Nét đẹp giữa đời thường

Thứ sáu, 06 Tháng 7 2012 13:06
In
Em Nguyễn Văn Thuận, sinh năm 1994, thường trú tại xã Xuân Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình bố mẹ gắn với đồng ruộng, Thuận có 3 anh em nhưng em gái đã mất còn lại một em.

Đại úy Nguyễn Quốc Khánh đến thăm hỏi gia đình ông Lê Hữu Khoa,  thương binh hạng 1/4 ở cụm 559, xã Liên Ninh, Thanh Trì, Hà NộiĐại úy Nguyễn Quốc Khánh đến thăm hỏi gia đình ông Lê Hữu Khoa, thương binh hạng 1/4 ở cụm 559, xã Liên Ninh, Thanh Trì, Hà Nội

Sống trong một gia đình có hoàn cảnh khó khăn nên từ bé Thuận vừa học vừa tham gia lao động sản xuất với ước mơ sau khi tốt nghiệp THPT sẽ trở thành anh bộ đội Cụ Hồ. Em đã đăng ký vào trường Sỹ quan Lục quân I. Cuối tháng 6-2012 nhận được giấy báo thi, cả gia đình đều mừng nhưng nỗi lo cứ hằn trên khuôn mặt của bố mẹ Thuận vì không có đủ tiền cho con đi thi đại học. 

Biết được những điều mà bố mẹ đang trăn trở, Thuận đã động viên bố mẹ yên tâm, em sẽ sửa sang lại chiếc xe đạp cà tàng của gia đình đang sử dụng và đạp xe đến địa điểm thi. Như vậy vừa biết đường về Hà Nội, vừa biết đường đến trường Sỹ quan Lục quân I. Với suy nghĩ rất đơn giản nhưng quyết tâm cao, 13h ngày 29-6, Thuận tạm biệt gia đình với hành trang là 2 bộ quần áo, giấy báo thi, vài cuốn sách để ôn thi, một chai nước đun sôi để nguội được bỏ trong chiếc túi vải đã sờn cùng với chiếc xe đạp cà tàng hành quân về xã Tân Xã, huyện Thạch Thất, Hà Nội là địa điểm thi theo giấy báo thi của trường Sỹ quan Lục quân I. 

Sau 20 giờ đạp xe từ Yên Thành, Nghệ An, vượt qua khoảng 270km, đến 10h trưa  30-6, em đã đến xã Liên Ninh, cách trung tâm Hà Nội khoảng 15km và cách địa điểm thi gần 70km. Do vừa mất ngủ, vừa mệt nên Thuận dừng lại hỏi đường. Đúng lúc ấy Đại úy Cảnh sát phụ trách xã Liên Ninh, CAH Thanh Trì, Hà Nội - Nguyễn Quốc Khánh, sau ca trực đang trên đường nắm tình hình địa bàn để bàn giao cho đồng đội thấy một thanh niên người cao, gầy, đen trũi, nét mặt mệt mỏi, Đại úy Khánh liền hỏi cháu ở đâu đến Hà Nội, cần tìm nhà ai. 

Được em Thuận kể lại hành trình đạp xe từ Nghệ An ra Hà Nội thi đại học của mình, Đại úy Khánh xúc động trước nghị lực của một thanh niên hiếu học nên đã động viên Thuận gửi xe đạp lại và mình sẽ dùng xe máy chở Thuận đến địa điểm thi. Trước sự nhiệt tình và trách nhiệm của Đại úy Khánh, Thuận hơi do dự, nhưng được một số người xã Liên Ninh nói rằng: “Chú Khánh là cảnh sát khu vực được bà con ở đây quý lắm, chú Khánh sẽ đưa cháu đi, còn xe đạp chúng tôi sẽ cất cho, nếu mất chúng tôi sẽ bắt đền chú Khánh”.

Tất cả đều cười vui và Thuận đã lên xe máy để Đại úy Khánh chở đến huyện Thạch Thất. Vừa đi vừa hỏi đường về địa điểm thi là trường THPT Hai Bà Trưng thuộc xã Tân Xã, huyện Thạch Thất, Đại úy Khánh gặp bác Nguyễn Thị Năm, ở xã Đồng Trúc, huyện Thạch Thất, cách địa điểm thi của Thuận 4km. Sau khi nghe Đại úy Khánh hỏi đường và tâm sự về ý chí và nghị lực của cháu Thuận, bác Năm vui vẻ nói với Đại úy Khánh “Nếu chú tin tôi thì chú đưa cháu Thuận về nhà tôi ở, tôi sẽ bố trí cho cháu nơi ăn, chốn nghỉ để cháu ôn thi những ngày còn lại và tôi sẽ cho con trai tôi đã tốt nghiệp đại học đưa cháu đi thi”. Đại úy Khánh thở phào nhẹ nhõm vì đã tìm được nơi ăn, chốn nghỉ cho cháu Thuận. Bữa cơm trưa hôm ấy của gia đình bác Năm với Đại úy Khánh, cháu Thuận thật là ấm cúng, tràn đầy tình cảm giữa thí sinh nghèo hiếu học với chiến sỹ công an vì nhân dân phục vụ và tấm lòng nhân hậu của người dân Thủ đô.

Theo Nghĩa Tình/ An ninh thủ đô


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: