Nghèo hơn trước giấc mơ thoát nghèo

Thứ hai, 16 Tháng 4 2012 00:00
In

XKLĐ đang là con đường tìm cách thoát nghèo của số đông người nghèo tại nhiều địa phương trên cả nước. Mặc dù Bộ LĐTBXH đã ban hành các văn bản, quy định số tiền mà DN XKLĐ được phép thu của NLĐ, song hầu hết các DN đều phá rào và thu phí ở mức rất cao, biến người nghèo thành “bò sữa” để vắt kiệt khả năng tài chính của họ. Hành vi này cần lên án - trong đó có cả phần trách nhiệm của Cục QLLĐNN và Bộ LĐTBXH.

21 tháng làm việc quần quật ở xứ người, chị Hoa - một lao động trở về từ Malaysia - vẫn chưa thể sửa lại căn nhà ọp ẹp cho mẹ. Ảnh: V.THẮNG21 tháng làm việc quần quật ở xứ người, chị Hoa - một lao động trở về từ Malaysia - vẫn chưa thể sửa lại căn nhà ọp ẹp cho mẹ. Ảnh: V.THẮNG

Nhờ xuất khẩu lao động (XKLĐ), nhiều gia đình đã thoát nghèo. Tuy nhiên, không phải gia đình nào cũng may mắn như vậy.

Con đi - mẹ gánh nợ nần

Xã Vũ Tiến, huyện Vũ Thư  là một trong những xã có lượng người đi XKLĐ đông của tỉnh Thái Bình. Chủ tịch xã - ông Trần Bảo Toàn - cho biết, năm 2011 cả xã đã có tới 350 người đi XKLĐ; còn tính tổng cộng, đến nay con số đã lên đến hơn 1.000 người. Trong xã, không hiếm gặp những gia đình có tới 2-3 người đi XKLĐ, thậm chí có nhà... 9 người đi xuất ngoại kiếm sống. Bà Trần Thị Lựu (thôn Vân Long) có tới 3 người con trai đi XKLĐ. Bà Lựu than thở: “Nhiều người tưởng 3 con trai đi XKLĐ thì phải giàu lắm, nhưng thực sự thì tôi đang phải gánh món nợ hơn 500 triệu đồng, chỉ trả lãi thôi đã... thở không ra hơi”.   

Trong 3 người con của bà đi XKLĐ thì năm 2007, bà vay 140 triệu đồng cho người con cả là anh Trần Xuân Hưởng đi Đài Loan. “Lúc đầu nó sang đấy thu nhập khá, nhưng sau đó càng ngày càng giảm. Nó than Cty nó đang ít việc, thu nhập ít, nên sắp về VN, rồi lại tính kế XKLĐ để sang Cty khác “kéo cày trả nợ” - bà Lựu nói. Theo bà, phí XKLĐ quá cao là một trong những nguyên nhân khiến bà đang mang nợ đầm đìa.

Cũng như ở Thái Bình, các vùng quê nghèo ở Nghệ An, người ta cũng lũ lượt đi XKLĐ. Ngoài số đi làm ở các nước Châu Âu, Nhật Bản và một số ít ở Hàn Quốc thì đa số đời sống của những người đi XKLĐ cũng không được cải thiện đáng kể. Ở xóm Mỹ Khánh, xã Khánh Thành (Yên Thành - Nghệ An), ông Nguyễn Khánh Quế đang ngày đêm lo lắng về món nợ hơn 130 triệu đồng mà ông đã chạy vạy cho anh Nguyễn Khánh Bình đi Đài Loan. Bình ký hợp đồng với Cty cổ phần hữu nghị BG. Theo hợp đồng thì số tiền gia đình ông Quế phải đóng chẳng đáng là bao: 7 triệu đồng dịch vụ, quỹ hỗ trợ việc làm: 100.000 đồng, phí dịch vụ sau khi làm việc: 18.000 tệ. Thế nhưng thực tế thì gia đình đã phải nộp cho Cty này hơn 130 triệu đồng. Trước đây, Bình cũng đã đi Đài Loan nhưng phải về nước vì khiếu nại ông chủ không thực hiện đúng cam kết mức lương đã ký. Theo ông Quế, mức lương Bình ký trước đây là 15 triệu đồng/tháng, nhưng sang đó họ chỉ trả có 4 - 5 triệu đồng. “Lần này nó quyết tâm lắm nhưng nghe đâu là điều kiện làm việc hết sức khắc nghiệt, vừa nóng, vừa bụi. Không biết rồi sẽ ra sao. Nợ lần trước chưa trả xong, lần này mà thất bại nữa, nhà tôi có nước bán nhà trả nợ” - ông Quế lo lắng nói.

Trăm dâu đổ đầu... người lao động

Qua khảo sát tại một số DN thì cho thấy, phí XKLĐ cũng rất cao. Trong thông báo tuyển LĐ làm việc tại Nhật Bản, Cty nhân lực và công nghệ K.B.L (phường Lê Hồng Phong, TP.Thái Bình) nêu rõ các chi phí để 1 người đi XKLĐ gồm: Tiền lệ phí hành chính Cty (không hoàn lại trong bất kỳ trường hợp nào): 600.000đ; tổng số tiền chi phí xuất cảnh và các loại tiền dịch vụ là 6.500USD. Ngoài ra, LĐ phải tự lo tiền làm hồ sơ, hộ chiếu, lý lịch tư pháp, khám sức khỏe, học ngoại ngữ và giáo dục định hướng theo quy định.

