Sự tích làng Lòi

Thứ ba, 01 Tháng 2 2011 00:00
In
Nhắc đến làng Lòi, xã Viên Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An người ta liên tưởng ngay những phụ nữ đơn thân nuôi con. Ngôi làng khai sinh đã hơn 30 năm, thế hệ thứ 2 rồi thứ 3 đã sinh ra, nhưng tới nơi này một chiều đông lạnh cuối năm, chúng tôi vẫn thấy tiếng thở dài u buồn…

Những cô gái đi mở đất

Không ai còn nhớ chính xác ngày tháng thành lập ngôi làng này, nhưng đó là thời điểm của những ngày sau 30/4/1975. Chưa kịp hân hoan với niềm vui thống nhất nước nhà, không ít cô gái quá lứa ở xã Viên Thành (Yên Thành – Nghệ An) đã phải lo cho số phần hẩm hiu của mình. Họ là nữ thanh niên xung phong, dân quân tự vệ, bộ đội, những người đã không tiếc máu xương của mình cho tổ quốc. Nhưng khi về với thời bình, họ đã quá lứa lỡ thì và rất khó để có thể tìm cho mình được một tấm chồng.
Chị Nhan đang kể về sự tích làng Lòi (ảnh: HT)
Không cam chịu, 30 cô gái có cùng hoàn cảnh đã quyết định cùng rời làng cũ ra khai hoang ở một vùng đất mới và lập nên ngôi làng với tên gọi làng Lòi.
30 cô gái sống tập trung, tối lửa tắt đèn có nhau, có “sức hút” kỳ lạ đối với không ít người. Họ là những người “mạnh mẽ” theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng: kéo cày thay trâu và mọi công việc nặng nhọc thường là của những người… đàn ông khỏe mạnh.

“Xin” cho đủ nếp, tẻ

Sau một vài năm, cuộc sống nơi ngôi làng Lòi bắt đầu hình thành, họ sinh sống và sản xuất, những người phụ nữ không ngại cày bừa, lao động nặng nhọc như bao thành viên trong các gia đình khác.
Nhưng khi gánh nặng về kinh tế đã ở lại phía sau lưng thì sự cô đơn lại xuất hiện, khi thời gian chẳng đợi tuổi, bóng dáng của những đứa trẻ con làm chị em trăn trở. Như nghĩ đến phận già cô đơn của mình, họ đã “xin” cho mình một đứa con để nương tựa.
Chị Nguyễn Thị Nhan là một trong những người đầu tiên lập làng Lòi, kể lại: "Năm 1988, tôi đã làm liều “xin” đứa con và được một người đàn ông cùng huyện chấp nhận. Sau đó tôi "xin" tiếp một lần nữa và có đủ gái, đủ trai. Kể từ đó, tôi một mình nỗ lực nuôi con mà không cần bất cứ ai phải san sẽ gánh nặng".
Sau chị Nhan, còn có chị Tuyền, chị Hương, chị Tâm… tổng cộng là 29 người nữa tiếp bước và lập nên ngôi làng Lòi “huyền thoại”. Chị em làng Lòi theo nhau “xin” mụn con từ những người đàn ông mà họ biết. Tất nhiên, lúc bấy giờ việc làm đó chị em làng Lòi đi ngược với quan niệm và định kiến xã hội, nhưng âu đó cũng là điều dễ hiểu, bởi phận là phụ nữ ai chẳng khát khao thiên chức được làm mẹ. Như hiểu cho thân phận éo le và khát khao của chị em làng Lòi nên không ai lên tiếng, hay xì xào bàn tán bất cứ chuyện gì.

Con đi Tây…

Nay nhiều ngôi nhà mới và đẹp đã mọc lên, những ngôi nhà cao tầng mọc lên san sát, làng Lòi năm xưa nay cũng đã được đổi tên thành thôn Đội Cung (xã Viên Thành), nhưng căn nhà của chị Nhan thì vẫn vậy. Đứa con gái lớn đã lấy chồng, còn thằng sau thì vừa mới đi xuất khẩu lao động, thành ra chị Nhan bây giờ phải sống thui thủi một mình.
Làng Lòi nay đã được đổi thành thôn Đội Cung (ảnh: HT)

Người dân ở đây cho biết, làng đang có phong trào đi Tây, mà hầu như ai đi về cũng lắm của. Tưởng rằng, với sự phát triển của xóm làng, chị em làng Lòi cũng may mắn hưởng lợi và giám bớt đi phần nào nỗi lo cơm áo. Trong câu chuyện với chị Lưu, chúng tôi lại nghe những tiếng thở dài. Chị Lưu bảo rằng, phải bán đất, chạy đôn chạy đáo khắp nơi mới kiếm được 120 triệu cho đứa con trai đi xuất khẩu lao động. Nhưng sang làm việc ở Tây Á, chị cũng không biết được con mình sống thế nào, bởi thông tin lúc có lúc không, khiến chị ngày đêm thấp thỏm.
Thân phận
Hoàn cảnh của chị Nguyễn Thị Hương còn đáng thương hơn nhiều. Chị bị tật nằm một chỗ từ gần chục năm nay, mọi việc trong gia đình do đứa con trai Nguyễn Văn Hồng (SN 1987) lo liệu hết. Nhưng bởi làm việc quá sức, năm 2004, Hồng bị chết khi đi bắt rạm trên cánh đồng làng, nguyên nhân sau này được xác định là do say nắng. Chị Hương hiện đang sống trong 2 gian nhà tình nghĩa do xã Viên Thành làm cho, nhưng mọi việc sinh hoạt đều phải nhờ đến bà con chòm xóm.
Rồi cho đến hoàn cảnh của chị Xuân cũng không mấy làm may mắn. Chị có 3 người con thì một người chết vì bệnh ung thư, người nữa thì tàn tật. Cuộc sống cơ cực, chị Xuân phải bươn chải khắp nơi để lo cho những đứa con tội nghiệp của mình. Hay như chị Tâm, người chỉ có một đứa con duy nhất bỗng dưng mất tích, nay chưa rõ tung tích. Nhiều năm nay, chị Tâm sinh ra lẫn thẩn, suốt ngày gọi tên con.
Dù sao đi nữa, như chị Nhan và chị Hương còn đỡ, vì vẫn có những đứa con để cảm nhận và nếm trãi vui – buồn, hạnh phúc – bất hạnh. Âu là con người, ai chẳng phải trãi qua những tâm trạng như vậy. Còn tình cảnh như chị Bốn, chị Đạt sống trong nỗi cô đơn không người nương tựa. Hai bà ban đầu cũng có tâm nguyện kiếm một đứa con nương tựa lúc tuổi già, nhưng bởi nhiều lý do nên đã không được toại nguyên. Trước hoàn cảnh của hai người, chính quyền xã kêu gọi nhân dân đóng góp xây dựng hai ngôi nhà tình nghĩa.
Sự tích làng Lòi mỗi năm được người ta biết đến nhiều hơn…
Theo Hồng Thắng / Báo VTC

Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: