Cần bắt hết những cô đồng lừa bịp 'gọi hồn'

Chủ nhật, 28 Tháng 2 2010 00:00
In

Sau khi người nhà hỏi hết chuyện, ả lại ngồi dậy và tỉnh táo như thường rồi chuyển sang “gọi hồn” cho người khác. Điều đáng nói là trong quá trình “gọi hồn” khách có thể dùng đài cattset hay điện thoại di động để ghi âm lại cuộc nói chuyện giữa tín chủ với “hồn người chết”. Nếu ai có nhu cầu thì bà ta cũng bốc thuốc cho. Thuốc của bà cũng đơn giản, chỉ là mấy nắm lá và mấy câu “thần chú” là xong.

Chị Nguyễn Thị T xã Hồng Thành, Yên Thành (Nghệ An) dẫn chúng tôi đến bà Hồ Thị Đề xóm 8 xã Hùng Thành, Yên Thành để gọi hồn người chết về nói chuyện.

Gọi hồn là việc nhảm nhí, tạo ’công ăn việc làm’ cho nhiều người


Trước khi đi chị T có dặn kĩ rằng: “đã đi thì em phải kiên trì, ít nhất phải đợi hai hôm mới đến lượt mình vì người đến gọi hồn rất đông”.

 

Bà Đề đang nằm bất tỉnh để chuẩn bị ’nhập hồn’

Từ chợ Mõ xã Hậu Thành, Yên Thành, đi về phía Tây 3 Km, chúng tôi rẽ vào một con đường đất, đi tiếp 2 km nữa là đến nhà của bà Đề. Vừa vào, chúng tôi đã phải ngạc nhiên vì những điều chị T nói trước khi đi là không sai. Có lẽ vì thế mà phía ngoài cổng, bà Đề cho người trông giữ xe miễn phí?

Bên cạnh là quán cơm phở bình dân, bán hương khói và đồ mã, dịch vụ cho thuê băng đĩa và ghi âm... nếu khách ở xa có nhu cầu thì sẽ đáp ứng luôn khâu nhà trọ.

Vào nhà, chúng tôi thấy khoảng 30 người đang ngồi xung quanh bà Đề để chờ “gọi hồn”. Bà dành một căn nhà 3 gian rộng thênh thang để cho khách ngồi xem bà hành sự.

Trông xe miễn phí nhưng bán hàng mã và cơm


Bắt đầu cho một lần “gọi hồn người chết”, đầu tiên, người đi gọi hồn phải ghi danh sách vào một quyển sổ rất dày bà để sẵn trên bàn. Sau đó thắp hương và đặt lễ. Lễ cũng tuỳ vào lòng thành của khách. Vài chục ngàn, vài trăm hay mấy cân hoa... quả cũng được.

Quyển sổ mà chúng tôi ghi tên đã dày cộm với hàng trăm khách hàng đã đến để nhờ bà gọi hồn cho người thân, chủ yếu là người ngoài xã, ngoài huyện và cả các tỉnh khác đổ về đây chứ tuyệt nhiên không có người dân xã Hùng Thành.

Một chị quê Nam Đàn nói: “em vào đây từ lúc sáng, chờ mãi mà chưa thấy đến tên mình, nhà xa nên chắc phải ngủ trọ đây để mai chờ đến lượt chứ không về”.

 

Dịch vụ cơm, ghi băng, hàng mã ’ăn theo’

Trước đó mấy ngày có một cặp vợ chồng quê ở tận Thanh Hoá đánh cả ô tô về đây chờ mấy ngày để nhờ bà gọi hồn cho người thân.

Việc gọi hồn của bà Đề thật đơn giản. Bà chỉ đọc lại bản ghi danh của khách rồi khấn dăm câu ba chữ sau đó lăn đùng ra giữa chiếu. Lúc đó, người nhà tha hồ hỏi... bà cũng tha hồ thao thao bất tuyệt.

Một tín chủ quê Nam Đàn được bà khấn: “tín chủ con là Lê Trọng C đi gọi hồn cho ông tổ là Lê Trọng Ch quê Nam Tân, Nam Đàn, Nghệ An nam mô a di đà phật” rồi lăn đùng ra và nói: “không phải ông tổ mô, mẹ có nhận ra con không rứa, mẹ có thương con không...”. Chưa biết chuyện gì nhưng nghe hỏi chị C cũng có và gật đầu lia lịa.

Rồi bà nói tiếp: “Mua sữa cho con, mua cho con ba bộ áo quần, đốt tiền cho con...”. Những điều bà nói cũng hết sức chung chung đại loại như: phần hương hoả nhà ta là tốt không có gì sai sót, sau nhà nhiều rác quá cần phải dọn cho sạch sẽ...”.

Gọi hồn là việc nhảm nhí, tạo ’công ăn việc làm’ cho nhiều người


Một anh quê ở Nghĩa Đàn nói với giọng thất vọng: “em đến đây để gặp bố xem việc bốc mộ thế nào nhưng không gặp được mà chỉ gặp người đâu đâu đã chết từ lúc nào em cũng chẳng biết”. Những câu hỏi nào “hóc búa” là bà “bất tỉnh” luôn, người nhà chờ mãi cũng không thấy bà nói bất cứ câu gì.

Đó là trường hợp của chị Nguyễn Thị H, Mã Thành, Yên Thành. Chị hỏi: “gia đình cúng cha như thế có gì sai sót không?”. “Cúng như thế là được”. Ả nói.

Chị hỏi tiếp: “lễ cầu siêu chúng con làm như thế có gì sai sót không?...” và đến câu hỏi: “thế cha có biết việc gì đang xảy ra ở họ mình không?” thì ả im đến... 7 phút và chị đành phải ra về mà chẳng được chuyện gì.

Sau khi người nhà hỏi hết chuyện, ả lại ngồi dậy và tỉnh táo như thường rồi chuyển sang “gọi hồn” cho người khác.

Điều đáng nói là trong quá trình “gọi hồn” khách có thể dùng đài cattset hay điện thoại di động để ghi âm lại cuộc nói chuyện giữa tín chủ với “hồn người chết”.

Nếu ai có nhu cầu thì bà ta cũng bốc thuốc cho. Thuốc của bà cũng đơn giản, chỉ là mấy nắm lá và mấy câu “thần chú” là xong.

Sau khi “đến tận nơi, xem tận mặt” việc gọi hồn của bà Đề, ra đến cổng, chúng tôi gặp một người dân địa phương ở đó nói: “các chú chứ chúng tôi đây chẳng bao giờ tin chuyện gọi được hồn cho người chết cả. Mà có người chết nào ở tận mãi âm phủ mà bà ta chỉ gọi có một phút là về ngay, có mà đi máy bay cũng chẳng nhanh đến thế”.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Phúc - Chủ tịch UBND xã Hùng Thành, Yên Thành cho biết: “Chính quyền địa phương đã biết việc gọi hồn của bà Đề. Năm 2006, chính quyền đã tịch thu băng đài, bộ gõ của bà nhưng được một thời gian bà lại tiếp tục hành nghề. Ông Phúc cũng cho biết nhiều lần xã đã cho người xuống kiểm tra nhưng mỗi lần xuống là bà lại không hành sự nữa”.

Hiện nay, hoạt động mê tín diễn ra nhiều nơi nhưng xem ra chính quyền địa phương vẫn còn “buông lỏng” thậm chí có nơi còn công nhận đó như một nghề. Một số người dân do nhận thức thấp nên rất dễ bị mê hoặc, thậm chí họ trở thành “loa truyền thanh” để đồn thổi cổ vũ họ.

Mong rằng chính quyền địa phương các cấp nói chung và xã Hùng Thành, Yên Thành nói riêng, cần tuyên truyền rộng rãi cho nhân dân hiểu rõ đồng thời cũng có biện pháp cứng rắn và triệt để các hình thức hoạt động mê tín dị đoan này.

Theo CA Nghệ An


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: