MrChu
13-10-2008, 04:33 PM
http://www.nghean24h.com/mods/News/pic/1218168261.jpg
Nghề đan đó bắt cá của làng Kẻ Dừa (xã Thọ Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An) có từ lâu đời - Nó nổi tiếng đến nỗi người ta quên cả tên chính của làng mà quen miệng gọi... làng Đó. Đó Kẻ Dừa có mặt khắp các chợ phiên vùng bắc Nghệ An, ra cả Thanh Hóa, vào Hà Tĩnh...
Thời vang bóng
Chúng tôi tìm về làng Kẻ Dừa để gặp nghệ nhân Tạ Văn Nông. Lão Nông là người đan đó đẹp và nhanh, khắp 3 huyện Diễn - Yên - Quỳnh trước đây đều biết tiếng. Người làng còn lưu truyền câu chuyện rằng. Làng kẻ Dừa ngày ấy có người con gái đẹp người đẹp nết, bao nhiêu trai làng theo đuổi nhưng không ai lọt mắt nàng. Nàng phán. “Ai đan được chục chiếc lừ bóng (lừ bằng trúc miệng liền rất khó đan) trong một buổi tui sẽ lấy làm chồng.” Nhiều chàng trai đến thử sức nhưng đều thất bại, chỉ có Nông là người chiến thắng, chưa đầy buổi Nông đã đan xong mười cái đều và đẹp một cách kì lạ. Vậy là Nông “lọt lừ” người đẹp nhất làng. Không biết câu chuyện ấy có thật hay không nhưng nó như một truyền thuyết đẹp của làng đó Kẻ Dừa.
Nhà Lão Nông nằm ở giữa làng, khi chúng tôi đến thấy lão đang mãi mê đan đó; trước sân, trong nhà lão đó ngồi, nằm ngổn ngang. Lão Nông năm nay 78 tuổi nhưng còn rất hoạt bát và nhanh nhẹn. Ngừng tay mời khách bát nước chè xanh đặc quánh, lão hào hứng kể về một thời quá vãng: “ Tui cũng không biết làng đó có tự khi mô. Tui lớn lên đã thấy nhà mình và cả làng đan đó. Con nít làng bất kể trai hay gái, 6-7 tuổi là biết đan đó rồi. Cứ tầm tháng hai âm lịch gặp lúc nông nhàn, cả làng rộn ràng đan đó, hàng trăm gia đình nghe rào rào như mưa. Ồ, mùi tre thơm nức cả làng. Vô đến cổng nhà mô cũng thấy đó đứng, đó ngồi, đó nằm, đăng, đáy, trúm, lừ, nơm, giỏ…chất đống, giăng la liệt…” .
Rít một hơi thuốc lào rồi ngửa mặt lên từ từ nhả khói, lão say sưa: “Có nhiều loại đó lắm. Đó một cửa bắt cá dưới lên, đó hai cửa bắt cá hai đầu. Đó ngồi loại nhỏ nhất dùng để bắt tép và cá con, loại lớn nhất cũng chỉ bằng vòng tay ngưòi lớn bắt cá bằng bàn tay trở xuống; Đó nằm loại lớn nhất dùng đặt ở cống, ở mương, có cái rộng vài người ôm dài đến 5m bắt cá đến cả yến. Cá trước đây nhiều vô kể. Tui đưa vài chục lừ, đó ra đặt ở ruộng một buổi là có vài yến cá. Còn nhớ trận lụt năm 1978 tui đặt chiếc đó nằm dài 5m ở cống đầu làng một đêm, sáng ra cá lèn chặt cứng phải 7 người khiêng mới lên được. Chà chà,... hơn 3 tạ cá.
- Cách đan có khó không cụ ?
- Cũng dễ mà cũng khó. Nghề ni đòi hỏi tính kiên trì, khoé léo và tỉ mẩn. Trong các loại đó bắt cá thì chỉ có lừ bóng và đó ngồi hai cửa là khó nhất. Lừ bóng chủ yếu bắt rô, diếc, thia, cấn, chù. Loại ni phải dùng trúc đúng độ tuổi vừa cứng, vừa dẻo dai, bởi nan nó nhỏ như chiếc tăm. Khâu ra nan và khâu làm miệng yêu cầu phải cẩn thận, khéo léo và tinh xảo mới mần được vì nó có 2 miệng liền. Nó giống như vẽ một bức chân dung toàn thân mà chỉ một nét. Hề hề... Còn đó ngồi 2 cửa cũng phải qua nhiều khâu: Thứ nhất cũng phải chọn tre giao lóng, đúng độ tuổi, thứ hai, ra nan phải đều đẹp; Thứ ba, bó từng bó dùng chân đạp cho bay lông, chủ yếu làm cho nan tròn, sạch, mịn; Thứ tư dóc chân rít thành mê để đan; Thứ năm, kết tràng (thắt lưng, cổ vai, bụng); Thứ sáu vô đáy lên vành, cuôí cùng là xoáy đầu lên lưng. Đan đó chi cũng phải qua các khâu như rứa, nhưng loại 2 đầu làm đáy khó hơn. Nếu sai kỹ thuật bị dẹo đó ngay. Còn các loại đó nằm, nơm , đăng đáy làm đơn giản hơn. “
- Thu nhập từ nghề đan hồi đó chắc là khá lắm ?
- Nhà mô cũng mần ăn được. Cả nhà tui mỗi năm đan đó bán, nếu tính ta lúa cũng được 6 -7 tấn, gấp mấy lần làm ruộng.
Đó Kẻ Dừa làm xong được khách tứ xứ về mua lẻ, mua sỉ cũng nhiều, nhưng chủ yếu là các gia đình đưa đi khắp các chợ quê trong và ngoài huyện để bán. Có nhiều người chất lên xe thồ đi rong ruổi khắp các làng quê ngày này qua ngày khác rao bán. Đó Kẻ Dừa trước đây không chỉ bá chủ vùng bắc Nghệ An mà còn đi cả Thanh Hoá và Hà Tĩnh. Đó Kẻ Dừa đi đâu ai cũng biết tiếng như một thương hiệu. Từng chuyến xe chở đó cùng với tiếng rao. “Ai đó ơ…” đã thành hình ảnh và âm thanh quen thuộc của nhiều làng quê xứ Nghệ. Nhờ nghề đó mà những năm giáp hạt, mất mùa đói kém làng Kẻ Dừa vẫn no đủ. Nghề đan đó không giàu nhưng nó cho thu nhập ổn định và đồng đều, từng bước làm nên diện mạo một làng Kẻ Dừa ấm no hơn nhiều làng quê khác…
Nỗi buồn làng đó
Làng đó Kẻ Dừa hưng thịnh một thời, giờ chỉ còn trong lời kể và ứy ức làng.
Hiện nay Kẻ Dừa chỉ còn 7- 8 gia đình còn níu giữ nghề truyền thống. Ông Nguyễn Hải, một thợ làm đó ở cuối làng tâm sự: “ Trước đây tui nhờ nghề đan đó mà nuôi được bầy con ăn học và cất được ngôi nhà ngói đàng hoàng, cái ăn, cái mặc không phải lo lắng. Nhưng, khoảng 15 năm trở lại nay nghề ni nỏ ăn thua nữa. Một chiếc đó cỡ vừa tốn nhiều thời gian cũng chỉ được 3 ngàn, lừ bóng 5 ngàn … mà cũng khó bán. Thu nhập từ nghề đó bèo bọt lắm, dân làng bỏ gần hết. Tui ngoài nghề làm ruộng không có nghề chi, buồn nên mua tre về đan cho đỡ ngứa tay, ngứa chân. Chính lão Nông cũng bỏ rồi nhưng nhớ nghề nên lão mới đan lại.”
Lão nông buồn bã: “Nghề đó tan rã, vì răng ư ? Có nhiều nguyên nhân lắm. Thứ nhất là cá tôm bây giờ hiếm hơn ngày xưa vì đồng ruộng ngày một hẹp hơn để xây dựng các công sở, công trình, nhà ở; Cá tôm nỏ sinh sản kịp khi bị các loại kích điện đánh bắt, rồi thuốc sâu, nước thải nhà máy… Cá tôm ít thì người ta mua đó mần chi.
Thứ hai là tre bây giờ hiếm lắm. Bọn tui phải đi lên vùng cao mới mua được. Làng chủ yếu làm nông, khi không còn nghề phụ thì cuộc sống bấp bênh lắm. Không có việc làm nên nam nữ thanh niên lớn lên đều bỏ làng đi hết”.
Anh Nguyễn Hữu Thái xóm trưởng cho biết: “Trước đây làng có hơn 300 hộ với gần 1000 người thạo nghề đan. Khi nghề đan đó mai một, xã đã đưa nghề mây tre đan xuất khẩu về làng. Nghề mây tre đan xuất khâủ đã thổi một luồng gió mới cho Kẻ Dừa. Người nào cũng háo hức như sống lại thời hưng thịnh của nghề làm đó. Nhưng, cũng chỉ được 3 - 4 tháng như nhiều làng mây tre đan xuất khẩu ở huyện Yên Thành. Sản phẩm làm ra không tiêu thụ được (?). Làng nghề một lần nữa tan rã. Chúng tôi đang nghĩ cách để gần 1000 tay đan của làng có việc làm, nhưng nghĩ vẫn chưa ra !” (!!!)
Chúng tôi tạm biệt làng đó giữa trưa hè nắng như đổ lửa, ngoái nhìn lão Nông và những gia đình làm nghề đan đó thấy trên gương mặt mỗi người đều mênh mang một nỗi buồn thất bát. Tuy vậy, còn cá tôm thì vẫn còn nghề đan đó, lão Nông và một số hộ gia đình làng Kẻ Dừa vẫn cố níu giữ nghề truyền thống, tuy thu nhập chẳng đáng là bao.
Trên những nẻo đường quê thỉnh thoảng chúng tôi lại bắt gặp một vài chiếc xe đạp thồ đó của làng với tiếng rao “ Ai đó ơ...”.
Nguồn: Tiến Dũng/Báo Nghệ An
Nghề đan đó bắt cá của làng Kẻ Dừa (xã Thọ Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An) có từ lâu đời - Nó nổi tiếng đến nỗi người ta quên cả tên chính của làng mà quen miệng gọi... làng Đó. Đó Kẻ Dừa có mặt khắp các chợ phiên vùng bắc Nghệ An, ra cả Thanh Hóa, vào Hà Tĩnh...
Thời vang bóng
Chúng tôi tìm về làng Kẻ Dừa để gặp nghệ nhân Tạ Văn Nông. Lão Nông là người đan đó đẹp và nhanh, khắp 3 huyện Diễn - Yên - Quỳnh trước đây đều biết tiếng. Người làng còn lưu truyền câu chuyện rằng. Làng kẻ Dừa ngày ấy có người con gái đẹp người đẹp nết, bao nhiêu trai làng theo đuổi nhưng không ai lọt mắt nàng. Nàng phán. “Ai đan được chục chiếc lừ bóng (lừ bằng trúc miệng liền rất khó đan) trong một buổi tui sẽ lấy làm chồng.” Nhiều chàng trai đến thử sức nhưng đều thất bại, chỉ có Nông là người chiến thắng, chưa đầy buổi Nông đã đan xong mười cái đều và đẹp một cách kì lạ. Vậy là Nông “lọt lừ” người đẹp nhất làng. Không biết câu chuyện ấy có thật hay không nhưng nó như một truyền thuyết đẹp của làng đó Kẻ Dừa.
Nhà Lão Nông nằm ở giữa làng, khi chúng tôi đến thấy lão đang mãi mê đan đó; trước sân, trong nhà lão đó ngồi, nằm ngổn ngang. Lão Nông năm nay 78 tuổi nhưng còn rất hoạt bát và nhanh nhẹn. Ngừng tay mời khách bát nước chè xanh đặc quánh, lão hào hứng kể về một thời quá vãng: “ Tui cũng không biết làng đó có tự khi mô. Tui lớn lên đã thấy nhà mình và cả làng đan đó. Con nít làng bất kể trai hay gái, 6-7 tuổi là biết đan đó rồi. Cứ tầm tháng hai âm lịch gặp lúc nông nhàn, cả làng rộn ràng đan đó, hàng trăm gia đình nghe rào rào như mưa. Ồ, mùi tre thơm nức cả làng. Vô đến cổng nhà mô cũng thấy đó đứng, đó ngồi, đó nằm, đăng, đáy, trúm, lừ, nơm, giỏ…chất đống, giăng la liệt…” .
Rít một hơi thuốc lào rồi ngửa mặt lên từ từ nhả khói, lão say sưa: “Có nhiều loại đó lắm. Đó một cửa bắt cá dưới lên, đó hai cửa bắt cá hai đầu. Đó ngồi loại nhỏ nhất dùng để bắt tép và cá con, loại lớn nhất cũng chỉ bằng vòng tay ngưòi lớn bắt cá bằng bàn tay trở xuống; Đó nằm loại lớn nhất dùng đặt ở cống, ở mương, có cái rộng vài người ôm dài đến 5m bắt cá đến cả yến. Cá trước đây nhiều vô kể. Tui đưa vài chục lừ, đó ra đặt ở ruộng một buổi là có vài yến cá. Còn nhớ trận lụt năm 1978 tui đặt chiếc đó nằm dài 5m ở cống đầu làng một đêm, sáng ra cá lèn chặt cứng phải 7 người khiêng mới lên được. Chà chà,... hơn 3 tạ cá.
- Cách đan có khó không cụ ?
- Cũng dễ mà cũng khó. Nghề ni đòi hỏi tính kiên trì, khoé léo và tỉ mẩn. Trong các loại đó bắt cá thì chỉ có lừ bóng và đó ngồi hai cửa là khó nhất. Lừ bóng chủ yếu bắt rô, diếc, thia, cấn, chù. Loại ni phải dùng trúc đúng độ tuổi vừa cứng, vừa dẻo dai, bởi nan nó nhỏ như chiếc tăm. Khâu ra nan và khâu làm miệng yêu cầu phải cẩn thận, khéo léo và tinh xảo mới mần được vì nó có 2 miệng liền. Nó giống như vẽ một bức chân dung toàn thân mà chỉ một nét. Hề hề... Còn đó ngồi 2 cửa cũng phải qua nhiều khâu: Thứ nhất cũng phải chọn tre giao lóng, đúng độ tuổi, thứ hai, ra nan phải đều đẹp; Thứ ba, bó từng bó dùng chân đạp cho bay lông, chủ yếu làm cho nan tròn, sạch, mịn; Thứ tư dóc chân rít thành mê để đan; Thứ năm, kết tràng (thắt lưng, cổ vai, bụng); Thứ sáu vô đáy lên vành, cuôí cùng là xoáy đầu lên lưng. Đan đó chi cũng phải qua các khâu như rứa, nhưng loại 2 đầu làm đáy khó hơn. Nếu sai kỹ thuật bị dẹo đó ngay. Còn các loại đó nằm, nơm , đăng đáy làm đơn giản hơn. “
- Thu nhập từ nghề đan hồi đó chắc là khá lắm ?
- Nhà mô cũng mần ăn được. Cả nhà tui mỗi năm đan đó bán, nếu tính ta lúa cũng được 6 -7 tấn, gấp mấy lần làm ruộng.
Đó Kẻ Dừa làm xong được khách tứ xứ về mua lẻ, mua sỉ cũng nhiều, nhưng chủ yếu là các gia đình đưa đi khắp các chợ quê trong và ngoài huyện để bán. Có nhiều người chất lên xe thồ đi rong ruổi khắp các làng quê ngày này qua ngày khác rao bán. Đó Kẻ Dừa trước đây không chỉ bá chủ vùng bắc Nghệ An mà còn đi cả Thanh Hoá và Hà Tĩnh. Đó Kẻ Dừa đi đâu ai cũng biết tiếng như một thương hiệu. Từng chuyến xe chở đó cùng với tiếng rao. “Ai đó ơ…” đã thành hình ảnh và âm thanh quen thuộc của nhiều làng quê xứ Nghệ. Nhờ nghề đó mà những năm giáp hạt, mất mùa đói kém làng Kẻ Dừa vẫn no đủ. Nghề đan đó không giàu nhưng nó cho thu nhập ổn định và đồng đều, từng bước làm nên diện mạo một làng Kẻ Dừa ấm no hơn nhiều làng quê khác…
Nỗi buồn làng đó
Làng đó Kẻ Dừa hưng thịnh một thời, giờ chỉ còn trong lời kể và ứy ức làng.
Hiện nay Kẻ Dừa chỉ còn 7- 8 gia đình còn níu giữ nghề truyền thống. Ông Nguyễn Hải, một thợ làm đó ở cuối làng tâm sự: “ Trước đây tui nhờ nghề đan đó mà nuôi được bầy con ăn học và cất được ngôi nhà ngói đàng hoàng, cái ăn, cái mặc không phải lo lắng. Nhưng, khoảng 15 năm trở lại nay nghề ni nỏ ăn thua nữa. Một chiếc đó cỡ vừa tốn nhiều thời gian cũng chỉ được 3 ngàn, lừ bóng 5 ngàn … mà cũng khó bán. Thu nhập từ nghề đó bèo bọt lắm, dân làng bỏ gần hết. Tui ngoài nghề làm ruộng không có nghề chi, buồn nên mua tre về đan cho đỡ ngứa tay, ngứa chân. Chính lão Nông cũng bỏ rồi nhưng nhớ nghề nên lão mới đan lại.”
Lão nông buồn bã: “Nghề đó tan rã, vì răng ư ? Có nhiều nguyên nhân lắm. Thứ nhất là cá tôm bây giờ hiếm hơn ngày xưa vì đồng ruộng ngày một hẹp hơn để xây dựng các công sở, công trình, nhà ở; Cá tôm nỏ sinh sản kịp khi bị các loại kích điện đánh bắt, rồi thuốc sâu, nước thải nhà máy… Cá tôm ít thì người ta mua đó mần chi.
Thứ hai là tre bây giờ hiếm lắm. Bọn tui phải đi lên vùng cao mới mua được. Làng chủ yếu làm nông, khi không còn nghề phụ thì cuộc sống bấp bênh lắm. Không có việc làm nên nam nữ thanh niên lớn lên đều bỏ làng đi hết”.
Anh Nguyễn Hữu Thái xóm trưởng cho biết: “Trước đây làng có hơn 300 hộ với gần 1000 người thạo nghề đan. Khi nghề đan đó mai một, xã đã đưa nghề mây tre đan xuất khẩu về làng. Nghề mây tre đan xuất khâủ đã thổi một luồng gió mới cho Kẻ Dừa. Người nào cũng háo hức như sống lại thời hưng thịnh của nghề làm đó. Nhưng, cũng chỉ được 3 - 4 tháng như nhiều làng mây tre đan xuất khẩu ở huyện Yên Thành. Sản phẩm làm ra không tiêu thụ được (?). Làng nghề một lần nữa tan rã. Chúng tôi đang nghĩ cách để gần 1000 tay đan của làng có việc làm, nhưng nghĩ vẫn chưa ra !” (!!!)
Chúng tôi tạm biệt làng đó giữa trưa hè nắng như đổ lửa, ngoái nhìn lão Nông và những gia đình làm nghề đan đó thấy trên gương mặt mỗi người đều mênh mang một nỗi buồn thất bát. Tuy vậy, còn cá tôm thì vẫn còn nghề đan đó, lão Nông và một số hộ gia đình làng Kẻ Dừa vẫn cố níu giữ nghề truyền thống, tuy thu nhập chẳng đáng là bao.
Trên những nẻo đường quê thỉnh thoảng chúng tôi lại bắt gặp một vài chiếc xe đạp thồ đó của làng với tiếng rao “ Ai đó ơ...”.
Nguồn: Tiến Dũng/Báo Nghệ An