Có 3 con trai đi XKLĐ, nhưng bà Trần Thị Lựu vẫn phải sống trong ngôi nhà xập xệ cùng món nợ 500 triệu đồng.Có 3 con trai đi XKLĐ, nhưng bà Trần Thị Lựu vẫn phải sống trong ngôi nhà xập xệ cùng món nợ 500 triệu đồng.


Đồng thời, người LĐ phải chuẩn bị 1 sổ đỏ để đặt cọc chống trốn, nếu không có sổ đỏ thì đặt cọc bằng tiền mặt 2.000USD. Theo một cán bộ Sở LĐTBXH, đây là một trong những DN có hiện tượng thu phí cao.  Còn tại Văn phòng tư vấn tuyển dụng LĐXH tại Thái Bình của Cty cổ phần phát triển nguồn lực và dầu khí Việt Nam (TP.Thái Bình), một nhân viên cho biết, phí XKLĐ sang Đài Loan là từ 5.700 - 6.200USD/LĐ; còn sang Nhật Bản là từ 6.000 -7.000USD/LĐ.

Trao đổi với PV về vấn đề nhiều LĐ phản ánh mức phí XKLĐ cao, Trưởng phòng Việc làm và an toàn lao động (Sở LĐTBXH Thái Bình) - ông Tăng Quốc Sử - cho biết: Nhà nước đã có quy định về phí XKLĐ, nhưng phí XKLĐ nhiều nơi bị đẩy lên cao là bởi đơn vị khai thác và đơn vị tuyển dụng phải qua nhiều đầu mối trung gian (có thể lên tới 3 - 4 DN). Nguyên nhân thứ hai là do nhu cầu và nhận thức của người LĐ và gia đình của họ. Nhiều người muốn được đi XKLĐ sớm, nên có tâm lý nhờ đến môi giới, nên lại phải mất thêm tiền cho đội cò mồi này.

Ông Sử dẫn chứng chi phí đi Hàn Quốc theo quy định, thì người LĐ phải nộp tổng cộng không quá 4.500USD. “Nhưng  tôi được biết, nếu đi Hàn Quốc, chi phí ngoài ý muốn người LĐ phải nộp thêm là 3.000 - 3.500USD (cộng với 4.500USD chi phí theo quy định). Người LĐ phải “cõng” chi phí gần như gấp đôi, nên hệ quả là khi người LĐ sang nước ngoài làm việc, họ nóng lòng muốn có nhiều tiền để nhanh chóng trả nợ, nhiều người đã “nhảy” ra ngoài làm để có thu nhập cao hơn” - ông Sử phân tích.  

Ở xã Cẩm Nhượng, huyện Yên Thành (Nghệ An), anh Hoàng Ngọc Hà rất phàn nàn về mức thu phí quá cao, dẫn đến thu nhập của người đi XKLĐ chẳng ăn thua gì: “Tôi nghĩ mức thu 21,5 triệu đồng để đi Malaysia là quá cao. Nếu thu ít hơn thì chúng tôi còn có thêm thu nhập. Còn như chuyến đi này của tôi và một số người khác coi như đi làm công không. Đi thế này thì nghèo hơn không đi”.

Chị Nguyễn Thị Hoa ở xã Cẩm Duệ, Yên Thành quyết đi XKLĐ với một ước nguyện cháy bỏng là có chút ít tiền để sửa sang lại căn nhà cho mẹ. Nhưng đã 21 tháng trời làm việc ở Malaysia cũng chỉ tích cóp được 60 triệu đồng. Trừ đi tiền nợ, tiền lãi, số còn lại không bõ bèn gì. Căn nhà ọp ẹp Hoa vẫn chưa thể sửa sang được cho mẹ.

Hợp đồng một đường, phí, lương một nẻo
Khi phóng viên Lao Động đi gặp những NLĐ vừa từ Malaysia trở về để tập hợp thông tin, củng cố những chứng cứ về sự thật đang được các cơ quan hữu trách che giấu thì ngày càng nhiều uẩn khúc được đưa ra ánh sáng. Trong bản hợp đồng xuất khẩu lao động (XKLĐ) mà chị Nguyễn Thị Sửu ở xã Thiên Cầm (Cẩm Xuyên - Hà Tĩnh) ký với Cty CP Việt Hà để đi XKLĐ Malaysia, thì mức phí chị phải đóng là 10.915.000đ, bao gồm: Tiền vé máy bay lượt đi: 240USD, phí môi giới, tư vấn: 250USD, phí dịch vụ XKLĐ (thu trước một năm): 100USD. Chị Sửu nói: “Tôi nộp cho chị Nguyễn Thị Quý (GĐ chi nhánh Cty Việt Hà tại Nghệ An) 11,5 triệu đồng, nộp tiền vé máy bay 3 triệu, còn 8 triệu thì sang làm việc họ đã trừ dần. Tổng số tiền mà tôi đã nộp là 21,5 triệu đồng”. Cũng theo hợp đồng, mức lương chị Sửu được hưởng là 971RM/tháng, nhưng chỉ được trả 838RM.

Theo Tất Thảo - Việt Thắng/ Lao động



LBL_RELATEDNAME
LBL_NEWERNAME
LBL_OLDERNAME