80% xương bò, sừng trâu trong “thần dược”

Thứ hai, 17 Tháng 12 2012 00:00
In
Người viết bài này từng tiếp xúc với một chủ cửa hàng bán thịt chó tại Hà Tĩnh và được người này hé lộ, xương chó không vứt đi mà được ngâm hàng tháng trời dưới mương nước rồi gom đem bán cho những chủ nấu cao. Nấu cao gì thì ông biết nhưng một điều chắc chắn là chẳng ai thừa nhận nấu cao chó, bán cao chó...

Nuôi hổ như nuôi lợnNuôi hổ như nuôi lợn

NUÔI HỔ TĂNG TRỌNG NHƯ NUÔI LỢN

Trào lưu uống mật gấu chữa bệnh lắng xuống thì người dân lại rỉ tai nhau mua cao hổ xịn chữa các bệnh xương khớp hay dùng sừng tê giác để “trị” bệnh ung thư. Các tay buôn thường mời chào kiểu lấp lửng, họ có chung nhau nấu với ai đó hổ “xịn” để người mua không nghi ngờ. Đã từng có những người bỏ hàng chục triệu để mua một lạng cao hổ mà kết quả chữa bệnh chẳng rõ công hiệu đến đâu.

Có lẽ vì vậy mà “ông ba mươi” xuống núi liên tục. Nói tới hổ là nghĩ tới chốn thâm sơn cùng cốc nhưng nay hổ hạ sơn, về đồng bằng, sống chung trong các khu dân cư và được nuôi kiểu tăng trọng.

Cách đây năm năm, báo chí loan tin gia đình ông Nguyễn Mậu Oai ở Thọ Xuân, Thanh Hóa nuôi nhốt một đàn hổ lên tới mười con ngay trong tư gia. Tại địa bàn này, cùng thời điểm, lực lượng chức năng phát hiện trong nhà một cán bộ chính sách xã Xuân Tín cũng có tới năm “ông ba mươi”, trọng lượng ba, bốn mươi ký nuôi trong vườn nhà.

Sau nhiều năm, kể từ khi vụ nuôi nhốt trái phép loại động vật hoang dã quý hiếm (thuộc nhóm IB) có quy mô lớn bị phát hiện, tình trạng trên có chiều hướng gia tăng. Tại một số nơi ở Nghệ An, việc nuôi nhốt hổ “bùng” lên giống như phong trào “trồng rau, nuôi lợn” thời bao cấp.

Vào cuối tháng 10 vừa qua, các ban, ngành chức năng huyện Yên Thành và cả tỉnh Nghệ An nháo nhào vào cuộc kiểm tra, xác minh khi được tin một số cá thể hổ đang được nuôi nhốt thành đàn (bốn con) ngay cạnh phòng khách của một gia đình ở xã Đô Thành, suốt hơn năm trời mà không hề bị ai phát hiện. Tiếp đó, ngày 6-11-2012, Công an huyện Diễn Châu (Nghệ An) đã khám xét và phát hiện thêm hai cá thể hổ nặng chừng 70kg được nuôi giữ trái phép tại nhà riêng của ông Nguyễn Văn Sáng, trú ở xóm 5 xã Diễn Quảng. Qua xác minh, công an huyện khẳng định, chuồng hổ nuôi nhốt trong nhà ông Sáng có liên quan đến một hộ nuôi hổ trái phép ở “vùng hổ” Đô Thành (Yên Thành, Nghệ An).

Trả lời báo chí, một số hộ đã không ngần ngại nói rằng, việc nuôi hổ giống như làm “mô hình kinh tế” và nó có thể giúp họ đổi đời một cách nhanh chóng. Vì vậy, ban đầu chỉ một nhà nuôi, sau đó nhận thấy kết quả siêu lợi nhuận, nhiều gia đình ở đây đã học theo “mô hình” này đi mua con giống, tập “tăng gia”. Được biết, một con hổ giống (ba kg) được mua với giá 150-180 triệu đồng, sau một năm có thể đạt tới trọng lượng từ 130-170 kg, giá hổ trưởng thành khi xuất chuồng lên tới năm triệu đồng/kg. Món lợi này khiến nhiều người mơ ước, và ngày càng muốn lao vào.

BỊ LỪA VÌ CHƯA BAO GIỜ THẤY

Hiện tác dụng của các loại sản phẩm từ động vật hoang dã như cao hổ, sừng tê giác... y học chưa kiểm chứng nhưng theo các nhà chuyên môn, nếu có, thì việc nuôi hổ kiểu tăng trọng như nuôi lợn như tại Nghệ An cũng chẳng có hiệu quả gì. Một tiết lộ của một chuyên gia giám định các vụ buôn bán sản phẩm từ động vật hoang dã khiến không ít người phải giật mình, đó là có tới 80% là xương trâu, bò trong các vụ nghi nấu cao hổ. “Như vụ nấu cao hổ ở Thanh Xuân bị bắt gần đây khi giám định chỉ có một vài mẩu xương sườn hổ, còn lại toàn bộ là xương trâu. Trường hợp này, cơ quan chức năng chỉ phạt hành vi gây ô nhiễm môi trường mà thôi”, vị này cho biết.

Giám đốc một trung tâm cứu hộ động vật hoang dã thì cho biết, rượu ngâm rắn mà trung tâm tiếp nhận trong các vụ cứu hộ chủ yếu ngâm với phoóc-môn để giữ cho con rắn được đẹp và lâu!

Còn với sừng tê giác, ông Đỗ Quang Tùng, Phó Giám đốc Cơ quan Quản lý CITES Việt Nam nói, chắc chắn rất ít người dân Việt Nam đã nhìn thấy sừng tê giác thật, nên sẽ bị lừa. “Chúng tôi có nhiều kinh nghiệm thế mà nhìn bằng mắt thường còn khó phân biệt thật giả. Chúng tôi đã từng phục bắt các vụ buôn bán sừng tê nhưng kết quả toàn là sừng trâu nước châu Phi. Tôi khẳng định ở Việt Nam phần lớn là sừng tê giác giả”, ông Tùng khẳng định. Nhân chuyện sừng tê giác giả, ông Tùng giãi bày chuyện Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) xác định Việt Nam là quốc gia tiêu thụ sừng tê giác với số lượng lớn nhất là không đúng. Theo ông Tùng, cách họ điều tra đi vào Bệnh viện K hỏi người nhà các bệnh nhân, nhiều người muốn dùng sừng tê giác để chữa bệnh và kết luận Việt Nam là thị trường tiêu thụ lớn là không đúng. “Với giá hàng chục nghìn đô-la thì người dân Việt Nam lấy đâu ra tiền mà mua sừng tê giác!”, ông Tùng nhận định.

Theo Duy Nguyên/ Báo Nhân dân

LBL_NEWERNAME
LBL_OLDERNAME