ở Vinh. Vào những ngày đầu của nước Việt Nam dân chủ Cộng Hoà, để phục vụ cho con em học lên lớp trên, một số các vị nhân sỹ, trí thức xưa có tâm huyết ở đất Tràng Thành và các xã, huyện lân cận đã họp bàn nhau việc mở trường Trung học. Trong đó đứng đầu là cụ Chu Thiện (Cụ Tú Chu – Thân phụ của nhà cách mạng Chu Văn Biên – Nguyên bí thư khu uỷ khu IV cũ), ở xóm Chu trạc (Tràng Thành), Cụ Phan Lô (người làng Yên Nhân, xã Nhân Thành), cụ Hoàng Đức Thi (Diễn Châu).vv… Được sự nhất trí của Đảng và Chính quyền địa phương năm 1947, trường Trung học duy nhất đầu tiên của huyện Yên Thành, lấy tên là Trường trung học Lê Doãn Nhã. Cụ Phan Lô (Còn gọi là cụ Đốc Lô - Nguyên là Tổng thanh tra giáo dục An + Tỉnh cũ) được cử làm Hiệu trưởng.Vị hiệu trưởng kế tiếp là cụ Hoàng Đức Thi, rồi đến thầy Bùi Trù (Tú tài, người Hải Phòng)… Khi mới thành lập, chương trình học vẫn theo hệ thống Trung học cũ (Bốn năm: Đệ nhị, đệ tam, đệ tứ). Nội dung học vẫn học cả tiếng Anh, tiếng Pháp. Đến thời kỳ thầy Bùi Trù làm Hiệu trưởng, hệ thống giáo dục đổi mới, đổi thành cấp II (Ba năm: Lớp 5, lớp 6, lớp 7, vẫn còn học cả tiếng Anh, tiếng Pháp) và trường chính thức mang tên: Trường cấp II Lê Doãn Nhã huyện Yên Thành.

Trường cấp II Lê Doãn Nhã xưa đóng tại đình Bảo Lâm, làng Tràng Thành, một ngôi đình thật quy mô, hoành tráng (nếu còn giữ lại được thì bây giờ sẽ là một di tích văn hoá, chính trị có giá trị). Có thượng điện, tả, hữu vụ điện, sân đình rộng rãi, cổng đình có hai cột thậu lậu to cao xây bằng sò, kiến trúc tinh xảo, trang trí hoa văn hết sức công phu đẹp đẽ, tượng trưng cho sự uy nghiêm, linh thiêng của đền. Trước cổng đình có cây gạo cao ngất, xum xuê, bao quanh đình là cả một rừng cây, nơi hóng mát, vui chơi cho học sinh vào những ngày hè nóng bỏng, văn nghệ, cắm trại, lửa trại khi có lễ hội. Chạy ngang qua trước mặt là đường tỉnh lộ 38 (ngày nay tỉnh lộ 38 đã được uốn thẳng nên trường lùi vào phía trong). Thời chống Pháp, máy bay giặc thường bay theo trục đường 38, ném bom, bắn phá, nên trường sơ tán sang Đền Cả, và phân tán vào học trong nhà thờ các dòng họ. Đền cả nay vẫn còn, Đền Thánh nay đã mất.

Trường THCS Hoa ThànhTrường THCS Hoa Thành

Những ngày đầu trường thành lập, các thầy giáo (có những vị chưa từng làm thầy giáo) có trình độ học vấn cao, có tiếng tăm trong huyện và nhiều địa phương khác đã về đây giảng dạy như: Giáo sư Phan Ngọc (Tú tài – Nhân Thành) dạy tiếng Anh, văn học; thầy Phan Dương (một trong hai cử nhân văn khoa của Nghệ An thời Pháp – Hợp Thành) dạy văn, tiếng anh; Thầy Phan Đăng Dương (em ruột nhà cách mạng Phan Đăng Lưu) dạy tiếng anh; Giáo sư Đặng Văn Phú (Diễn Châu) dạy sinh vật; Nhà văn Nguyễn Kiên (người Huế); Thầy Lưu Trọng Thuỳ (Nhà thơ, người Huế); Thầy TrầnViết Cam (Thanh Chương) dạy văn; Cô Thái Thị Hoà dạy pháp văn; Thầy Lương Thế Trác (Diễn Châu – Tú tài toán); Thầy Nguyễn Cảnh Đính (Đô Lương –Tú tài toán); Thầy Trần Đình Việt Nguyệt (Mã Thành tú tài toán) .vv…

Trường cấp II Lê Doãn Nhã Yên Thành hồi đó thật đẹp, thật thịnh vượng và mau chóng phát triển. Ngoài học trò trong huyện có đông đảo học trò ở các huyện bạn: Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Diễn Thái, Diễn Đồng, thậm chí có nơi xa hàng chục cây số như học sinh ở Diễn Vạn, Diễn Phong… nghe tiếng tăm của trường cũng về đây ở trọ để học. Vì học sinh hội tụ về đây quá đông nên một thời gian sau, bên cạnh trường công đã xây dựng thêm trường Tư Thục Phan Chu Trinh.

Trường Cấp II Lê Doãn Nhã, Chính là mái trường đã đào tạo nên bao thế hệ học trò ưu tú: Ông Nguyễn Cảnh Dinh – Nguyên bộ trưởng bộ Thuỷ Lợi – Nguyên chủ nhiệm văn phòng-Chủ tịch nước; GS-TS Phan Đăng Nhật - Nguyên Viện trưởng viện văn học dân gian Việt Nam, giải thưởng nhà nước về trường ca tây nguyên, nhạc sỹ Hồng Đăng – Nguyên tổng bí thư hội nhạc sỹ Việt Nam, giải thưởng nhà nước về âm nhạc. GS – TS y học; Nhà giáo nhân dân Phan Sỹ An – Nguyên chủ tịch hội y học phóng xạ Việt Nam, nhà thơ Phan Xuân Đạt… và hàng trăm nhà văn, nhà khoa học, nhà giáo danh tiếng đang hoạt động ở khắp mọi miền đất nước. Không chỉ thế, nhà trường còn tạo ra một thế hệ thanh niên có hoài bảo lớn, sục sôi yêu nước. Cũng chính từ mái trường này theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ Quốc, các anh học sinh lớp đệ tam đã “xếp bút nghiên theo việc đao cung”, lên đường tòng quân chống pháp, gia nhập trường lục quân Trần Quốc Tuấn của Thiếu tướng Nguyễn Sơn.

Được tạo hoá ưu ái. Con Sông Dinh, Sông Vẹn, Rào Chu Trạc quanh năm được nước vỗ bờ, hiền hoà, trong xanh, như đem dòng sữa mát lành nuôi dưỡng làng Tràng Thành, tạo nên một vùng đất hoa hạ (tốt đẹp), với đồng xanh bát ngát và như để mài mực cho con cháu học hành, có chí khí, hiến dâng cho đất nước. Các cụ Tràng Thành xưa trong tâm thức cho là như thế và vẫn tự hào quê mình là đất văn chương, đất cách mạng. Từ ngày dựng nước đến nay, triều đại nào Tràng Thành cũng có người đỗ đạt thành danh. Từ thế kỷ XVI trở về sau, Tràng Thành là làng khoa bảng thơm lừng: Cụ Thám hoa Phan Duy Thực (1546), 2 tiến sỹ đệ nhất giáp Phan Tất Thông (1554) và Phan Hưng Tạo (1650). Cụ và Chắt đều trúng đại khoa, được khắc tên bia đá ở Văn Miếu Quốc Tử Giám Thăng Long – Hà Nội. Đến đầu thế kỷ thứ XX, những năm cuối của nên hán học cũ vẫn có 2 cử nhân: Cụ Tố, Cụ Tế và 3 tú tài. Trước cách mạng tháng 8, đất Tràng Thành chính là nơi đã sinh cử nhân Chu Trạc, một lãnh tụ của phong trào cần vương và đỉnh cao vinh quang của đất Tràng Thành là đã sinh ra nhà trí thức Cách mạng Phan Đăng Lưu, vị lãnh tụ cao cấp của Đảng, vì độc lập tự do của dân tộc, đã hy sinh ở tuổi đời 39.

Truyền thống hiếu học của xã Hoa Thành như đã thấm sâu vào đường gân thớ  thịt của người dân. Chăm lo xây dựng trường lớp,  tạo mọi điều kiện tốt nhất cho con em học tốt, học giỏi. Cách đây chục năm, Tràng thành chính là nơi nhân dân đã sinh ra hình thức “Tiếng kẻng học bài” ban đêm cứ đến 7 giờ tối, nghe tiếng kẻng của xóm là con em phải ngồi vào bàn học bài. Các cụ phụ huynh phân công nhau cầm đèn dâu hoả đến tận từng nhà để kiểm tra (việc làm mà bấy giờ gọi là đề tài khoa học, một đơn vị giáo dục ở huyện Anh Sơn vừa được nhận giải thưởng khoa học công nghệ của Nghệ An năm 2008). Ngày nay, nếu có điều kiện thống kê về trình độ học vấn của dân Hoa Thành sẽ thấy ở vùng đất học này, có gần đến 100% gia đình có ít nhất 1 người con cháu có trình độ đại học, cao đẳng. Thờĩ xa xưa, cũng như hiện đại,  thành tích học tập của nhân dân Hoa Thành luôn nở rộ hoa. Trường THCS Hoa Thành (trước khi chưa có tin đồn trường bị giải tán) luôn nâng cao ngọn cờ truyền thống, là trường trọng điểm, là lá cờ đầu trong phong trào giáo dục của huyện, được các cấp lãnh đạo cấp trên quan tâm.

Một vùng quê thanh bình, cội nguồn văn hoá của một huyện, trải qua bao thế hệ đã dày công vun đắp. Sông Dinh mông mênh trong xanh đã hết nước. Dòng sông Vẹn hiền hoà, chảy nước “nhà lưu niệm” nhà cách mạng lỗi lạc Phan Đăng Lưu và nhà thờ học Phan Đăng đã chết hẳn. Rào nước Chu Trạc (nơi sinh lãnh tụ cần vương Chu Trạc) đang teo tóp dần… vượng khí của vùng đất “địa linh nhân kiệt” này, phải chăng đã hết?! ngay cả cái tên vinh quang Phan Đăng Lưu cũng đem đi đặt tên cho trường cấp 2 Thị trấn. Rồi đến nay, sự tồn tại của cái hồn cốt của vùng đất học này cũng đã đến hồi kết: Trường trung học cơ sở Hoa Thành đang bị đe doạ bức tử!...

Do điều kiện dân số, quy hoạch trường lớp phải điều chỉnh lại. Đây là một chủ trương đúng. Nhưng như thế không có nghĩa  là cào bằng tất cả. Có những việc làm mà trước mắt cho là đúng, nhưng mai sau con cháu sẽ phán xét. Dư luận nhân dân Hoa Thành, kể cả nhiều người con Hoa Thành đang công tác ở xa, đều hết sức băn khoăn về việc giải tán trường THCS Hoa Thành. Lại nghe tin,  huyện dự định xây dựng một ngôi trường mới, bên mép bờ sông dinh  thuộc địa phận Thị Trấn cho học sinh cho học sinh Thị Trấn và Hoa Thành học…

Đảng và nhà nước ta đang chủ trương tích cực bảo tồn, duy tu, trùng tu, kể cả những di tích văn hoá cách mạng lịch sử đã bị vùi lấp dưới dất lâu ngày, nay phát hiện ra cũng được phục dựng lại. ở Nghệ An ta, Thành Phố Vinh trong chiến lược xây dựng văn hoá đô thị (Sách văn hoá đô thị – Phạm Xuân Cần – XB 2008), Thành phố có chủ trương bảo tồn, trùng tu, tôn tạo lại tất cả những gi tích văn hoá, chính trị, kinh tế, quân sự, chùa chiền tin ngưỡng… đang tồn tại, đã hoang phế, thậm chí chỉ còn dấu vết, trong đó có văn miếu Nghệ An (hiện chỉ còn dấu vết) – Vì đây là một minh chứng cho chiếu dày văn miếu không chỉ của Thành Phố Vinh mà của cả Nghệ an. Văn miếu phải được phục dựng lại ngay tại địa điểm cũ, gắn với vùng đất thiêng đã đi vào tâm thức của người dân Nghệ Tĩnh…. Chủ trương này của Thành Phố Vinh nên chăng, các nhà chức trách ở huyện Yên Thành nên tham khảo, suy nghĩ, để dừng lại kế hoạch xoá đi một ngôi trường cội nguồn văn hoá giáo dục của một địa danh, một minh chứng cho chiều day văn hiến của đất Tràng Thành xưa, của huyện Yên Thành.

Không thể giải tán trường THCS Hoa Thành. Mong rằng truyền thống hiếu học, học giỏi, ngọn đèn văn hoá toả rạng đất học Tràng Thành, đã bao đời ông cha và hậu duệ dày công vun đắp, phát triển sẽ được bảo tồn, phát huy, thắp sáng mãi mãi./

Thái Hữu Thịnh  - Thành Phố Vinh 

 Nhà giáo lão thành  - vốn là cựu học sinh khoá đầu trường THPT Lê Doãn Nhã

Download Kỷ yếu hội thảo về: Giải thể trường THCS Hoa Thành – Cái được?  Cái mất

 

COMMENTS

B
i
u
Quote
Code
List
List item
URL
NAME *
EMAIL_VERIFICATIONS_REPLIES
CODE   
Lưu ý: Chỉ chấp nhận nội dung bằng tiếng Việt có dấu
SUBMIT_COMMENT
 

Phản hồi mới

Phan Thị Hồng Vương: Thật may mắn cho chú Trọng.Chúc gia đình chú sống hạnh phúc trăm năm.Người tàn ...
Lương: Cả gia đình cố lên nhé, hạnh phúc sẽ ko từ bỏ một ai cả khi chúng ta biết kiên n...
le thi thuan: Toi la mot nguoi sinh ra tu que lua Chu Trac Hoa Thanh . Toi rat tu hao ve qu...
nguyễn ngà: MỚI ra trường đó thôi mà đã thấy nhớ ngôi trường yêu dấu rồi? :x...
vuong hoa-minh thanh: uh,đó là điều dĩ nhiên mà bạn.cố lên bạn nhé,hay luôn là chính mình,quê hương đa...
hck: mong rằng chính quyền có liên quan sẽ sớm giải quyết cho họ không phải chịu cảnh...
Changtinanhdau: ôi họp mặt hội đồng hương mà em giờ mới biết ,tiếc thật ,hi hẹn lần sau có cơ hộ...
vũ tuyết: chúc mừng gia đình bà Hường đã đoàn vên sau một quảng thời gian xa cách nơi đất ...
trần đức Thắng: chú Chương vất vả quá.....đúng là ngươi xứ Nghệ..............
Phan Thi Thủy 12c2 Khóa 40: Oh. Mới đó thôi mà đã 4 năm trôi qua rồi. Mình nhớ trường nhớ thầy cô nhớ các bạ...
hoàng thị hương: Chị thật là hiếu học. Là một người con của mãnh đất Yên Thành yêu dấu, cũng là m...
Hoàng Thị Hương: Thật là mừng quá.Chúc mừng vì gia đình bà đã được đoàn tụ.Chuyện khó tin nhưng đ...
nguyễn thị hằng: chúc mừng những thành công mà quê tôi đã nhận được trong thời gian qua. tôi nghĩ...
Nguyễn Thành: Ôi mới đó mà đã 7 năm trôi qua, đã lâu lắm rồi em chưa được về lại ngôi trường m...
Nguyễn Đình Phẩm: Sắp làm Rể Yên Thành nên tình cờ vào đọc những bài báo về Yên Thành nên thấy yêu...

Bản đồ Yên Thành

Bản đồ Yên Thành

Tìm kiếm thông tin

Liên kết website

Yenthanh.Net-Website dành cho nông dân Yên Thành
Ủy Ban Nhân Dan Huyện Yên Thành, Nghệ An
khám phá đà lạt - du lịch đà lạt