Một gia đình nạn nhân chất độc da cam cần sự quan tâm, chia sẻ của bạn đọc

Thứ sáu, 03 Tháng 8 2012 00:00
In
"Giờ đây tui ân hận quá, vì khát vọng có con nên tui cứ cố đẻ, tội càng thêm tội...", câu nói đau đớn đến quặn lòng của ông Nguyễn Công Đính, người cha tội nghiệp.
Về xã Tây Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An, hỏi thăm gia đình cựu binh có 6 người con chết vì chất độc da cam, ai ai cũng biết. Ngôi nhà cấp bốn lụp xụp, nằm chênh vênh bên một quả đồi thuộc xã Tây Thành, là nơi trú ngụ của vợ chồng ông Đính bà Điểm cùng 6 người con đang sống khắc khoải trong "bạo bệnh". Nhiều năm nay, trong ngôi nhà ấy thường phát ra những tiếng la hét vào đêm, những tiếng khóc ngắt quãng của những đứa trẻ tội nghiệp.

Năm 1973, anh Nguyễn Công Đính tròn 17 tuổi, mặc dù thấp bé, nhẹ cân nhưng vẫn xung phong lên đường nhập ngũ. Gia nhập Đại đội 7, Trung đoàn 463, Quân đoàn 2, thuộc các chiến trường miền tây Quảng Trị, Quảng Nam, Đà Nẵng, năm 1978, anh Đính tiếp tục lên đường tham gia bảo vệ vùng biên giới miền Bắc.

Năm 1980, anh Đính trở về quê nhà, lập gia đình với cô thôn nữ cùng làng. Người con đầu lòng ra đời là động lực để đôi vợ chồng trẻ xây dựng cuộc sống hạnh phúc. Năm người con tiếp theo lần lượt chào đời làm vợ chồng trẻ vui mừng khôn xiết. Nhưng bất hạnh ập xuống khi những đứa con bé bỏng lần lượt từ bỏ cuộc sống vì di chứng chất độc da cam.

 Người mẹ khốn khổ Hoàng Thị Điểm.     Ảnh: Lê Hoàng



Vợ ông vì đau đớn, khóc thương con mà lòa cả hai mắt. Không giấu được nỗi đau, ông Đính kể cho chúng tôi nghe về sự ra đi của 6 người con vì các di chứng như: điếc, xuất huyết tiểu cầu, tràn dịch màng bụng, bầm tím da, lở loét toàn thân, phù toàn thân không đi lại được, vỡ u ở đầu, hoại thận nặng và đái ra màng.

Ông cúi gằm rầu rĩ nói: "Trong số 6 người con đã mất, cháu Đạt khiến vợ chồng tui ân hận, xót xa nhất. Biết con sắp mất, vợ chồng tui chẳng thể làm được gì để cứu. Thằng bé vẫn khát khao được sống lắm. Trước lúc mất, cháu bảo: "Bố mẹ hãy thương con, đưa con đi BV chữa thêm một lần cuối cùng được không?". Nghe con nói mà vợ chồng tui nghẹn lại, rồi đưa cháu xuống BV Đa khoa Vinh chạy chữa. Để có tiền chi trả viện phí, mua thuốc thang, tui đã âm thầm đi bán máu. Thế nhưng, bệnh tình cháu đã ở giai đoạn cuối nên các bác sĩ đành trả về gia đình. Lúc tui bế cháu cũng là lúc cháu đã tắt hơi".

Sáu người con lần lượt "ra đi", nhưng khát khao có con của vợ chồng ông vẫn còn mãnh liệt. Thế rồi, 6 người con tiếp theo của ông bà lần lượt ra đời. Như một phép màu, đôi mắt của bà Điểm cũng dần sáng lại.

Em Hợp - một trong những người con của vợ chồng chị Điểm, lúc còn sống.    Ảnh: Lê Hoàng



Nhưng, 6 người con này lớn lên, mỗi người lại mang một thứ  bệnh nặng. Người con thứ 7 - Nguyễn Văn Đào đã có vợ nhưng không tránh khỏi ảnh hưởng chất độc màu da cam, bị liệt nửa người. "Nó bị bệnh "chết mòn" nên cuộc sống gia đình chật vật trăm bề. Cách đây vài năm, nó lập gia đình và sinh ra cháu gái đầu lòng, nhưng cũng bị di chứng Dioxin hành hạ. Hiện cái đầu của cháu nó nhô dài to như cái nón. Hai bố con nó không biết sống chết ra sao đây?"- ông Đính buồn bã nói.

Con trai út Nguyễn Văn Đoàn, niềm hy vọng của gia đình, cũng chẳng khác gì "ngọn đèn dầu trước gió". Hiện em đang học lớp 3, trường tiểu học xã Tây Thành, nhưng trong người cũng mang trọng bệnh. "Bình thường cháu nó chơi ngoan thế thôi nhưng nó bị suy kiệt nghiêm trọng về sức khỏe, nó bị bệnh máu không đông, thân hình ngày càng tiều tụy, đầy những vết lở loét, bầm tím mà gia đình không đủ tiền điều trị. Không biết nó sẽ sống chết ra sao nữa"- bà Điểm nghẹn ngào. Bốn cô con gái còn lại, ai nấy đều rất xinh xắn, nhưng mỗi người cũng đều mang bệnh nặng.

Cựu chiến binh năm nào chưa một lần chùn bước trước kẻ thù thì nay lại phải ngậm ngùi nuốt nỗi đau da cam. Mỗi lần nhìn lên di ảnh những người con, vợ chồng ông Đính lại quặn lòng.

Không chỉ có nỗi đau về tinh thần, vợ chồng ông Đính còn chịu nỗi đau về thể xác. Ông Đính chua xót: "Mới đây, khi đi khám ở BV Đa khoa huyện Yên Thành, tui mới biết mình bị viêm gan nặng. Trước đó, tui đã bị đau thần kinh tọa, giảm trí nhớ, bại liệt nửa người, thị lực giảm 50% nên cũng chẳng làm được việc gì để nuôi sống gia đình. Giờ đây, tui lắm lúc nghĩ quẩn, nhưng vì còn vợ, con mình nên không làm thế được. Tôi quá ân hận do khát vọng con cái mà cứ cố đẻ...”.

Mỗi ngày, chạy vạy ngược xuôi vợ chồng ông Đính chỉ kiếm được 30.000 đồng. Đó là số tiền để trang trải cho cuộc sống, từ miếng ăn đến thuốc thang cho các con. "Tiền trợ cấp cũng chỉ lo được một phần nào đó. Tiền thuốc thang cho con, tiền sinh hoạt… quanh năm thiếu thốn trăm bề.

Hoàn cảnh của vợ chồng ông Đính rất cần sự quan tâm của xã hội và các cơ quan chức năng ở địa phương. Mọi sự quan tâm chia sẻ của cộng đồng xin gửi về địa chỉ của nhân vật trong bài viết hoặc về báo PL&XH tại 1B Trần Phú, quận Hà Đông, Hà Nội.

Theo Lê Hoàng/ Báo Pháp Luật Xã Hội

Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: