Làng săn rắn

Email In
ì cuộc sống mưu sinh, hơn 20 năm nay, người dân làng Xuân Tiêu, xã Hợp Thành, Yên Thành, Nghệ An đã bất chấp hiểm nguy rình rập để cùng nhau đeo đuổi nghề săn rắn độc. Bị tận diệt, loài “bò sát” không chân này đang có nguy cơ ngày một tuyệt chủng ở vùng quê lúa Yên Thành.

Nguy hiểm rình rập

Làng Xuân Tiêu giống như một ốc đảo nhỏ, nằm lọt thỏm giữa đồng không mông quạnh. Chưa vào làng, hỏi thăm nhà ông Khoa “rắn độc”, tức ông Phan Văn Khoa hầu như người dân địa phương ai ai cũng biết. Ngôi nhà ngoảnh mặt ra dòng kênh Vách Nam xanh lộng gió. Ông Khoa mới ngoài 50 tuổi nhưng tóc đã đốm bạc. Khuôn mặt nhiều nếp nhăn, làn da hơi sạm đen vì sương gió khiến ông trông già trước tuổi. Đập vào mắt tôi, góc sân gạch là đống đồ nghề của ông Khoa dùng để làm nghề săn đêm (tức săn rắn độc, soi lươn, bắt cá vào buổi tối). Thấy tôi tò mò, ông chỉ tay vào từng dụng cụ cho biết: Đây là cái nơm để úp cá, đây là cái oi (giỏ) để đựng, đây là cái vợt bắt chim, đây là cái kìm được làm bằng sắt để bắt rắn, bắt lươn, đây là chiếc đèn pha để rọi đường và đây là hạt đậu “Lào” dùng để hút nọc độc mỗi khi bị rắn cắn…

Gần 30 năm trời làm nghề soi lươn, soi cá, sau đó chuyển sang săn rắn độc… ông Phan Văn Khoa đã trở thành một trong những người kỳ cựu nhất vùng quê lúa Yên Thành, Nghệ An mưu sinh với cái nghề nguy hiểm này.

Một góc làng Xuân Tiêu

Ngồi bệt giữa sân gạch, hai tay ông tranh thủ đan mấy tấm mành chắn vạt rau cải mới trỉa hạt vừa kể lại những cay nghiệt và vất vả của nghề săn rắn độc.

Ông Khoa sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo. Nhà có 4 anh em trai, hầu hết đều làm nghề này từ nhỏ. Gia đình ông sống dựa vào cái nghề soi lươn, bắt cá ban đêm là chủ yếu. Lấy vợ năm 1978, hai ông bà ra ở riêng chỉ có túp lều tranh nho nhỏ. Nhờ nghề săn rắn độc, soi lươn, soi cá… nay không những có nhà cao cửa rộng mà ông bà còn nuôi 6 người con học hết cấp ba, trong số đó có đứa đã tốt nghiệp đại học, đứa cao đẳng, đứa trung cấp dạy nghề…

Nếu trước thập niên 90 của thế kỷ trước, chủ yếu làm nghề soi lươn, soi cá thì, sau năm 1992 đến nay, ông chuyển sang làm nghề săn rắn độc. Ông Khoa bảo: “Trước đây chưa có người về làng mua rắn độc, ông và bà con trong làng chỉ biết soi lươn, soi cá, soi ếch… đưa ra chợ bán. Từ năm 1992 tới nay mới bắt đầu có mối từ nơi khác về đặt mua hàng độc đó là các loài rắn để xuất sang Trung Quốc”.

Ông Khoa thở dài: “Khổ lắm chú ạ, không sung sướng gì đâu. Thời trai trẻ còn có sức mà đi từ đầu hôm suốt sáng, hết đêm này qua đêm khác… Nay có tuổi rồi phải nhường lại nghề cho các con”. Ông cho biết thêm, nếu tính chặng đường hơn 30 năm làm nghề soi lươn, bắt cá và săn rắn độc thì quãng đường đi bộ của ông có khi cũng bằng từ Việt Nam sang… Liên Xô. Trong chặng đường ấy, không biết bao mồ hôi nước mắt đã đổ ra và không biết bao lần ông Khoa phải đối mặt với lưỡi hái tử thần để có được đồng tiền, bát gạo nuôi vợ con. Ông Khoa không nhớ rõ năm nào nhưng chỉ nhớ cái đêm kinh hoàng nhất trong đời làm nghề này là dịp tháng 6 âm lịch của một năm cuối thập niên 80 thế kỷ trước. Hôm đó, trời vừa tối cũng là lúc cơn mưa giông xối xả như trút nước. Theo kinh nghiệm nghề săn đêm, ông đoán chắc sẽ có nhiều cá ngược theo dòng nước ngọt của dòng mương Vẹn thuộc cánh đồng giáp ranh hai xã Hợp Thành và Hoa Thành. Lúc đó vào khoảng 21 giờ, ông Khoa đỏ đèn và mang theo đồ nghề đi ra đồng. Khoảng 23 giờ thì đi bộ đến đoạn cánh đồng gần nghĩa địa Cồn Sùng thuộc xã Hoa Thành. Đang rình úp mẻ cá trong cơn giông thì ông phát hiện hai bóng đen núp sau phía nghĩa địa. Nghĩ là người dân địa phương đưa trẻ con mới mất đi chôn hoặc người ta đi bốc mộ cho người quá cố nên chẳng màng quan tâm. Một lúc sau, thấy một người cầm đèn pin rọi vào mặt ông và hỏi: “Ông săn tìm gì ở đây?”. “Ông có phải là Châu Mậu không?”. Chưa kịp trả lời, ông Khoa đã bị một gậy vào người, sau đó một hòn gạch vồ vào mặt. Choáng váng, không còn biết gì trời đất, đèn pha và đồ nghề rơi xuống ruộng, ông Khoa cũng gục xuống bờ ruộng. Nhờ nước mưa dội xuống, lúc sau tỉnh dậy thì không còn thấy hai bóng đen đó nữa. Ông Khoa cố lê vào xóm Đồng Xoang của xã Hoa Thành kêu cứu và được người dân ở đây đưa đi cấp cứu ở Trạm Y tế. Sau đó tìm hiểu mới biết, ông Khoa bị người ta trả thù nhầm.

Dân làng Xuân Tiêu được một phen hú vía. Những tưởng ông sẽ từ đó mà bỏ cái nghề đi săn đêm như vạc này. Thế nhưng, mới được mấy hôm, khi vết thương chưa khỏi người ta đã thấy ông Khoa đỏ đèn pha, mang đồ nghề tiếp tục đi tìm rắn độc.

Ông Khoa tâm sự: Lâu nay gặp rất nhiều loài rắn khác nhau, nào là rắn cặp nia (có khoang trắng, khoang đen), cạp nong (khoang vàng, khoang đen), rắn hổ mang chúa, hổ mang trâu, hổ mang gió, rắn lục, rắn lại (rắn ráo)… Để tìm được rắn, ông đã đi hết cánh đồng này sang cánh đồng khác, hết xóm làng này qua xóm làng khác.

Không phải đêm nào cũng bắt được rắn. Cái nghề này có lúc “một bữa chài mười bữa phơi”. Đêm nào may mắn thì phát hiện và bắt được vài ba con, trọng lượng khoảng dăm bảy lạng. Có khi đi cả tuần mà chẳng bắt được con nào. Biết vất vả, nhưng hầu như đêm nào ông cũng đỏ đèn đi thâu đêm.

Nguy hiểm nhất là khi phát hiện các loài rắn hổ mang. Loài này rất hung dữ. Vừa rọi đèn pha vào là chúng lao thẳng hướng ngọn đèn, nếu không cẩn thận rất dễ bị rắn tấn công. Không ít lần phát hiện ra rắn hổ mang gió, chưa kịp bắt thì đã thấy rắn dựng ngược đầu lên, hai mang phình ra, mắt long song sọc, chớp chớp liên tục, sau đó nọc rắn thè ra dài và miệng rắn phụt ra luồng gió. Rọi đèn pha vào thấy rắn như chuẩn bị tấn công thợ săn. Khi đó buộc ông Khoa phải rọi đèn thẳng vào mắt rắn để cho nó bị chói, rồi nhanh chóng dùng kìm bóp cổ rắn ngay lập tức nếu không loài rắn này chạy rất nhanh. Khi kẹp được cổ rắn rồi phải thả đèn xuống, dùng tay trái bóp cổ rắn thay kìm, tay phải nhanh chóng lấy kim chỉ khâu miệng rắn lại để bỏ vào bao. Trong khi khâu, nếu không bình tĩnh và cẩn trọng rất dễ vướng vào răng và nọc độc của rắn; hoặc bị rắn giãy giụa sổ tuột khỏi tay.

Từ khi làm nghề săn rắn độc, ông Khoa không nhớ tổng số rắn mình săn được là bao nhiêu nhưng ông cho biết, con số có thể là hàng nghìn, với nhiều loài rắn khác nhau. Bên cạnh rắn độc ông còn bắt được hàng tạ loài rùa nước, hôn, ếch… để bán cho các đầu nậu kiếm tiền.

Ngủ ngày, thức đêm

Ông Phan Khoa


Làng Xuân Tiêu, Hợp Thành, Yên Thành, Nghệ An đã từng có người chết vì rắn cắn. Không ít người suýt mất mạng cũng vì rắn độc tấn công. Biết trước hiểm nguy, nhưng vì cuộc sống mưu sinh nên dân làng Xuân Tiêu đêm đêm vẫn rủ nhau đi săn rắn độc bán kiếm tiền.

Ban đầu chỉ 4 anh em trai nhà ông Phan Văn Khoa, Phan Hoàn, Phan Mỹ, Phan Lễ đi săn rắn độc. Thấy nghề này có tiền mua gạo, bà con Xuân Tiêu đã kéo nhau đi săn rắn độc cả làng. Ông Phan Lạc, một cựu thợ săn kể: Gia đình ông Lạc thuộc hệ nông dân nghèo, nhà có 5 người con. Để có tiền ăn học, ba cậu con trai đầu cùng với ông Lạc đã làm nghề săn rắn độc từ năm 1993. Nhờ cái nghề này mà con cái trong gia đình mới có tiền ăn học. Đến nay, tất cả con ông đứa đã tốt nghiệp đại học, đứa đi làm cũng nhờ vào một khoản tiền thu nhập từ nghề săn rắn độc. Không những nuôi con cái ăn học, ông Lạc còn xây được nhà hai tầng to đùng giữa làng quê.

Ông Phan Hoàn, một thợ rắn độc cho biết: Muốn làm nghề săn rắn độc rất đơn giản, chỉ cần bỏ kinh phí khoảng 150 nghìn đồng để mua một chiếc đèn pha, chất liệu bằng đồng, cháy bằng đất đèn (atilen), kèm theo chiếc kìm tự tạo được làm bằng sắt, cái giỏ, bao bì bằng vải, rồi cây kim, sợi chỉ và con dao nhỏ hỗ trợ bên mình, thế là có thể đi săn rắn độc thâu đêm.

Có thời điểm làng Xuân Tiêu đi săn rắn độc cả làng. Từ người dân cho đến trưởng thôn cũng đi săn. Anh Phan Văn Tâm, một sát thủ săn rắn kỳ cựu kể: Bố anh, tức ông Phan Văn Bình trưởng thôn, cuộc sống rất khó khăn, vì 7 người con ông Bình đều đi học. Giống như bao gia đình khác, để có tiền ăn học cũng như trang trải cuộc sống, các con ông Bình cũng thường xuyên tranh thủ tối thứ bảy hoặc những ngày nghỉ học đi săn rắn độc, soi lươn, soi ếch… để bán kiếm tiền. Nhờ vậy, đến nay con ông Bình đứa tốt nghiệp đại học ra làm thầy giáo, đứa làm kỹ sư xây dựng, đứa đang theo học Trường đại học Xây dựng Hà Nội. Theo tìm hiểu, ngoài gia đình ông Khoa, ông Lạc, ông Bình săn rắn độc, soi lươn nuôi con học đại học thì trong làng này còn có ông Tuyền, ông Trung, ông Hòa, ông Định, ông Hồng… cũng nuôi con đi học đại học bằng cái nghề này.

Tuy nghèo nhưng con em làng Xuân Tiêu rất hiếu học, có năm trong ngôi làng nhỏ này có tới 17 em thi đậu đại học và cao đẳng. Hầu hết trong số này đều con em gia đình nông dân. Để nuôi các con ăn học, người Xuân Tiêu phải bươn chải đủ thứ nghề để kiếm sống, nhưng nghề săn rắn độc, soi lươn là thịnh nhất từ trước tới nay. Vì thế, hằng năm cứ vào dịp trước và sau tết âm lịch, đêm nào người dân làng Xuân Tiêu cũng đỏ đèn, í ới nhau đi tìm rắn độc. Có hôm, đứng đầu cổng làng, nhìn thốc lên cánh đồng dài rộng hàng chục cây số, thấy đèn pha rọi chi chít. Khi dần về khuya, các thợ săn mới tản ra các ngả. Người đi vào các làng mạc của các xã khác, người tiến ra dọc con đê kênh Vách Nam, người đi vào khu nghĩa địa… và cứ thế đi tìm vận may gặp rắn độc. Khoảng 4 đến 5 giờ sáng mới thấy cánh thợ săn mệt mỏi quay về làng. Một người dân tiết lộ, mùa săn rắn độc chủ yếu khoảng thời gian từ cuối tháng 9 âm lịch cho đến khoảng thời gian đầu tháng 2 âm lịch. Thời gian này ruộng đồng đã được thu hoạch nên rắn thường hay bám theo bờ ruộng, vì thế khi đi săn rất dễ phát hiện và dễ bắt. Có hai loài rắn độc thường xuyên bắt được đó là rắn cặp nong (khoang vàng, khoang đen) và cặp nia (khoang trắng khoang đen). Hai loài rắn này sinh sản và phát triển nhanh. Đặc biệt, đối với loài rắn cặp nong rất hiền, chỉ trừ khi người ta dẫm lên lưng rắn nó mới cắn.

“Thần” hộ mệnh

Trong ngôi làng bé nhỏ này từng có người chết vì rắn độc cắn, đó là trường hợp chị Phan Thị Hạnh. Chị không phải là thợ săn, nhưng cái chết của chị trở thành lời cảnh báo hiểm nguy của các loài rắn độc. Hoặc trước đây, ông Phan Văn Lạc, một thợ săn rắn kỳ cựu đã từng bị rắn hổ mang cắn vào bàn chân phải. Ông Lạc cho biết, để thoát khỏi tử thần, lần đó dân làng đã dùng dây cao su cột vào cổ chân ông để cho máu không lưu tthông, tránh nọc độc chạy theo mạch máu về tim. Kiểu thắt dây cao su này người dân địa phương gọi là “ga rô”. Sau khi “ga rô” xong, ông Lạc được bà con chở đi Bệnh viện Yên Thành cấp cứu. Thoát khỏi hiểm nguy, nhưng ông Lạc đã làm cho bà con làng Xuân Tiêu được một phen hú vía. Chẳng bao lâu, người ta lại thấy cha con ông Lạc và bao người dân Xuân Tiêu vẫn tiếp tục đỏ đèn, lọ mọ đi săn rắn độc thâu đêm.

Nhiều trẻ em làng Xuân Tiêu cũng làm nghề săn rắn độc

Trong lúc đi săn, không ít người dân làng Xuân Tiêu đã bị rắn độc tấn công, nhưng gần đây người dân không còn sợ rắn độc nữa. Anh Tuấn, một dân bắt rắn tiết lộ: Sở dĩ bà con ở vùng quê này không sợ rắn độc, vì thời gian gần đây trong vùng có một người đàn ông tên là T quê ở Hợp Thành, bộ đội về hưu, có hạt đậu hút nọc độc. Sở dĩ có loại hạt đậu này là vì, trước đây ông T thường xuyên đi công tác ở nước bạn Lào. Một lần tình cờ phát hiện có loại hạt đậu chữa rắn cắn (hạt đậu to bằng quả cà pháo, màu nâu, cứng), ông T đã mang rất nhiều hạt đậu này về Yên Thành để giúp bà con chữa rắn cắn. Bây giờ người dân trong vùng Yên Thành thường quen gọi loại hạt đậu này là “hạt đậu Lào”.

Anh Phan Văn An, một tay thợ săn rắn có hạng nói thêm: Để hút nọc độc mỗi khi bị rắn tấn công, trước hết là lấy hạt đậu Lào đó chẻ tư hoặc chẻ đôi ra làm hai nửa. Lấy kim chính vào chỗ bị rắn độc cắm cho máu phun ra, sau đó lấy hạt đậu Lào đắp vào. Nếu đúng nọc rắn độc thì hạt đậu Lào sẽ mắc cứng vào chân, nếu lấy tay gỡ sao cũng không ra. Khi nào hạt đậu Lào hút hết nọc độc trong cơ thể người, khi ấy hạt đậu mới tự nhả rơi xuống. Còn không phải nọc rắn độc thì hạt đậu chẳng dính vào chỗ vết thương. Nếu muốn dùng lại hạt đậu đã qua sử dụng một lần nữa thì chỉ cần ngâm hạt đậu đó vào bát nước vo gạo trong khoảng thời gian một ngày một đêm.

Nói rồi, anh An nhẩm tính, trong làng Xuân Tiêu đã từng có hàng chục người bị rắn độc tấn công, nào là anh Quang, chị Phương, chị Hiệp, anh Tuấn, anh Trường… nhưng nhờ hạt đậu này đã giúp mọi người người thoát khỏi “tử thần”.

Sáng sớm, khi sương mù còn dày đặc, một số người ở nơi khác đã vào làng Xuân Tiêu gõ cửa từng nhà mua rắn. Những người đi mua lươn, rắn thường được dân địa phương gọi là “lơ”. Người dân ở đây cho biết, người mua lươn thì bà con gọi là “lơ lươn”, mua rắn thì gọi là “lơ rắn”. Một người dân giải thích thêm, “lơ” có nghĩa là từ dùng chỉ những người đi mua hàng lẻ, sau đó về bán cho các “nậu” to hơn. Tôi từng theo chân một “lơ” tên Toàn (quê Hợp Thành, Yên Thành) mới biết, lâu nay ở huyện lúa Yên Thành rất nhiều “nậu” mua lươn, rắn về tập tập kết một mối. Đối với lươn, các “lơ” mua gom xong chủ yếu tập trung về cho các “nậu” ở xã Long Thành, Phú Thành, Phúc Thành và Đô Thành... Sau đó các “nậu” tiếp tục chuyển tới TP Vinh, Hà Nội… nhập cho các nhà hàng lớn để chế biến làm món ăn đặc sản từ lươn. Còn rắn độc, trước đây các “lơ” gom hàng xong chủ yếu đưa về tập trung ở hai “nậu” tên có tên là C và T, quê Phú Thành, Yên Thành. Từ đây, hai nậu này tiếp tục tuồn lên ôtô chở ra tỉnh Bắc Giang nhập cho các “nậu” lớn hơn, sau đó tìm mối đưa hàng qua Trung Quốc.

Theo Phan Sáng - Thành Lê/ Báo Petrotimes

Viết lời bình

B
i
u
Quote
Code
List
List item
URL
Tên *
Email (Để chúng tôi liên hệ với bạn)
Mã bảo vệ   
Lưu ý: Chỉ chấp nhận nội dung bằng tiếng Việt có dấu
Gửi lời bình
 

Phản hồi mới

Phan Thị Hồng Vương: Thật may mắn cho chú Trọng.Chúc gia đình chú sống hạnh phúc trăm năm.Người tàn ...
Lương: Cả gia đình cố lên nhé, hạnh phúc sẽ ko từ bỏ một ai cả khi chúng ta biết kiên n...
le thi thuan: Toi la mot nguoi sinh ra tu que lua Chu Trac Hoa Thanh . Toi rat tu hao ve qu...
nguyễn ngà: MỚI ra trường đó thôi mà đã thấy nhớ ngôi trường yêu dấu rồi? :x...
vuong hoa-minh thanh: uh,đó là điều dĩ nhiên mà bạn.cố lên bạn nhé,hay luôn là chính mình,quê hương đa...
hck: mong rằng chính quyền có liên quan sẽ sớm giải quyết cho họ không phải chịu cảnh...
Changtinanhdau: ôi họp mặt hội đồng hương mà em giờ mới biết ,tiếc thật ,hi hẹn lần sau có cơ hộ...
vũ tuyết: chúc mừng gia đình bà Hường đã đoàn vên sau một quảng thời gian xa cách nơi đất ...
trần đức Thắng: chú Chương vất vả quá.....đúng là ngươi xứ Nghệ..............
Phan Thi Thủy 12c2 Khóa 40: Oh. Mới đó thôi mà đã 4 năm trôi qua rồi. Mình nhớ trường nhớ thầy cô nhớ các bạ...
hoàng thị hương: Chị thật là hiếu học. Là một người con của mãnh đất Yên Thành yêu dấu, cũng là m...
Hoàng Thị Hương: Thật là mừng quá.Chúc mừng vì gia đình bà đã được đoàn tụ.Chuyện khó tin nhưng đ...
nguyễn thị hằng: chúc mừng những thành công mà quê tôi đã nhận được trong thời gian qua. tôi nghĩ...
Nguyễn Thành: Ôi mới đó mà đã 7 năm trôi qua, đã lâu lắm rồi em chưa được về lại ngôi trường m...
Nguyễn Đình Phẩm: Sắp làm Rể Yên Thành nên tình cờ vào đọc những bài báo về Yên Thành nên thấy yêu...

Bản đồ Yên Thành

Bản đồ Yên Thành

Tìm kiếm thông tin

Liên kết website

Yenthanh.Net-Website dành cho nông dân Yên Thành
Ủy Ban Nhân Dan Huyện Yên Thành, Nghệ An
khám phá đà lạt - du lịch đà lạt