Chuyện của người phụ nữ làm phúc tại 'ngôi nhà buồn'

Thứ bảy, 30 Tháng 7 2011 00:20
In

Có một người phụ nữ không chồng, không con từ lâu vẫn được nhiều người dân trong và ngoài tỉnh kính nể, biết đến như một vị "cứu tinh" của những linh hồn chết. Đó là chị Nguyễn Thị Sáu, 55 tuổi, công tác ở Bệnh viện huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An.

Sống chết vì "nghề"

Trong tiết trời oi bức, bụi đường mù mịt, lần theo những cung đường ngoằn ngoèo đầy ổ gà, ổ voi… chúng tôi tìm về xã Vịnh Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Hỏi thăm nhà bà Sáu ngay từ đầu xã ai cũng biết, họ tận tình nói về bà với ánh mắt đầy thán phục. Em Mai Hoa tình nguyện dẫn đường, thỉnh thoảng ngoái đầu lại nói: "Các anh chắc là người ở xa đến phải không? Chứ vùng này ai cũng biết nhà bà hết không phải hỏi đường. Bà Sáu nhà lúc nào cũng đông khách".

Sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng, với 9 anh chị em, bà là người con thứ 6, ừa rót trà, bà Sáu cười, chia sẻ: "Mẹ tui có kể cho tui nghe thời chiến tranh, đất nước loạn lạc đang cần những người ra trận, nên phải đẻ cho nhiều con để phục vụ đất nước. Mẹ tui nói để cho dễ nhớ nên đặt tên theo số, tui là con thứ 6 nên đặt tên Sáu luôn".

Bố luôn vắng nhà, mấy anh chị đầu cũng đã nhập ngũ, mẹ lại đau ốm triền miên; vì thế bà là người phải gánh vác lo toan mọi việc trong gia đình. Không nề hà bất cứ việc gì. Là phận "liễu yếu đào tơ" nhưng tỏ ra rất mạnh mẽ. Bà kể "cái duyên" đến với công việc này: "Lúc đầu xin vào làm công tác đội, có nghĩa làm tất tần tật từ A đến Z, chứng kiến tận mắt bao nỗi đau của bệnh nhân khi vào đây, mỗi người mỗi hoàn cảnh. Có một hôm trời đã sắp tối, tôi thấy một cô bé thân hình tiều tụy đang ngồi khóc ở hành lang bệnh viện, tui hỏi ra mới biết cha cô bé vừa mới qua đời đã đưa vô "ngôi nhà buồn", tui đã ra thắp hương làm thủ tục bỏ tiền túi ra mua hòm vỏ khâm liệm cho cha cô bé. Lúc nớ tuổi mới 18, là con gái, tui cũng sợ lắm khi lần đầu tiên tiếp xúc với xác chết. Nhưng thôi đánh liều, cứ làm những gì lương tâm mách bảo. Rồi dần dà, cũng quen”.

Thời gian năm tháng cứ thế trôi đi, công việc mà nhiều người cho bà bị dở hơi, chập mạch… việc gì không làm lại lao đầu vào những nơi "chết chóc". Nhiều lúc bà nghĩ cũng hơi bùn tủi, một thân một mình làm ở chốn "thiên đường", những bóng ma vẫn cứ lởn vởn bên bà. Nhưng bà không sợ, việc thiện sao nỡ bị phụ lòng. 

Được bà Sáu dẫn đến chỗ làm việc đã gắn bó suốt 28 năm, mở cánh cửa chúng tôi cảm thấy người tê lạnh đi, đó là gian phòng lưu giữ thi hài, xử lý xác chết. Sàn nhà và các vật dụng sạch bóng nhưng mùi tử khí vẫn phảng phất, pha trộn mùi thuốc sát trùng. Yêu cầu lưu giữ thi hài ở "ngôi nhà buồn" luôn luôn chìm trong không khí lành lạnh, người bên ngoài bước vào khó tránh khỏi cảm giác rờn rợn. Thế nhưng, bà Sáu vẫn "vào sinh ra tử" ở đây gần hết cả cuộc đời.

Bà Sáu lục tìm những kỷ niệm khó quên trong quãng thời gian 28 năm làm công việc đặc biệt này. “Năm 1993, tui có một kỷ niệm khó quên mà bây giờ vẫn in đậm trong đầu. Hôm đó là ca trực của tui, 21g thì nghe tiếng khóc thảm thiết của người thân chạy theo xe cứu thương, máu me kéo thành vệt dài ở hành lang. Vào phòng cấp cứu chưa đây 5 phút thì nạn nhân đã tử vong. Hỏi ra là một cậu học sinh cuối cấp cùng gia đình liên hoan vì đậu tốt nghiệp, không biết vui đến đâu mà quá chén, đi xe ra đường bị tai nạn vỡ đầu. Người thân ngất lịm hết, tui lúc đó lo chu tất, tám rửa thay quần áo, lo thủ tục giấy tờ để ngày mai  gia đình kịp đưa xác về nhà. Đến bây giờ hình ảnh cậu đó vẫn làm cho tui không quên được". 

Và tính cách mạnh mẽ, dù lời ra tiếng vào của người đời, sự khuyên răn của gia đình, anh em nên chuyển công việc, nhưng khi chứng kiến những hoàn cảnh thương tâm, bà đã muốn làm một điều gì cho người chết về với cõi vĩnh hằng để cho linh hồn họ siêu thoát. "Tui tính cánh như đàn ông, đã thích việc gì rồi thì khó có ai ngăn cẳn được. Tui làm những việc tốt chứ có xấu đâu mà phải sợ phải không các chú" - Bà Sáu nói

Những năm tháng đã trôi qua, bà đã chuyển xác, khâm liệm… bao nhiêu người bà cũng không thể nhớ nổi. Một công việc mà người khác chỉ nhìn hoặc nghe qua đã rợn người, lắc đầu lè lưỡi, nhưng đối với bà không mảy may chút sợ hãi, cũng không so đo tính toán thiệt hơn.

Người phụ nữ vì việc chung mà quên mất chuyện chồng conNgười phụ nữ vì việc chung mà quên mất chuyện chồng con

Quên cả lấy chồng

Đã qua 55 mùa xuân nhưng bà Sáu vẫn là người phụ nữ độc thân. Dòng đời vẫn cứ thế trôi đi, giờ đây ngồi ngẫm lại những gì đã qua, những việc mình đã làm và bao điều con dang dở. Bà tâm sự: "Tui không phải tự khen, hay đề cao mình, ít có những người như tui nữa, họ sống tranh đua nhau từng tí một, làm sao là lợi về cho mình, con ai mặc kệ. Do xã hội thay đổi thì buộc con người phải thay đổi thôi".

Những tấm bằng khen mà các Cơ quan, đoàn thể tặng cũng có nghĩa là công lao của bà được đền đáp xứng đáng với những gì đã công hiến cho xã hội.  "Tui trân trọng những tấm bằng khen này lắm, có lẽ đó là  phần thưởng lớn nhất cả cuộc đời. Tui phải nâng niu, gìn giữ mà khi tui đang còn sống".

Bây giờ cái tên bà "Sáu xác chết" cả tỉnh đều biết đến.  Khi hỏi về cái tên chẳng ai muốn được gọi, bà cười khà khà bảo: "Mình làm nghề này chỉ mong tích đức cho anh em, họ hàng, chứ có bao giờ nghĩ ơn huệ chi mô. Còn sức còn làm. Nhưng tui cũng khuyên mọi người, đừng vì yêu nghề quá mà đến quên cả chuyện chồng con như tui đây. Bởi không chồng , không con sau này về già ốm đau, sẻ cô độc và khổ lắm".

Theo Lê Tập / Báo Pháp Luật & Xã Hội

Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: