Bệnh viện Đa khoa Yên Thành: 3 phát tiêm... chết một mạng người?

Thứ hai, 12 Tháng 3 2012 00:00
In

Sau khi được một bác sĩ và một y tá thuộc Bệnh viện Đa khoa huyện Yên Thành (BV Yên Thành) tiêm cho một lọ thuốc, bệnh nhân Trần Thị Ngọc, 31 tuổi ở xóm Hòn Nen, xã Mã Thành (Yên Thành - Nghệ An) ngay lập tức phải cấp cứu, tuy nhiên nạn nhân đã không thể qua khỏi cơn nguy kịch.

 

Cái chết tức tưởi

Do hai con nhỏ bị bệnh phải nhập viện để chữa trị tại khoa Nhi (BV Yên Thành) nên chị Trần Thị Ngọc phải bên cạnh chăm sóc các con. Ngày 06/3/2012, chị Ngọc cảm thấy đau đầu dữ dội nên đã nhờ sự can thiệp của các y bác sĩ BV.

Theo lời kể của anh Phan Văn Thuyết (chồng chị Ngọc), thấy vợ có biểu hiện lên cơn đau, gia đình đã nhờ bác sỹ Diện, Phó trưởng khoa Nhi khám và kê đơn thuốc. Sau một ngày điều trị theo đơn thuốc mà bác sĩ Diện kê bệnh nhân bớt đau đầu hơn. Đến ngày thứ hai, vào lúc khoảng 9 giờ 30 phút, ngày 07/3, một bác sỹ và một y tá tiếp tục tiêm thuốc điều trị cho chị Ngọc nhưng sau khi tiêm xong thì chị bị co giật, bất tỉnh. Trước diễn biến ấy, vị y tá đã gọi cho trưởng khoa báo cáo tình trạng bệnh nhân và ngay lập tức bệnh nhân Ngọc được chuyển vào khoa cấp cứu.

Nạn nhân xấu số chết vì xốc thuốc Trần Thị NgọcNạn nhân xấu số chết vì xốc thuốc Trần Thị Ngọc

Chồng nạn nhân, anh Phan Văn Thuyết, nhớ lại giây phút kinh hoàng lúc đó: “Trước khi chưa tiêm thuốc thì vợ tôi bình thường, không có biểu hiện gì lạ. Sau khi một bác sĩ và một y tá tiêm thuốc vợ tôi lịm dần, bất tỉnh và được người ta cho vào phòng cấp cứu. Tuy nhiên, vợ tôi đã không thể qua nỗi cơn nguy kịch...”.

Sau khi chị Ngọc được chuyển vào phòng cấp cứu, dưới sự chỉ đạo của ông Nguyễn Duy Chính, Phó giám đốc Bệnh viện khẩn trương cấp cứu nhưng không thể cứu sống nạn nhân.

Ai phải chịu trách nhiệm?

Ông Chính cho biết: “Nghe báo cáo nhanh của y tá về sự việc của bệnh nhân Trần Thị Ngọc, lập tức tôi đã huy động các đồng nghiệp nỗ lực cấp cứu cho bệnh nhân, tuy nhiên dù đã rất cố gắng, hơn 4 giờ đồng hồ liên tục cấp cứu chúng tôi cũng đã không thể cứu sống được chị Ngọc”.

Trao đổi với phóng viên Kinh tế nông thôn, ông Chính xác nhận nguyên nhân khiến bệnh nhân Trần Thị Ngọc chết là do sốc thuốc. Loại thuốc dùng để điều trị cho chị Ngọc và khiến nạn nhân tử vong là thuốc ZEFPOCIN Cefotaxime. Đây là thuốc kháng sinh, do Công ty cổ phần Dược phẩm Trung ương 1 sản xuất. Số thuốc dùng để điều trị cho bệnh nhân Ngọc được người nhà mua tại quầy bán thuốc của bệnh viện theo sự chỉ dẫn của bác sĩ Diện, Phó khoa Nhi.

Người nhà nạn nhân kể lại toàn bộ sự việc cho phóng viên.Người nhà nạn nhân kể lại toàn bộ sự việc cho phóng viên.

“Ngay sau khi sự việc xảy ra, tôi đã cho người xác minh, kiểm tra số thuốc nói trên xem có vấn đề gì không. Kết quả cụ thể tôi sẽ báo cáo đầy đủ cho cơ quan chức trách nếu họ cần. Về dòng thuốc này trong thời gian qua đã có 9 trường hợp có biểu hiện dị ứng khi điều trị nhưng bệnh nhân Ngọc là người duy nhất bị nặng nhất, tử vong”, ông Chính nói.

Điều đáng nói, tuy sự việc đã diễn ra nhiều ngày nhưng cho đến thời điểm này thì phía Bệnh viện chưa có một bản báo cáo cụ thể nào. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, nạn nhân Nguyễn Thị Ngọc mặc dù được điều trị mấy ngày liền trong bệnh viện và bị tử vong ngay trong bệnh viện nhưng không có hồ sơ nhập viện. Về vấn đề này ông Chính cũng đã thừa nhận việc làm sai trái so với quy định của luật pháp: “Chúng tôi sai ở chỗ là không làm hồ sơ, bệnh án nhập viện cho nạn nhân Ngọc nhưng vẫn thực hiện việc điều trị ngay trong bệnh viện và cũng khiến nạn nhân sốc thuốc chết trong bệnh viện. Rõ ràng là sai, nhưng việc này tôi cũng không được báo cáo, sai ở khoa nào thì khoa đấy phải chịu, sai ở cá nhân nào thì cá nhân đó phải chịu trách nhiệm.”

Thuốc tiêm gây nên cái chết của nạn nhânThuốc tiêm gây nên cái chết của nạn nhân

Bà Nguyễn Thị Quỳnh, mẹ ruột nạn nhân cho biết: “Gia đình đã trao đổi với bác sĩ Diện về việc làm thủ tục nhập viện cho con tôi, tuy nhiên khi tôi nói ra thì bác sỹ Diện hỏi tôi là con bác có bảo hiểm y tế không? Tôi bảo không có thì bác sỹ Diện bảo là thôi không phải làm thủ tục cho đỡ tốn tiền, để chúng tôi chữa trị cho luôn. Con tôi giờ chết rồi nhưng phía bệnh viện thật thiếu trách nhiệm, không có một lời nói, hành động tỏ ra ăn năn...”.

Đề nghị các cơ quan chức năng nhanh chóng vào cuộc làm sáng tỏ vấn đề. Chúng tôi sẽ tiếp tục cập nhập thông tin về sự việc này./.

Theo nhóm phóng viên miền trung/ Kinh tế nông thôn

 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: