Nhặt phế liệu, nuôi 4 con học đại học

Thứ sáu, 11 Tháng 1 2013 18:35
In
Giữa cơn nắng gắt, hay trời mưa gió rét, cặp vợ chồng già  vẫn đi bới rác để nhặt phế liệu. Họ không cảm thấy cực nhọc vì  từng mớ phế liệu được bán đi, các con của họ thêm vững bước trên giảng đường đại học. Đó là vợ chồng ông bà Trần Thị Nguyên, Lương Xuân Cảnh xã Hợp Thành (Yên Thành, Nghệ An) làm nghề nhặt phế liệu, vẫn nuôi 4 con học đại học.

Bà Trần Thị Nguyên nhặt phế liệu, nuôi 4 con học đại họcBà Trần Thị Nguyên nhặt phế liệu, nuôi 4 con học đại học

Nuôi chữ để thoát nghèo

Chúng tôi đến nhà bà Nguyên ở xóm 8 xã Hợp Thành vào buổi sáng mưa phùn giăng trắng trời. Ngôi nhà cấp 4 nằm ở đầu xóm  tuyềnh toàng gió, chỉ nghe tiếng gà vịt, kêu huyên náo cả một vùng. Chị hàng xóm bảo: “Ông bà ấy đi nhặt phế liệu, về thất thường lắm.”. Đợi đến quá trưa  chúng tôi mới  thấy bà Nguyên người ướt sũng đi chiếc xe đạp tòng tọc đèo 2 sọt to đùng đi về. Xởi lởi mời khách vào nhà bà nói: “Tôi tranh thủ nhặt thêm chút phế liệu, để đến mai nhập nên về trưa. Còn ông nhà tôi  đi nhặt ở xã xa  đến chiều mới về.” Khi biết ý định của chúng tôi, khuôn mặt bà rạng ngời hẳn lên. Hình như nhắc đến những đứa con học hành giỏi giang, trong bà như tan biến đi nỗi vất vả nhọc nhằn. Bà tâm sự: “Vợ chồng tui sinh ra trong gia đình nghèo khó. Lúc lấy nhau cũng chẳng có gì, quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời làm lụng vất vả nhưng vẫn nghèo đói. Thấm thía được điều đó nên vợ chồng tui quyết tâm “đầu tư” cho con cái học hành. Phải học mới thoát nghèo được.”

Vợ chồng bà sinh được 7 người con, nhà nghèo lại đông miệng ăn, vợ chồng bà phải chật vật lắm mới lo đủ cho các con đến trường. Bà Nguyên nhớ lại những ngày tháng cơ hàn: “Khi sinh được 3 đứa đầu cơ cực lắm, con cái đau ốm đi viện luôn. Ông nhà tui cũng ốm yếu suốt không làm được việc chi..Nói thật thời đó có năm thiếu ăn từ 7- 8 tháng phải ăn khoai, ăn sắn  trừ bữa. Thấy con cái đói ăn, đói mặc tui không đành nên phải gắng gượng mà làm. Tui làm đủ nghề từ phụ hồ, đến đi nhặt phế liệu, đi cấy thuê, gặt thuê để kiếm tiền cho con cái ăn học.

Lớn lên trong đói nghèo nhưng những đứa con của vợ chồng bà đều ngoan ngoãn. siêng năng và học giỏi  năm nào cũng được nhận giấy khen. Trong 7 người con, chỉ có 3 người con gái đầu là tốt nghiệp phổ thông rồi đi làm, 4 người còn lại đều thi đỗ đại học, 3 người đã tốt nghiệp và đang học cao học.

Lương Triều (SN 1981), tốt nghiệp ĐH TDTT Từ Sơn, và hiện đang học cao học; Lương Xuân Phú (SN 1986), tốt nghiệp ĐH Công nghệ Thông tin, hiện đang học cao học; Lương Xuân Quý (SN 1988), tốt nghiệp đại học TDTT Từ Sơn, hiện đang học cao học; còn lại người con út Lương Xuân Quang (1992) học năm thứ 3 đại học TDTT Từ Sơn.

Nhọc nhằn nuôi chữ

Các con học giỏi là niềm hạnh phúc nhưng làm thế nào để có đủ tiền chu cấp hằng tháng cho các con ăn học cũng làm ông bà phải nhiều đêm thức trắng. Ngoài mấy sào ruộng, ông bà còn làm thuê, làm mướn, chăn nuôi lợn gà và nhặt phế liệu. Từ sáng sớm cho tới lúc trời tối không nhìn rõ mặt người,  bà với chiếc xe đạp tòng tọc cột 2 sọt tre, cần mẫn nhặt tại các hố rác, các bãi hoang nơi nào có phế liệu. Khi nào đầy 2 sọt bà lại đi nhập cho đại lý lấy tiền gửi cho con. Thương vợ tần tảo khó nhọc, ông Cảnh tuy tuổi đã cao với đôi bàn tay chai sạn, sứt sẹo hàng ngày vẫn đạp cái xe cà tàng rong ruổi đây đó lượm lặt phế liệu, giúp thêm vợ con. Bà Nguyên tâm sự: “Khó khăn, cực khổ lắm nhưng cứ nghĩ đến việc các con được đi học là vợ chồng tui lại quên hết mệt nhọc, cứ thế mà làm việc”. Bà cho biết, thời điểm khó khăn, gay go nhất trong đời mình là lúc 4 đứa con học đại học, cùng một lúc. Đứa này chưa ra trường thì đứa khác đã vào. Làm thuê làm mướn, nhặt phế liệu cũng không đủ lo cho các con được, ông bà phải chạy vạy, vay mượn khắp nơi, cắm cả nhà, đất để vay ngân hàng. Có thời điểm gia đình quá khó khăn, vì thương cha mẹ, các con bà đòi nghỉ học để đi làm và học nghề. Bà bảo: “Cha mẹ còn sống ngày nào là các con không phải lo. Cứ yên tâm học hành,  các con học hành tấn tới là  cha mẹ vui lắm rồi.”

Số tiền vay mượn nuôi con, tới giờ, ông bà vẫn còn phải nợ người ta gần trăm  triệu. Nhưng ông bà vẫn luôn lạc quan và vui vẻ. Bà Nguyên cười: “Nợ thì làm lụng trả dần. Cái quan trọng là chúng nó có được kiến thức, đã có kiến thức thì không thể nghèo mãi được". Bà cười bình thản, nụ cười sáng ngời trên khuôn mặt cháy nắng. Có lẽ, chính bởi cái bình thản đầy niềm tin ấy mà vợ chồng bà đã viết nên một câu chuyện cổ tích khuyến học đẹp giữa một miền đồng quê lam lũ.

Theo Tiến Dũng/ Báo Giáo Dục Và Thời Đại


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: