Lại chuyện 'nước thánh' chữa bách bệnh

Chủ nhật, 18 Tháng 10 2009 00:00
In
Hai tuần nay, người khắp các xã, các huyện lân cận kéo nhau về xóm Vĩnh Phúc, xã Vĩnh Thành (Yên Thành - Nghệ An) để xin nước thánh và nhờ thánh mẫu nhập đồng chữa bệnh.

Sáng 13/10, chúng tôi có mặt tại lèn đá Vĩnh Phúc (thường gọi là lèn Vĩnh Tuy). Mới sáng sớm, mọi người tập trung rất đông trước miệng hang nơi thánh ứng và ban nước thánh.

Khu vực lèn Vĩnh Tuy (Yên Thành, Nghệ An), nơi nhiều người từng đến xin nước thánh. Ảnh: Đ.Đăng

Được biết, những người này đến đây từ sớm, chờ đến giờ thánh nhập để “xin thuốc” cho mình hoặc cho thân nhân. Họ đến từ các xã lân cận như Tăng Thành, Công Thành (Yên Thành) và các huyện Đô Lương, Diễn Châu (Nghệ An)...

Theo lời những người trông xe và bán hàng quán dọc đường vào lèn, mẹ được bề trên nhập vào giúp cứu nhân độ thế và, mẹ với nước thánh trời ban, có thể chữa được bách bệnh.

Người phụ nữ trông xe kể với giọng quả quyết: “Bà Giáp ở Trung Thành (Yên Thành) hôm kia mới vào nhờ mẹ chữa mắt. Lúc vô hang còn mù, phải có người dìu đi. Sau khi uống nước thánh, mắt đã sáng tỏ. Có bà kia lưng còng, mẹ dùng nước thánh xoa bóp một lúc. Khi đi ra đã thấy lưng thẳng”.

Những người đến đây chủ yếu là người già và phụ nữ nông thôn. Một số đến xin nước thánh cho biết, từ sáng sớm cho đến 10 giờ sáng, mẹ ở trong nhà xem bói.

“Bây giờ ghi tên chắc đợi tháng sau mới đến lượt”. Từ 10 giờ sáng đến 1 giờ chiều là thời gian thánh nhập. “Hôm nào đông người thì mẹ xin bề trên chữa cho bệnh nhân đến 4 giờ chiều. Mỗi hôm mẹ chỉ chữa cho 5 - 6 người và luôn ưu tiên người già, trẻ nhỏ” - một chị nói.

Trong thời gian mẹ chưa ra, hai người đàn ông khoảng 40 tuổi đứng ra hướng dẫn mọi người nghi thức, nghi lễ khi vào hang xin nước thánh. “Chúng tôi cùng người trong xóm này, thỉnh thoảng ra đây giúp người thôi” - một người nói. Xung quanh là những thanh niên đứng rải rác như canh chừng những người đến lễ.

Chúng tôi hỏi người đàn ông vẫn tất bật hướng dẫn nghi lễ khi vào hang thì được chỉ bảo tận tình: “Anh mua lễ vào hang, sau khi thắp hương, khấn nam mô a di đà phật năm lần, báo rõ tên tuổi bệnh nhân, bệnh gì, rồi lại múc nước thánh. Sau khi múc, cầm cốc nước lại cảm tạ thần linh rồi uống hết. Nếu xin cho thân nhân thì cho vào chai mang về. Khi uống cũng phải khấn và ngửa mặt lên trời tạ ơn thần linh. Nhưng nước thánh chỉ được uống sau 10 giờ sáng. Ai bị què hay bị thương ở mình, tay, chân thì để lại một ít xoa bóp vào chỗ đau sẽ khỏi”.

Cửa hang rộng gần 1m, phía trên chắn ngang bằng phiến đá khá to, khi ra vào đều phải cúi. Phía trong, ngay bên trái cửa là một phiến đá lớn được dùng làm bàn thờ. Phía dưới là mấy phiến đá nhỏ gập ghềnh, ghép lại thành nền, chỉ đủ cho 5 - 6 người đứng lễ. Xuống dưới là một vũng nước nhỏ, trong vắt, ăn sâu vào lòng hang. Nước ở đó được gọi là nước thánh.

Chân dung cha, mẹ


Ngoài mẹ, ở đây còn có cha giúp chữa bệnh những lúc mẹ bận xem bói chưa ra được.

Chúng tôi đang theo dõi tình hình. Họ nói chỉ lập hòm công đức chưa có hoạt động thu tiền. Chiều 13/10, chúng tôi yêu cầu những người liên quan giải trình. Sau khi nắm bắt rõ, sẽ báo cáo lên huyện. - Ông Trần Xuân Bảy, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thành.


Lúc chúng tôi vào, phía bên trong hang, bên cạnh lối đi, có một người đàn ông ăn mặc gọn gàng đang nằm ngửa dưới đất, miệng rên, tay chân co giật như lên đồng, xin bề trên ban cho “quyền năng dùng nước thánh tạo phúc cho thiên hạ”. Cạnh đó, những người đến xin nước thay nhau lễ và xin nước thánh. Có người uống luôn, có người bỏ vào chai mang về.

Khi thánh đã nhập vào cha, người đàn ông khoảng 60 tuổi từ đầu vẫn đứng cạnh lối đi, lại gần và nhờ thánh chữa những vết thương trên người. Thánh vẫn nằm dưới đất, gọi người đàn ông lại gần và dùng tay trái xoa nhẹ ngoài áo. Một lúc sau, người đàn ông đứng dậy, cảm tạ đi ra, vẻ mặt như chưa từng bị thương. Sau đó, những người khác bắt đầu thay nhau trình bày bệnh tật và nhờ thánh chữa giúp.

Đúng 10 giờ, trong khi cha đang chữa bệnh thì người đàn ông bên ngoài đi vào báo mẹ đến, yêu cầu thanh niên ra ngoài, ưu tiên người già và trẻ nhỏ ở lại. Đi sau mẹ là hàng chục người, đa số là cụ già, phụ nữ và những đứa trẻ tò mò trong xóm.

mẹ khoảng 20 tuổi, ăn mặc có vẻ rất hợp mốt. Khuôn mặt mẹ thờ thẫn, vừa đi vừa ngó nghiêng xung quanh. Sau khi chọn những người xứng đáng cùng vào hang, mẹ bắt đầu làm lễ trong khi người ở ngoài chen chúc ngó vào.



Sự thật về mẹ

Những người đến đây hầu hết là ở xa, khi nghe tin cô Bền (mẹ) được thánh nhập thì lập tức kéo nhau đến xin nước thánh về chữa bệnh. Dân trong xóm hầu như không ai tin chuyện nước trong hang có thể chữa bách bệnh, ngoại trừ họ hàng nhà cô Bền.

“Chúng tôi ở đây bao nhiêu năm, làm gì thấy chuyện nước trong hang chữa được bách bệnh” - một người phụ nữ chăn trâu gần đấy nói.

Những người đến đây đồn rằng, hôm trước có mấy người chen nhau vào hang làm mất trật tự, bị thánh quở sùi cả bọt mép, gân xanh nổi đầy mặt. “Ai vào xin mà không thành tâm thì nước thánh sẽ trở thành thuốc độc” - một chị nói. Ở đây còn nhiều quy định khác như người có tang không được vào lễ, khi vào hang phải bỏ giày dép ở ngoài, ai bẩn thỉu, hôi hám không được vào hang, v.v.

“Trước đây bọn em đi chăn trâu suốt ngày vào hang tắm có sao đâu. Bây giờ chỗ đó lại thành nước thánh” - em Đ. vừa tò mò ngó vào hang vừa nói với chúng tôi.

Những người trông xe, bán hàng đều là họ hàng nhà cô Bền. Kể cả người phụ nữ vẫn đi cùng cô và truyền nghề thầy bói cho cô cũng là họ hàng. Người trong xóm nói, cô mới đi xuất khẩu lao động ở Malaysia về chưa được một tháng, mở quán bia nhưng không có khách do trời bắt đầu trở lạnh. Bây giờ lại thấy cô thành thánh.

“Nghe đâu bà Giáp ở Trung Thành được chữa sáng mắt hôm nọ cũng là họ hàng nhà cô ấy”, một bà cụ cho hay. Được biết, lèn Vĩnh Tuy là khu vực di tích quân sự do UBND xã Vĩnh Thành quản lý. Xã đã xây tường bao quanh và thuê người trông coi, bảo vệ nhưng nhiều người vẫn tụ tập trong khu vực lèn.



Theo Đ. Đăng - P. Tiến - N. Thiệu/ Báo Tiền Phong

Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: